Sau khi uống số lượng lớn một loại thuốc dị ứng để thực hiện thử thách trên TikTok, thiếu niên chết não và tử vong.
- Ngày 22/4: Có 2.337 ca COVID-19 mới
- Vĩnh Long: Một nữ sinh lớp 8 bất ngờ sinh con sau cơn đau bụng dữ dội
Cụ thể, theo VnExpress, một thiếu niên đã dùng quá liều Benadryl, loại thuốc kháng histamine để điều trị tình trạng dị ứng, sau đó bị co giật. Trong lúc đó, bạn bè của cậu bé vẫn tiếp tục quay clip ghi lại những gì đang xảy ra. Cậu bé sau đó chỉ được đưa đến bệnh viện khi cơ thể đã bất động. Vào viện, bác sĩ đặt máy thở và nằm 6 ngày. Tuy nhiên, bác sĩ cuối cùng thông báo não của cậu không còn phản ứng.
Trước đó, một bệnh nhân 15 tuổi, cũng qua đời vào năm 2020 vì lý do tương tự. Theo các chuyên gia, "thử thách Benadryl" là xu hướng lan truyền trong vài năm gần đây. Người tham gia (chủ yếu là thanh thiếu niên) cố ý sử dụng một lượng lớn thuốc dị ứng kháng histamine để gây ảo giác. Liều dùng trong thử thách cao hơn đáng kể so với chỉ định nghiêm ngặt "không quá 6 viên trong vòng 24 giờ".
Benadryl nguy hiểm bởi thuốc có thể khiến nhịp tim tăng, gây các loại ảo giác sống động và nhiều tác hại khác. Theo tiến sĩ Kenneth Perry, dùng quá mức các dòng thuốc kháng histamine tương tự gây triệu chứng tăng thân nhiệt nghiêm trọng, suy tim mạch và co giật. Các biểu hiện phổ biến nhất của quá liều bao gồm nhịp tim không đều, bí tiểu, thay đổi thị lực và da đỏ bừng.
"Thật đáng lo ngại khi nghe thấy những thử thách thế này trên phương tiện truyền thông xã hội. Đây không phải lần đầu thử thách liên quan đến thuốc bán không theo đơn gây tổn hại nghiêm trọng và dẫn đến tử vong", tiến sĩ Leyla Hannbeck, Giám đốc điều hành Hiệp hội Nhà thuốc Độc lập, nhận định.
Năm 2020, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã đưa ra cảnh báo đối với thử thách này. "Dùng liều cao hơn khuyến cáo thuốc chống dị ứng diphenhydramine (Benadryl) không kê đơn có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng về tim, dẫn đến co giật, hôn mê, thậm chí tử vong", FDA khuyến cáo.
Cũng theo Tổ quốc, trước đó, mỗi năm, có ít nhất một vài trào lưu sức khỏe mới mà những người sáng tạo nội dung trên TikTok ‘khơi mào’. Và sau đó, các video này lan truyền với tốc độ chóng mặt. Một số ví dụ nổi bật là trào lưu "nhét tỏi vào mũi để thông mũi, uống bột protein khô để tăng cường tác dụng"- tất cả những mẹo mà các chuyên gia cho rằng không phải lúc nào cũng hiệu quả và có khả năng gây nguy hiểm.
Một thử thách khác trên TikTok có thể khiến bạn giật mình kinh hãi là "gà buồn ngủ", công thức nấu gà với thuốc, ví dụ như siro ho Nyquil và các loại siro tương tự khác. Món ăn này đã trở thành xu hướng, thu hút sự chú ý của FDA, cơ quan này đã đưa ra cảnh báo vào tháng 9 năm ngoái.
"Những thử thách video này thường nhắm vào giới trẻ, có thể gây hại cho mọi người - và thậm chí gây tử vong", FDA cho biết trong một tuyên bố trên trang web của mình. "Đun sôi một loại thuốc có thể thay đổi đặc tính của thuốc theo nhiều cách khác nhau. Ngay cả khi bạn không ăn thịt gà, việc hít phải hơi thuốc trong khi nấu có thể khiến lượng thuốc xâm nhập vào cơ thể bạn ở mức cao. Nó cũng có thể làm tổn thương phổi".
Cũng theo Zing News, một bạn nữ tên Nguyễn Quỳnh Ngân (31 tuổi), nhân viên truyền thông ở TP.HCM, từng bắt chước các TikToker dán băng dính vào miệng với hy vọng có một đêm ngon giấc. Theo hướng dẫn, việc dán 1-2 miếng băng dính y tế sẽ giúp người dùng không bị khô miệng, chống ngáy, ngủ tốt hơn.
Ngoài ra, việc này còn được khuyên dùng cho những người mắc các bệnh hô hấp, tránh mệt mỏi sau khi ngủ dậy, trị chứng sương mù trí não, quầng thâm dưới mắt… Qua các từ khóa như “băng dính miệng”, “ngủ dán miệng” hay “băng dính chống ngáy”, không khó để tìm thấy các clip hướng dẫn thực hiện đính kèm đường dẫn mua sản phẩm.
Thấy biện pháp có thể xử lý được chứng khô miệng, ngủ ngáy, Quỳnh Ngân liền mua 2 loại băng dính khác nhau để dùng thử.
Từ lần đầu sử dụng, cảm giác có miếng băng dính trên miệng khiến cô cảm thấy rất khó chịu, nhưng được người bán khuyên rằng “sẽ quen sau 1 tuần sử dụng”. Thế nhưng, đêm đó, cô liên tục bị tắc nghẽn đường hô hấp, thức dậy nhiều lần giữa đêm vì khó thở. Sáng hôm sau, đầu cô váng vất vì mệt mỏi.
“Tôi cảm thấy rõ mình bị ngưng thở trong lúc ngủ. Nhưng do tiếc tiền mua băng dính, tôi cắn răng thử 2 đêm nữa”, Quỳnh Ngân, người có tiền sử bệnh xoang, cho biết.
Cuối cùng, cô bỏ cuộc khi thấy giấc ngủ của mình trở nên nặng nề hơn, khó thở hơn.
Thực tế, trào lưu này đã bị nhiều bác sĩ trên thế giới cảnh báo. Thậm chí, các chuyên gia y tế khẳng định nó nằm trong số những trào lưu “nguy hiểm nhất” trên mạng xã hội hiện nay, theo New York Post.
Tiến sĩ David Culpepper, bác sĩ đa khoa ở Lexington (bang Kentucky, Mỹ), nói với Fox News việc "cố tình làm tắc nghẽn đường hô hấp trong khi ngủ là một ý tưởng khủng khiếp”.
Chuyên gia giấc ngủ James Wilson thì khẳng định dán miệng bằng băng dính “có thể góp phần gây ra các vấn đề nghiêm trọng như bệnh tim, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và đột quỵ, đặc biệt nếu bạn mắc chứng ngưng thở khi ngủ”.
Nhiều chuyên gia y tế hy vọng rằng công ty đứng sau nền tảng mạng xã hội này nên đặt cảnh báo "chưa được kiểm chứng" hoặc "không nên thử tại nhà" ở các clip mẹo làm đẹp, cải thiện sức khỏe phản khoa học.
Song song với đó, họ mong muốn mọi người sẽ tìm đến bác sĩ thật để chữa trị, xin lời khuyên sức khỏe thay vì đặt niềm tin vào các video trôi nổi trên TikTok.