Việc chậm chuyến, hủy chuyến là điều không một hành khách đi máy bay nào mong muốn nhưng người phụ nữ này lại lợi dụng điều đó để kiếm chác hàng chục tỷ đồng.
- Làm trà sữa trân châu khổng lồ giống Bà Tân Vlog, Youtuber người Hàn lại có cái kết khiến dân mạng cười xỉu: Dọn nhà đến ốm luôn quá!
- Hành khách "não cá vàng" bỏ quên túi vàng 3kg trị giá hơn 4 tỷ đồng trên tàu khiến chính quyền ráo riết đi tìm để trả lại
Theo Shanghaiist, một phụ nữ họ Li (45 tuổi) đến từ thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô (Trung Quốc) đã kiếm được 3 triệu nhân dân tệ (tương đương 9,8 tỷ đồng) chỉ bằng cách ngồi ở nhà dự đoán những chuyến bay có khả năng bị hủy cao.
Theo đó, Li đã làm giàu từ chính những chuyến bay bị trễ hoặc hủy bằng phương thức "vượt xa" cả sức tưởng tượng của các nhà chức trách.
Chiêu trò của Li chính là kiếm tiền bằng cách mua bảo hiểm trì hoãn chuyến bay và đưa ra các yêu cầu bồi thường. Trước khi mua bảo hiểm, Li sẽ tính toán thật kỹ, phân tích thời tiết địa phương và xem các đánh giá trên mạng để phán đoán xem chuyến bay nào có khả năng sẽ bị hoãn hoặc huỷ. Sau đó, bà ta tiến hành mua bảo hiểm và đặt vé.
Nếu chuyến bay gặp rắc rối thật sự, Li sẽ được bồi thường nhờ đã mua bảo hiểm từ trước đó.
Từ năm 2015 đến năm 2019, Li đã đặt gần 1.000 chuyến bay mặc dù bà ta không hề có ý định di chuyển đến bất cứ đâu.
Để tránh sự nghi ngờ, Li không chỉ sử dụng tên của mình mà còn mượn tên của bạn bè và các thành viên gia đình trong các giao dịch đặt vé và mua bảo hiểm.
Tận dụng kẽ hở trong quản lý hàng không, Li đã thu về 3 triệu nhân dân tệ (tương đương 9,8 tỷ đồng) trong suốt 5 năm qua. Tuy nhiên, cái kim trong bọc lâu ngày cũng phải lòi ra, Li đã bị tố cáo vì hành vi lừa đảo. Sau khi nhận được thông tin, các nhà chức trách đã nhanh chóng vào cuộc điều tra. Ngày 12/6 vừa qua, cảnh sát thành phố Nam Kinh tuyên bố bắt Li vì tội lừa đảo. Tại đồn cảnh sát, Li đã thừa nhận toàn bộ hành vi gian lận của mình.
Các nhà cung cấp dịch vụ du lịch Trung Quốc đã được phen "sáng mắt" sau vụ việc của người phụ nữ họ Li. Họ nhanh chóng bổ sung chính sách và quy định để tránh trường hợp tương tự xảy ra. Theo đó, họ yêu cầu hành khách bị hủy hoặc chậm chuyến bay phải thực sự đi chuyến bay đó thì mới nhận được khoản tiền bảo hiểm.