Có đến hàng chục dự án khu nghỉ dưỡng ven biển "có sao có số" đang thi công nhiều hạng mục, công trình không có trong giấy phép xây dựng và vi phạm vào vùng công cộng dọc bờ biển Đà Nẵng.
- Hà Nội bêu tên nhiều ‘ông lớn’ bất động sản nợ thuế
- Hậu vụ cưỡng chế dự án "ma" của địa ốc Alibaba: Cảnh báo hàng loạt dự án giăng bẫy người dân
Ngày 22/7, tin từ đội Kiểm tra quy tắc đô thị quận Ngũ Hành Sơn, TP.Đà Nẵng, đơn vị này vừa có báo cáo phát hiện, xử lý loạt công trình khu nghỉ dưỡng có hạng mục xây dựng trái phép, vi phạm hành lang biển công cộng.
Cơ quan chức năng xác định, có hàng chục khu nghỉ dưỡng xây dựng các công trình, lắp đặt các hạng mục không phép và xâm phạm vào phạm vi quy hoạch vệt 50m bãi cát công cộng dọc bờ biển.
Ông Lưu Xuân Hùng, Đội trưởng đội Kiểm tra Quy tắc đô thị quận Ngũ Hành Sơn thông tin thêm rằng, ngoài các vi phạm đã được xác định, các công trình, hạng mục khác đang xin ý kiến của phòng Quản lý đô thị xem có phù hợp với quy hoạch hay không. Nếu công trình, hạng mục phù hợp quy hoạch thì để tồn tại và xử phạt theo định mức với số tiền bằng 50% giá trị xây dựng, nếu không phù hợp quy hoạch thì buộc chủ đầu tư phải tháo dỡ.
Đội Quy tắc đô thị quận Ngũ Hành Sơn đề nghị UBND quận Ngũ Hành Sơn có báo cáo gửi sở Xây dựng TP.Đà Nẵng để xem xét, xử lý cụ thể các hạng mục, công trình của các dự án khu nghỉ dưỡng. Đó là:
- Dự án Khu nghỉ dưỡng Fullman Danang Beach do công ty TNHH Du lịch – Thương mại Phú An Thịnh làm chủ đầu tư;
- Dự án khách sạn Furama do Công ty CP Khu du lịch Bắc Mỹ An làm chủ đầu tư;
- Dự án đô thị du lịch Ariyana do công ty CP khách sạn & du lịch Thiên Thai làm chủ đầu tư;
- Dự án khu du lịch Fusion Maia do công ty CP đầu tư 559 làm chủ đầu tư;
- Dự án khu nghỉ dưỡng Olalani Resort & Condotel do công ty CP Mỹ Phát làm chủ đầu tư;
- Dự án Silver Shores (Crown Plaza) do công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Silver Shores làm chủ đầu tư;
- Dự án khu du lịch biển The Song Đà Nẵng do công ty CP Phát triển đô thị du lịch Sóng Việt làm chủ đầu tư;
- Dự án khu khách sạn và biệt thự Vinpearl Đà Nẵng 1 do công ty CP Vinpearl làm chủ đầu tư;
- Dự án khu khách sạn và biệt thự Vinpearl Đà Nẵng 2 (Future Property Invest) do công ty CP Vinpearl làm chủ đầu tư;
- Dự án khu du lịch Sandy Beach Resort do công ty CP du lịch Bến Thành - Non nước làm chủ đầu tư;
- Dự án khu nghỉ dưỡng cao cấp Non Nước do công ty CP Đầu tư du lịch Hà Nội Non nước làm chủ đầu tư;
- Dự án khu nghỉ dưỡng Pulchra do công ty TNHH Khu nghỉ mát P&I Đà Nẵng làm chủ đầu tư;
- Dự án khu nghỉ dưỡng Narman và Cocobay do công ty CP Đầu tư phát triển và Xây dựng Thành Đô (The Empire) làm chủ đầu tư...
Theo ghi nhận của PV, hầu hết các dự án nêu trên được thuộc hàng "có sao có số" ở vùng biển TP.Đà Nẵng. Việc các dự án nghỉ dưỡng luôn được tung hô là đẳng cấp, vì môi trường, vì cuộc sống xanh, vì cộng đồng... nhưng lại "phớt lờ" quy định, xây dựng lấn chiếm không gian biển cộng đồng thực sự khiến dư luận thất vọng. Đặc biệt, ở bối cảnh mà chính quyền TP.Đà Nẵng thời gian qua đang nỗ lực mang lại những không gian biển, lối xuống biển cộng đồng dành cho người dân...
Đơn cử, tại dự án khu du lịch và giải trí quốc tế đặc biệt Silver Shores (Silver Shores - Crown Plaza) do công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Silver Shores làm chủ đầu tư. Cơ quan chức năng đề nghị tháo dỡ 2 chòi trò chơi trẻ em với diện tích 16m2 và đề xuất giữ lại các chòi tạm cứu hộ di động, chòi phục vụ khách nghỉ chân…
Tại dự án khách sạn Furama, cơ quan chức năng đề nghị tháo dỡ nhà chứa thiết bị cứu hộ với diện tích 77,4m2, 2 chòi trò chơi với diện tích 12m2, 2 nhà cứu hộ diện tích 115m2, 1 nhà hàng với diện tích 37,6m2, 1 xích đu cố định với diện tích 5m2; đề xuất giữ lại chòi cho khách nghỉ chân, 1 quầy dịch vụ di động, bãi đáp trực thăng, lối đi bộ lát gạch rộng 551m2…
Tại dự án quần thể đô thị du lịch Ariyana, đề nghị tháo dỡ tường rào cao 50cm và dài 78m và xử lý công trình bờ kè dài 170m xây bằng đá hộc, 2 hồ bơi có tổng diện tích 70m2...