'Bệnh COVID-19 nghề nghiệp' được bổ sung thêm trong 35 danh mục bệnh được hưởng BHXH chính thức có hiệu lực từ tháng 4/2023.
- Uống loại lá thuốc chữa ho, thai phụ 37 tuần tuổi nguy kịch nghi do ngộ độc
- Tin vào lời quảng cáo thuốc đông y 'nhà tôi 3 đời' nhiều bệnh nhân nhiễm độc vì các chất cấm, thuốc rởm pha trộn: Tiền mất tật mang
Theo thông tin từ Báo Người Lao Động, Bộ trưởng Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư 02/2023/TT-BYT sửa đổi Thông tư 15/2016/TT-BYT quy định về bệnh nghề nghiệp được hưởng BHXH.
Theo đó, bổ sung "Bệnh COVID-19 nghề nghiệp" vào danh mục bệnh nghề nghiệp được hưởng BHXH từ ngày 1-4-2023.
Như vậy, danh mục bệnh nghề nghiệp được hưởng BHXH từ ngày 01/04/2023 như sau:
1. Bệnh bụi phổi silic nghề nghiệp.
2. Bệnh bụi phổi amiăng nghề nghiệp.
3. Bệnh bụi phổi bông nghề nghiệp.
4. Bệnh bụi phổi talc nghề nghiệp.
5. Bệnh bụi phổi than nghề nghiệp.
6. Bệnh viêm phế quản mạn tính nghề nghiệp.
7. Bệnh hen nghề nghiệp.
8. Bệnh nhiễm độc chì nghề nghiệp.
9. Bệnh nhiễm độc nghề nghiệp do benzen.
10. Bệnh nhiễm độc thủy ngân nghề nghiệp.
11. Bệnh nhiễm độc mangan nghề nghiệp.
12. Bệnh nhiễm độc trinitrotoluen nghề nghiệp.
13. Bệnh nhiễm độc asen nghề nghiệp.
14. Bệnh nhiễm độc hóa chất bảo vệ thực vật nghề nghiệp.
15. Bệnh nhiễm độc nicotin nghề nghiệp.
16. Bệnh nhiễm độc cacbon monoxit nghề nghiệp.
17. Bệnh nhiễm độc cadimi nghề nghiệp.
18. Bệnh điếc nghề nghiệp do tiếng ồn.
19. Bệnh giảm áp nghề nghiệp.
20. Bệnh nghề nghiệp do rung toàn thân.
21. Bệnh nghề nghiệp do rung cục bộ.
22. Bệnh phóng xạ nghề nghiệp.
23. Bệnh đục thể thủy tinh nghề nghiệp.
24. Bệnh nốt dầu nghề nghiệp.
25. Bệnh sạm da nghề nghiệp.
26. Bệnh viêm da tiếp xúc nghề nghiệp do crôm.
27. Bệnh da nghề nghiệp do tiếp xúc môi trường ẩm ướt và lạnh kéo dài.
28. Bệnh da nghề nghiệp do tiếp xúc với cao su tự nhiên, hóa chất phụ gia cao su.
29. Bệnh Leptospira nghề nghiệp.
30. Bệnh viêm gan vi rút B nghề nghiệp.
31. Bệnh lao nghề nghiệp.
32. Nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp.
33. Bệnh viêm gan vi rút C nghề nghiệp.
34. Bệnh ung thư trung biểu mô nghề nghiệp.
35. Bệnh Covid-19 nghề nghiệp.
Trước đó theo Thanh Niên, dự thảo bệnh Covid-19 nghề nghiệp là bệnh phát sinh trong quá trình lao động do người lao động phải tiếp xúc với SARS-CoV-2 có trong môi trường lao động.
Theo dự thảo, 6 nhóm nghề, công việc thường gặp và nguồn tiếp xúc với SARS-CoV-2 gồm: người làm nghề, công việc tại cơ sở y tế; người làm nghề, công việc trong phòng thí nghiệm, lấy mẫu, vận chuyển mẫu, xử lý, bảo quản và tiêu hủy mẫu SARS-CoV-2; người làm nghề, công việc trong khu cách ly tập trung, cách ly y tế tại nhà, cách ly y tế vùng có dịch, hỗ trợ chăm sóc người bệnh Covid-19 tại nhà; người làm nghề, công việc vận chuyển, phục vụ người bệnh Covid-19; người làm nghề, công việc vận chuyển, khâm liệm, bảo quản, hỏa táng, mai táng thi hài người bệnh Covid-19; người làm nghề, công việc phòng chống dịch, phục vụ, cứu trợ người nhiễm SARS-CoV-2 (gồm giám sát, điều tra, xác minh dịch; nhân viên hải quan ngoại giao, nhân viên làm công tác xuất nhập cảnh; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ, công chức quốc phòng, công nhân và viên chức quốc phòng; chiến sĩ, sĩ quan thuộc lực lượng công an; người làm nghề, công việc khác được cử tham gia phòng, chống dịch Covid-19).
Dự thảo cũng nêu 5 nhóm di chứng sau khỏi bệnh Covid-19, trong đó có triệu chứng chung toàn thân (các triệu chứng kéo dài như mệt mỏi, đau khớp, đau cơ), rối loạn vị giác, rối loạn khứu giác, rụng tóc; hô hấp (viêm phổi, viêm phổi kẽ, thuyên tắc mạch phổi là các tổn thương xơ phổi, giãn phế nang, xẹp phổi, suy giảm chức năng hô hấp); tim mạch (rối loạn nhịp tim, viêm cơ tim, nhồi máu mạch vành, xơ cơ tim đau ngực tăng huyết áp); thần kinh (liệt vận động, động kinh, liệt thần kinh sọ não, viêm não - tủy tự miễn...); tâm thần (ảo giác, rối loạn hoang tưởng, rối loạn khí sắc, rối loạn trầm cảm, rối loạn nhận thức...).
Theo Viện Sức khỏe và môi trường y tế, bổ sung Covid-19 vào danh mục bệnh nghề nghiệp được hưởng BHXH là hết sức cần thiết và cấp bách, vì Covid-19 hiện là bệnh truyền nhiễm nhóm A, nguy cơ ở mức độ đại dịch toàn cầu; thường xuyên có biến thể mới, tốc độ lây lan rất cao trong xã hội, đặc biệt là các lực lượng tuyến đầu tham gia phòng, chống dịch.
Nguyên tắc chuẩn đoán, điều trị với NLĐ mắc bệnh nghề nghiệp
- Người lao động sau khi được chẩn đoán mắc bệnh nghề nghiệp cần được:
+ Hạn chế tiếp xúc yếu tố có hại gây bệnh nghề nghiệp đó;
+ Điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế. Đối với nhóm bệnh nhiễm độc nghề nghiệp phải được thải độc, giải độc kịp thời;
+ Điều dưỡng, phục hồi chức năng và giám định mức suy giảm khả năng lao động để hưởng chế độ bảo hiểm theo quy định.
- Một số bệnh nghề nghiệp (bệnh điếc nghề nghiệp do tiếng ồn, bệnh nghề nghiệp do rung cục bộ, do rung toàn thân, nhiễm độc mangan, các bệnh bụi phổi nghề nghiệp trừ bệnh bụi phổi bông) và ung thư nghề nghiệp, ung thư do các bệnh nghề nghiệp không có khả năng điều trị ổn định cần chuyển khám giám định ngay.
- Trường hợp chẩn đoán các bệnh nhiễm độc nghề nghiệp cho người lao động trong thời gian bảo đảm không nhất thiết phải có các xét nghiệm xác định độc chất trong cơ thể.