Trong lúc mẹ đang nấu nước trên bếp củi, bé gái 1 tuổi chạy đến và vấp té, ngã vào nồi nước đang sôi khiến cơ thể bỏng nặng.
- Vụ 3 con gái mang xăng đốt nhà mẹ ruột: Người mẹ đã qua đời sau 45 ngày điều trị đau đớn
- Vụ cô gái 23 tuổi mất tích bí ẩn 5 tháng qua ở Hà Nội: Bức xúc vì 'thầy bói' kêu góp tiền để 'gieo quẻ'
Chiều 14/12, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM) đang tiếp nhận một trường hợp bị bỏng thương tâm trong sinh hoạt.
Theo Dân Trí cho biết, bệnh nhi là bé gái tên S.Đ. (13 tháng tuổi, quê Trà Vinh), được chuyển từ bệnh viện địa phương đến Bệnh viện Nhi đồng 1 ngày 10/12 trong tình trạng bỏng toàn thân. Khai thác bệnh sử, thời điểm xảy ra sự việc, mẹ bé là chị P.N. (30 tuổi) đang nấu nước để uống bằng bếp củi bên ngoài. Bất ngờ, bé từ trong nhà chạy đến và vấp té, ngã nồi nước đang sôi.
Tai nạn thương tâm khiến nhiều vùng cơ thể bệnh nhi bị bỏng nặng, cả đôi mắt cũng bị nhúng vào nước nóng.
Các bác sĩ khoa Phỏng và Phẫu thuật tạo hình tại Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, sau khi thăm khám xác định, bé Đ. bị bỏng diện tích gần 20%, rải rác khắp nơi nhưng tập trung nhiều ở vùng ngực, bụng.
Suốt 4 ngày điều trị, bệnh nhân được chăm sóc tích cực, thay băng vết thương liên tục. Hiện, sức khỏe bệnh nhi đã ổn định, vết thương lành tốt. Dự kiến, bé còn nằm khoảng 2 tuần nữa mới có thể nghĩ đến chuyện xuất viện.
Được biết, sau khi sự việc xảy ra, vợ chồng chị N. đã cùng nhau lên bệnh viện lo cho con út, để con lớn 3 tuổi cho người bà đã cao tuổi chăm sóc. Gia đình bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, sống dựa vào nghề bẫy chuột của người chồng. Ngoài viện phí điều trị được bảo hiểm y tế chi trả, tiền băng gạc và chi phí ăn uống, sinh hoạt tại bệnh viện là gánh nặng với họ.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bỏng chiếm vị trí hàng đầu trong những tai nạn xảy ra tại nhà ở trẻ em và là nguyên nhân đứng thứ hai gây tử vong cho trẻ.
Theo VnExpress cho biết, tại Việt Nam, Bệnh viện Bỏng Quốc gia tiếp nhận bệnh nhân bỏng nhiều nhất cả nước. Mỗi năm, các bác sĩ điều trị hàng nghìn ca, trong đó khoảng 500 ca bỏng nặng, nhiều trường hợp nặng là trẻ nhỏ. Tác nhân gây bỏng ở trẻ chủ yếu là nước sôi, lửa, hóa chất, điện và sử dụng đồ dùng không đúng cách.
Tai nạn bỏng không chỉ gây đau đớn, ảnh hưởng đến thẩm mỹ, tâm lý của trẻ mà còn có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách.
Bác sĩ khuyến cáo, khi bị bỏng, cần đưa vết bỏng vào dưới vòi nước hoặc vào chậu nước mát và sạch để giảm nhiệt độ bỏng, giảm đau, giảm phù nề, viêm nhiễm, giảm độ sâu của vết thương, hạn chế tổn thương lan rộng.
Tuyệt đối không dùng nước đá lạnh để làm mát. Không áp dụng các biện pháp truyền miệng như phun rượu, bôi kem đánh răng, lòng trắng trứng lên vết bỏng để tránh làm gia tăng tổn thương. Sau đó nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế.