Bộ Y tế cho biết có 1.717 ca mắc mới, giảm hơn 600 ca so với hôm qua. Hiện có 61 bệnh nhân thở oxy, giảm so với ngày trước đó.
Bản tin phòng chống dịch COVID-19 ngày 23/4 của Bộ Y tế cho biết có 1.717 ca mắc mới, giảm hơn 600 ca so với hôm qua. Hiện có 61 bệnh nhân thở oxy, giảm so với ngày trước đó.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.544.777 ca nhiễm, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 121/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.669 ca nhiễm).
Tình hình điều trị COVID-19
1. Số bệnh nhân khỏi bệnh:
- Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 367 ca
- Tổng số ca được điều trị khỏi: 10.617.092 ca
2. Số bệnh nhân đang thở ô xy là 61 ca, trong đó:
- Thở ô xy qua mặt nạ: 53 ca
- Thở ô xy dòng cao HFNC: 2 ca
- Thở máy không xâm lấn: 0 ca
- Thở máy xâm lấn: 6 ca
- ECMO: 0 ca
3. Số bệnh nhân tử vong:
- Trong ngày ghi nhận 0 ca tử vong.
- Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 0 ca.
- Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.187 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.
- Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/230 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 141/230 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 7/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 29/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 5 ASEAN).
Tình hình tiêm vaccine COVID-19
Trong ngày 22/4 có 1.008 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 266.144.129 liều, trong đó:
+ Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 223.530.390 liều: Mũi 1 là 70.907.789 liều; Mũi 2 là 68.450.876 liều; Mũi bổ sung là 14.343.891 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 52.074.346 liều; Mũi nhắc lại lần 2 là 17.753.488 liều.
+ Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 23.964.983 liều: Mũi 1 là 9.130.472 liều; Mũi 2 là 9.021.223 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 5.813.288 liều.
+ Số liều tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 18.648.756 liều: Mũi 1 là 10.209.366 liều; Mũi 2 là 8.439.390 liều.
Theo Tuổi Trẻ, cũng trong ngày 23/4, Sở Y tế TP.HCM cho biết từ các mẫu bệnh phẩm giám sát dịch tễ trong cộng đồng của HCDC và Viện Pasteur TP.HCM thực hiện ngày 21/4 đã phát hiện 7 biến thể phụ mới của Omicron bao gồm XBB.1.5, XBB.1.9.1, XBB.1.16 và XBB.1.16.1.
Theo đó, từ ngày 8/4 đến 14/4/2023, 11 trong 13 mẫu giám sát dịch tễ do HCDC thực hiện có kết quả là biến thể phụ mới của Omicron, ngoài biến thể phụ mới đã được phát hiện tại Thành phố gần đây (XBB.1.5), còn có 07 mẫu thuộc các biến thể phụ mới khác bao gồm XBB.1.9.1, XBB.1.16, XBB.1.16.1.
Những biến thể phụ mới phát hiện tại Thành phố cũng là những biến thể phụ đã có mặt tại nhiều quốc gia trên thế giới và được WHO xếp vào nhóm các biến thể đáng quan tâm (VOI) hoặc biến thể cần được theo dõi (VUMs).
Theo HCDC, số ca tử vong do Covid-19 trước đây tập trung ở nhóm người trên 50 tuổi, người có bệnh nền. Đây là những người thuộc nhóm nguy cơ. Những người thân, người sống chung trong nhà khi tham gia các hoạt động xã hội, lao động sản xuất có thể mang mầm bệnh về lây nhiễm cho nhóm người này.
Để bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ, vai trò của người thân, người chăm sóc cùng sống chung trong nhà là rất quan trọng.
8 điều người sống chung nhà cần làm để bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ:
Rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, hạn chế tụ tập tại các nơi công cộng, nhất là vào các dịp lễ, hội.
Hạn chế tụ tập tại nơi ở của người thuộc nhóm nguy cơ.
Hạn chế tiếp xúc gần với người thuộc nhóm nguy cơ. Nếu cần giao tiếp hãy đeo khẩu trang và giữ khoảng cách với họ.
Đeo khẩu trang khi chăm sóc người thuộc nhóm nguy cơ. Rửa tay bằng nước sạch và xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay trước và sau khi chăm sóc.
Không sử dụng chung các vật dụng cá nhân.
Khuyến khích, thuyết phục người thuộc nhóm nguy cơ tiêm vắc xin Covid-19 khi đến lượt.
Khi có triệu chứng nghi ngờ mắc Covid-19, tuyệt đối không tiếp xúc với người thuộc nhóm nguy cơ, cần liên hệ ngay với y tế địa phương để được hướng dẫn.
Khi xác định nhiễm Covid-19 cần phải cách ly tuyệt đối với người thuộc nhóm nguy cơ. Người nhiễm cách ly tại phòng riêng. Nếu gia đình không có đủ điều kiện cách ly thì người nhiễm và người thuộc nhóm nguy cơ không nên ở chung nhà.