Ngày 8/6, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM cho biết, tuần qua bệnh viện tiếp nhận 4 trường hợp trẻ nhiễm virus tay chân miệng chủng EV71 là chủng gây bệnh nặng trong năm 2011, 2018.
- Chiều 6/6: UBND TP.HCM ra chỉ đạo khẩn về bệnh tay chân miệng
- TP.HCM: Nguy cơ bùng phát dịch bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết
Theo thông tin từ báo Thanh niên, ngày 8/6, bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) cho biết, tuần qua bệnh viện tiếp nhận 4 trường hợp trẻ bệnh tay chân miệng nặng. Cả 4 trường hợp đều có xét nghiệm PCR phết họng trực tràng đều cho kết quả nhiễm virus tay chân miệng chủng EV71. Đây là chủng gây bệnh nặng trong năm 2011, 2018.
Các trường hợp trên, hầu hết đều có các biểu hiện như sốt, ói, nổi hồng ban trong những ngày đầu, sau đó qua ngày thứ 3 hoặc 4 thì có biểu hiện sốt giật mình chới với, nhập viện bệnh viện địa phương điều trị theo phác đồ nhưng không cải thiện.
Theo nguồn tin từ báo Tuổi trẻ, trường hợp bé 17 tháng tuổi (ngụ tỉnh Trà Vinh) bị sốt, ói và được điều trị tại phòng khám tư 3 ngày nhưng không đỡ. Đến ngày thứ 4 của bệnh, bé sốt cao khó hạ, giật mình chới với nhiều cơn. Sau đó, bé được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, bé đã bị suy hô hấp, mạch đập lên trên 200 lần/phút, da bông tái do mắc tay chân miệng độ 3.
Trong thời gian 4 tiếng đồng hồ chuyển viện, bé đã chuyển sang mắc tay chân miệng độ 4. Bé được đặt nội khí quản, thở máy, lọc máu liên tục để loại trừ cơn bão cytokine gây sốt cao lên 40-41 độ C. Hiện bé đáp ứng dần với những biện pháp hồi sức tích cực kịp thời ban đầu và đang được điều trị, cách ly theo dõi sát tại khoa hồi sức tích cực chống độc.
Ngoài ra, trường hợp bé V.N.M.C (26 tháng, ngụ ở An Giang) được gia đình cho biết trẻ bệnh 3 ngày, 2 ngày đầu sốt, nổi hồng ban mụn nước ở lòng bàn tay chân, Qua ngày thứ 3 trẻ sốt, giật mình chới với, nên nhập bệnh viện địa phương, được chẩn đoán bệnh tay chân miệng độ 3.
Trường hợp thứ 3, bé Ng.Tr.H.Ph (hơn 3 tuổi, ngụ ở An Gian) ghi nhận trẻ bệnh 5 ngày, 3 ngày đầu sốt, nổi hồng ban mụn nước ở lòng bàn tay chân, loét miệng, ngày thứ 4 sốt, giật mình chới với, nên nhập bệnh viện địa phương chẩn đoán bệnh tay chân miệng độ 3.
Trường hợp thứ 4, bé Đ.Ng.T.V. (3 tuổi, ngụ ở quận Tân Phú, TP.HCM) trẻ bệnh 2 ngày, ngày đầu sốt cao, ngày 2 sốt, co giật toàn thân, nên nhập bệnh viện địa phương chẩn đoán sốt co giật, điều trị hạ sốt chống co giật.
Tất cả các trường hợp trên đang được điều trị tích cực tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, trong đó có trường hợp phải lọc máu, thở máy, đặt nội khí quản... May mắn, 4 bệnh nhi đều đã qua cơn nguy kịch, đang dần hồi phục.
Các chuyên gia cảnh báo
Qua các trường hợp này, các bác sĩ lưu ý phụ huynh, khi thấy con em mình biểu hiện sốt, nổi hồng ban mụn nước ở tay chân mông gối, loét miệng, kèm thêm việc xuất hiện một trong các triệu chứng giật mình chới với, ói nhiều, sốt cao khó hạ, thở bất thương, run tay chân, đi loạng choạng, ngồi không vững, nuốt khó, co giật,… thì cần đưa trẻ tới bệnh viện để được các bác sĩ thăm khám và điều trị kịp thời.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho biết số ca mắc bệnh tay chân miệng đang có khuynh hướng gia tăng ở khu vực miền Nam cũng như TP.HCM trong 2 tuần gần đây, chủ yếu là trẻ từ 1-3 tuổi.
Việc phát hiện vi rút Enterovirus 71 (đặc tính lây lan nhanh, dễ gây bệnh nặng) là tác nhân gây bệnh nặng cho các trẻ mắc tay chân miệng điều trị tại các bệnh viện nhi đồng trên địa bàn TP.HCM, các chuyên gia cảnh báo bệnh tay chân miệng năm nay diễn biến phức tạp.
Ngành y tế TP đã triển khai các biện pháp phòng chống dịch tay chân miệng nhằm hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong.