Lo sợ tình hình dịch bệnh lây nhiễm, nhiều người đã đi mua kit test, khẩu trang và các loại thuốc kháng sinh để phòng bệnh.
- Bệnh nhân tử vong vì COVID-19 lại mắc bệnh nền nguy hiểm: Bác sĩ cảnh báo gì?
- 8 trường hợp bắt buộc phải đeo khẩu trang nếu không muốn bị phạt tới 3 triệu đồng
Thông tin từ Báo Nhân Dân, ghi nhận tại các hiệu thuốc trên địa bàn thành phố Hà Nội, trong 2 tuần trở lại đây, lượng mua các vật tư y tế như kit test, khẩu trang và các loại thuốc kháng sinh tăng đáng kể. Trong những sản phẩm đó, kit test nhanh Covid-19 và thuốc điều trị cảm cúm có lượt bán nhiều nhất.
Theo chủ một hiệu thuốc trên đường Bạch Mai (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, nhiều khách hàng mua kit test với số lượng lớn để dự trữ sẵn ở nhà. Đối với sản phẩm trên, nhà thuốc luôn có nguồn hàng ổn định và dồi dào để cung cấp cho người tiêu dùng.
Chị Trần Thị Minh Anh, trú tại quận Long Biên, người vừa bị nhiễm Covid-19 cũng không khỏi lo lắng. Chia sẻ trên Báo Nhân Dân, chị cho biết: “Càng đông người bệnh thì nhu cầu mua các loại kit test hay thuốc chữa cảm cúm càng cao. Tôi e rằng trong thời gian tới, các mặt hàng này có thể trở nên khan hiếm”.
Với tâm lý đó, chị Minh Anh cũng mua thêm nhiều kit test Covid-19, nước muối sinh lý và vitamin C. Theo chị, để hạn chế việc tái nhiễm, hằng ngày, chị đều súc miệng nhiều lần bằng nước muối, bổ sung thêm các loại vitamin cần thiết để bảo vệ cơ thể.
Bà Phạm Thị Mai, 67 tuổi, trú tại quận Hai Bà Trưng, cho hay, bà thường xuyên bị ốm vặt khi thời tiết thất thường. Vì sợ các loại kit test và thuốc điều trị ho khan, sổ mũi tăng giá cao như mùa dịch những năm trước, bà đã mua sẵn một số lượng lớn sản phẩm để dự trữ cho cả gia đình.
Với nhiều người dân, từ lâu, việc xét nghiệm Covid-19 bằng kit test nhanh khi có những biểu hiện như sốt, rát họng, đau đầu và mệt mỏi đã thành thói quen trong sinh hoạt.
Chị Trần Hoàng Phước Tiên, trú tại quận Cầu Giấy chia sẻ trên Báo Nhân Dân: “Nếu cảm thấy bản thân có những dấu hiệu của Covid-19, tôi sẽ tự xét nghiệm ngay tại nhà. Ngoài kit test, tôi cũng mua thêm khẩu trang và thuốc xịt giảm đau họng để sử dụng dù chưa mắc Covid-19”.
Với tâm lý “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, một số người đã chuẩn bị các sản phẩm phòng dịch Covid-19. Thậm chí, một số người còn mua sẵn đơn thuốc để tự điều trị tại nhà trong trường hợp mắc bệnh.
Tuy nhiên, theo khuyến cáo từ các chuyên gia y tế, việc làm này có thể dẫn đến nguy cơ kháng thuốc, ảnh hưởng đến việc điều trị, dẫn đến những biến chứng sau này của người bệnh.
Để bảo đảm sức khỏe cho bản thân và gia đình trước dịch Covid-19, mỗi người dân cần chủ động hơn trong việc mang khẩu trang, giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc với người khác, rửa tay thường xuyên và báo cáo ngay cho các trạm y tế tại địa phương khi biết mình mắc Covid-19.
Bộ Y tế nhấn mạnh các địa phương không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác và thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch theo nghị quyết số 38 ngày 17/3/2022 của Chính phủ và Kế hoạch phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2023.
Đồng thời, các đơn vị cần thúc đẩy tiêm vaccine phòng Covid-19 đạt mục tiêu đề ra, huy động sự tham gia của chính quyền địa phương và các ban, ngành, đoàn thể để triển khai quyết liệt việc rà soát, vận động các đối tượng tham gia tiêm vaccine phòng Covid-19, nhất là với các nhóm có nguy cơ cao.
Các địa phương cần chủ động công tác giám sát, theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với các tình huống có thể xảy ra của dịch bệnh. Bên cạnh đó, tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại các cơ sở giáo dục, giám sát tại các cửa khẩu, trong các cơ sở y tế và tại cộng đồng để phát hiện sớm và xử lý kịp thời, không để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của Bộ Y tế để chủ động phát hiện sớm các biến thể mới của virus SARS-CoV-2.
Song song với đó, cần tổ chức đánh giá cấp độ dịch theo nghị quyết số 128 ngày 11/10/2021, quyết định 218 ngày 27/1/2022.
Bộ Y tế cũng yêu cầu các địa phương chỉ đạo tổ chức tốt việc thu dung, cấp cứu, chăm sóc, điều trị hiệu quả các trường hợp mắc bệnh, đặc biệt với các nhóm nguy cơ cao như phụ nữ có thai, người mắc bệnh nền, người cao tuổi, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong và thực hiện nghiêm việc kiểm soát nhiễm khuẩn, không để lây nhiễm chéo trong các cơ sở điều trị...
Đồng thời, tăng cường truyền thông phòng bệnh để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân trong việc bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng.