Sản phụ 26 tuổi bị vỡ ối khi song thai mới 26 tuần tuổi, bác sĩ buộc lấy một bé ra ngoài, bé còn lại giữ đến tuần 31.
- Tự sinh con tại nhà, thai phụ sốc nhiễm khuẩn, suýt mất mạng do tim, gan, phổi đều bị tổn thương
- Chênh lệch mức sinh giữa các vùng miền, Bộ Y tế đề xuất hỗ trợ tiền cho phụ nữ sinh con thứ 2
Sản phụ là chị L.T.H. (26 tuổi, Hà Nội) mang thai đôi nhờ phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Khi niềm vui chưa kịp trọn vẹn, đến tuần thai thứ 24, chị bắt đầu xuất hiện dấu hiệu đau tức bụng và ra dịch nhầy.
Ngay lập tức, chị H. được đưa đến một bệnh viện tại Hà Nội để kiểm tra. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán cổ tử cung của chị đã mở và chỉ định khâu lại để giữ thai.
Tuy nhiên, chỉ sau 6 ngày, vết khâu bị hở, khiến tình trạng nguy cấp hơn. Chị được chuyển gấp đến khoa Sản bệnh (A4), Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội.
ThS.BSCKII Nguyễn Biên Thùy, Phó trưởng khoa Sản bệnh A4 là người trực tiếp tiếp nhận và điều trị cho chị H.
Trước tình huống một thai nhi đã vỡ ối và có dấu hiệu nhiễm khuẩn, các bác sĩ buộc phải để bé trai chào đời sớm ở tuần thai thứ 26. Bé nặng chỉ 730g, ngay lập tức được chuyển đến khoa Sơ sinh để hồi sức và chăm sóc đặc biệt.
Sau ca sinh non của bé trai, vấn đề lớn nhất đặt ra là làm thế nào để giữ an toàn cho thai nhi còn lại. Nguy cơ nhiễm khuẩn đối với thai nhi thứ hai rất cao, trong khi nếu để bé chào đời sớm, nguy cơ di chứng nặng nề về thần kinh, phổi và mắt là rất lớn, thậm chí đe dọa tính mạng.
BS Thùy và đội ngũ y bác sĩ đã cân nhắc kỹ lưỡng, đồng thời giải thích rõ tình hình với gia đình. Cuối cùng, quyết định được đưa ra, giữ lại thai nhi thứ hai trong bụng mẹ.
Chị H. được áp dụng phác đồ điều trị kháng sinh mạnh kết hợp sát khuẩn, xét nghiệm và theo dõi hàng ngày. Điều kỳ diệu xảy ra, chỉ sau một tuần, cổ tử cung của chị dần đóng lại, dấu hiệu nhiễm khuẩn giảm hẳn. Thai nhi tiếp tục phát triển ổn định, mang đến hy vọng lớn cho gia đình.
Đến tuần thai thứ 31, chị H. xuất hiện dấu hiệu tiền sản giật nặng, đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe của cả mẹ và thai nhi. Các bác sĩ quyết định mổ lấy thai để đảm bảo an toàn.
Ca mổ diễn ra thành công, bé gái chào đời nặng 1,2kg và ngay lập tức được đưa đến khoa Sơ sinh để tiếp tục chăm sóc đặc biệt.
Sau hơn một tháng, bé gái khỏe mạnh trở về vòng tay gia đình với cân nặng 2,5kg. Bé trai, dù sinh non ở tuần thứ 26, cũng đã có những tiến triển tích cực. Cân nặng của bé đã tăng từ 730g lên 2,3kg và hứa hẹn sẽ sớm được đoàn tụ cùng mẹ và em gái.