Đã gần 10 năm qua, Bitexco tốn rất nhiều công sức, nguồn lực tài chính và tâm huyết để thực hiện quy hoạch dự án khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa, Bitexco vẫn chưa nhận được phản hồi của UBND TP.HCM về “số phận” của quyết định 6288/QĐ-UBND, bởi theo các quyết định trước đây thì Bitexco vẫn đang là nhà đầu tư tại khu Bình Quới - Thanh Đa.
- 20ha ”đất vàng” ở Thanh Hóa: Cơ quan cho thuê không biết người thuê!
- Sốt đất liên tiếp trong 3 năm, đất nền Đà Nẵng tăng giá gấp 3 lần
Dự án Khu đô thị Bình Quới – Thanh Đa có quy mô sử dụng đất 426ha được quy hoạch xây dựng thành công trình với đầy đủ chức năng, đáp ứng nhu cầu ở cho 41.000 – 50.000 người. Tổng mức đầu tư ban đầu cho 2 hạng mục của dự án ước tính 29.900 tỷ đồng (1.35 tỷ USD), trong đó chi phí GPMB chiếm phần lớn tổng mức đầu tư với ước tính 22.700 tỷ đồng, chi phí đầu tư xây dựng hạ tầng khoảng 7.200 tỷ đồng (chưa tính đến toàn bộ tiền đầu tư xây dựng khu đô thị) và dự kiến hoàn thành vào năm 2032.
Dự án “treo” lâu nhất TP.HCM
Năm 1992, Dự án Khu đô thị Bình Quới – Thanh Đa được UBND TP.HCM phê duyệt, đến năm 2004, dự án được giao cho Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, do thiếu năng lực, nên đơn vị này không triển khai được. Đến năm 2010, chính quyền TP.HCM đã thu hồi quyết định.
Cũng chính từ thời điểm này, Tập đoàn Bitexco và Tập đoàn Emaar Properties PJSC bắt đầu đề xuất với TP.HCM về quy hoạch dự án Khu đô thị Bình Quới – Thanh Đa. Tháng 10/2011, Thành ủy đã chấp thuận chủ trương lựa chọn nhà đầu tư, UBND TP.HCM đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Tháng 9/2011 Thủ tướng Chính phủ có văn bản đồng ý về chủ trương lựa chọn chỉ định nhà đầu tư thực hiện dự án.
Trên cơ sở đó, các Sở-Ngành có liên quan (Tổ liên ngành của dự án) đã tổ chức họp nhiều lần để xem xét, đánh giá năng lực tài chính và kinh nghiệm của Liên danh để trình UBND TP.HCM phê duyệt các quyết định "Kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư", "Hồ sơ yêu cầu"...
Ngày 26/11/2015, UBND TP.HCM ban hành Quyết định số 6288/QĐ-UBND về duyệt Kết quả chỉ định Nhà đầu tư thực hiện dự án Khu đô thị Bình Quới – Thanh Đa, phường 28, quận Bình Thạnh (Liên danh Tập đoàn Bitexco và Tập đoàn Emaar Properties PJSC).
Tuy nhiên, quá trình thảo luận chi tiết Hợp đồng thực hiện dự án, Emaar Properties PJSC đã bày tỏ sự lo ngại về các vấn đề: thời gian hoàn thành pháp lý dự án quá kéo dài (đề xuất từ năm 2010 nhưng đến năm 2015 mới hoàn tất được thủ tục chỉ định nhà đầu tư); tổng chi phí đầu tư về đất (bao gồm tiền bồi thường và tiền sử dụng đất); thời gian hoàn tất việc giải phóng mặt bằng…; cơ chế chính sách không rõ ràng sẽ dẫn đến rủi ro cho dự án. Vì vậy, Emaar Properties PJSC đã xin rút khỏi dự án và chuyển hướng đầu tư sang quốc gia khác.
Ngày 29/6/2017, Ủy ban nhân dân thành phố có Công văn số 4015/UBND-DA gửi Thủ tướng Chính phủ về nhà đầu tư thực hiện dự án Khu đô thị Bình Quới – Thanh Đa.
Ngay sau đó, ngày 18/9/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công văn số 1415/TTg-CN gửi UBND TPHCM về nhà đầu tư thực hiện dự án Khu đô thị Bình Quới – Thanh Đa, trong đó cho phép UBND TP.HCM xem xét, quyết định xử lý tình huống theo thẩm quyền để tiếp tục lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo quy định pháp luật… đảm bảo thực hiện theo đúng ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 47/TTg-KTN ngày 06/9/2011.
Đến tháng 8/2018, tức sau 26 năm quy hoạch “treo”, TP.HCM vẫn chưa chốt được nhà đầu tư cho dự án này. Hiện tại, thông tin mới nhất, Thường trực UBND TP.HCM đã thống nhất giao Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM khẩn trương tham mưu đề xuất phương án tổ chức triển khai dự án đô thị Bình Quới - Thanh Đa. Mặc dù bán đảo Thanh Đa bị "treo" suốt 27 năm qua, nhưng đây vẫn được xem là “đất vàng” của TP.HCM để phát triển đô thị sinh thái hiện đại.
Cũng đã có 10 doanh nghiệp gửi văn bản đề nghị được tham gia đấu thầu dự án, trong đó có những cái tên đáng chú ý như Sunshine, Tân Hoàng Minh, Liên danh CTCP Đầu tư Golden Star và Công ty TNHH Capital Land...
Số phận “siêu dự án” vẫn còn bỏ ngỏ?
Không nằm trong danh sách 10 nhà đầu tư tham gia đấu thầu lại dự án, nhưng trao đổi với Dân Việt, đại diện Bitexco cho biết, hiện Tập đoàn Bitexco vẫn chờ đợi UBND Thành phố xem xét, điều chỉnh Quyết định chỉ định nhà đầu tư số 6288/QĐ-UBND ngày 26/11/2015 được ban hành bởi Ủy ban nhân dân thành phố.
Cũng theo Bitexco, ngay sau khi đối tác ngoại xin rút khỏi dự án, ngày 18/10/2017, tại cuộc họp tổ công tác liên ngành về giải quyết tình huống đối với việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án Bình Quới – Thanh Đa theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Tổ Công tác đã xác định lại rằng tập đoàn Bitexco đáp ứng đủ các tiêu chí yêu cầu về năng lực kinh nghiệm, năng lực tài chính theo quy định của pháp luật hiện hành và kiến nghị UBND TP.HCM xử lý tình huống theo như phương án xử lý tình huống trước đây Tổ Công tác đã thống nhất đề xuất UBND thành phố.
Bitexco đã đáp ứng tất cả yêu cầu của thành phố nhằm chứng minh năng lực tài chính và năng lực kinh nghiệm, cũng như dự án đã hai lần trình Thủ tướng Chính phủ và các Bộ - Ngành.
"Hiện nay chúng tôi vẫn chờ đợi UBND thành phố xem xét, điều chỉnh Quyết định chỉ định nhà đầu tư số 6288/QĐ-UBND ngày 26/11/2015 được ban hành bởi UBND thành phố. Nhiều năm liền chúng tôi đã dồn tâm huyết, thời gian, chi phí để theo đuổi, đóng góp vào dự án với hàng trăm văn bản giải quyết sự việc nhằm mong muốn phát triển nơi đây trở thành một khu đô thị hiện đại, sáng tạo, thông minh và có thể trở thành đô thị vệ tinh của TP.HCM", vị đại diện tập đoàn này nhấn mạnh.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, Bitexco vẫn chưa nhận được phản hồi của UBND TP.HCM về “số phận” của quyết định 6288/QĐ-UBND cũng như văn bản thông báo về việc thành phố quyết định đưa dự án ra đấu thầu rộng rãi, bởi theo các quyết định trước đây thì Bitexco vẫn đang là nhà đầu tư tại khu Bình Quới - Thanh Đa.
“Những thông tin về việc thành phố quyết định xoá toàn bộ những nỗ lực của Bitexco trong thời gian qua để chuyển dự án qua hình thức đấu thầu sẽ gây thiệt hại cho Doanh nghiệp chúng tôi, gây thiệt hại xã hội và tiếp tục tạo sự bức xúc của người dân vì hàng chục năm qua họ đã mong chờ dự án được triển khai. Nay nếu đấu thầu lại thì thời gian cho các bước theo Luật Đấu thầu 2013 và Nghị định số 30/2015/NĐ-CP là hơn 700 ngày (hơn hai năm).
“Nếu được chỉ định và trở thành nhà đầu tư, Bitexco đủ năng lực để triển khai dự án, còn nếu đấu thầu thì Bitexco cũng sẽ tham gia đấu thầu theo quy định của nhà nước. Không có chuyện Bitexco tháo chạy khỏi dự án như một số thông truyền thông có đưa”, vị đại diện này khẳng định.