Mình cười xót xa. Tại sao đàn bà Việt lại được dạy đấy là những tiêu chuẩn mẫu mực để chọn chồng?
- Đàn bà khôn không bao giờ đòi ly hôn
- Đàn bà sống vì con: Ai nói gì cũng được, tôi chỉ muốn giữ cha cho con mình
Thương lắm! Đàn bà...
Chị lấy anh họ bên ngoại nhà mình, về làm dâu một gia đình được coi là truyền thống gốc Hà Nội. Gần ba chục năm nay, mình chưa từng thấy anh chị xích mích cãi cọ to chuyện lần nào.
Anh họ mình, chồng chị, làm bảo vệ một bãi xe nhà nước. Công việc quanh năm suốt tháng không có gì biến động ngoài một vài lần anh phải đền tiền vì bị trộm nó vặt gương ô tô, và dịp lễ Tết phải mua quà biếu sếp hết gần nửa số lương tháng. Đấy có lẽ là những biến động lớn nhất của cuộc đời anh mà mình được biết.
Chị quanh năm buôn bán vặt ở chợ. Lúc thì bán gà, hai đứa trẻ con quanh năm được ăn thịt gà. Lúc thì xoay sang đồ khô, rồi hải sản đông lạnh, rồi bán bún, và giờ thì ngày muối 20kg dưa cà. Một ngày của chị bắt đầu từ 4h sáng đến 2h chiều, rồi lại từ 4h chiều đến 7h tối, cứ thế liên tục tay thái dưa, tay rửa rau, tay muối cà, tay bán hàng cho khách. Chỉ mấy vại dưa thôi nhưng chị đã nuôi được hai con ăn học gần xong. Cậu lớn giờ công việc ổn định, cô em đang học liền một lúc hai khoa ở một trường đại học có tiếng. Nhờ mấy vại dưa ấy mà chị còn trả nợ vay gần một tỷ mua đất xây nhà, lại lo đủ giỗ Tết lễ lạt quanh năm. Công to việc lớn nhà chồng đều một tay chị cả.
Hôm trước lên chơi, nghe chị bảo hai vợ chồng đang chiến tranh lạnh, mình ngạc nhiên. Chị kể, cả tháng nay chị giận anh, không ngủ chung giường, không ăn chung mâm, cũng chẳng chuyện trò qua lại. Thì ra, chỉ vì một hôm chị mua rau sống về ăn bún đậu không được như ý nên anh đổ cả rổ rau sống chọn lại. Chị tức quá, bao nhiêu thương thân tủi phận bấy lâu nay vỡ oà. Hoá ra, biết bao công vun vén tần tảo sớm hôm được coi là chuyện đương nhiên đàn bà phải làm, học hành con cái tự mà phải lo, tiền nong gia đình vay nợ tự đi mà trả. Rồi đến khi rổ rau sống không vừa ý cũng có thể bạc bẽo hắt đi.
Nghe đến đấy, những tưởng tức nước vỡ bờ thành to chuyện. Hoá ra kết cục lại là "bốn bỏ làm mười" cho ấm êm. Chỉ vì cả tháng tự mình không làm nổi việc gì, anh bỗng đổ máu cam. Rồi bưng mặt ra chợ mếu máo với chị: "tôi ốm lắm, không có mình tôi chết đến nơi rồi!". Vậy là chị lại mủi lòng, vừa buồn cười vừa tức.
Thương nhất mấy lời tâm sự sau cùng của chị: Thôi thì người ta đã có lời xin lỗi, chẳng lẽ mình lại già néo đứt dây. Chồng chị tuy chẳng đỡ đần được gì nhiều, nhưng được cái hiền lành tử tế. Lương tháng về vẫn đưa vợ. Lại không cờ bạc, rượu chè, gái gú. Vừa nói, chị lại vừa thoăn thoắt thái dưa...
Mình cười xót xa. Tại sao đàn bà Việt lại được dạy đấy là những tiêu chuẩn mẫu mực để chọn chồng? Tại sao những điều tối thiểu lại trở thành niềm an ủi duy nhất trong những lúc cô đơn cùng cực vì gồng gánh cả những việc mà lẽ ra họ cần được san sẻ, cần được chở che?
Rút cục, ai mới là phái yếu?
Rút cục, ai sẽ dạy con về lý tưởng, về bản lĩnh, về trải nghiệm? Ai sẽ nâng bước chân con ra thế giới bao la để học thêm những tinh hoa? Ai sẽ cùng xây đắp một đời sống tinh thần phong phú? Ai? ...
Rút cục, vại dưa cà là lý tưởng sống, và thế giới là những buổi chợ thậm chí còn không ngẩng mặt lên nổi, mỗi ngày.
Đàn bà ơi, thương thay...