Vì sao uống chung rượu và bia dễ say hơn?

Sức khỏe 13/02/2022 13:00

Nhiều người có thói quen lấy bia giã rượu nhưng chuyên gia cho rằng, uống chung rượu và bia không những không làm giảm nồng độ cồn mà còn khiến người uống dễ say hơn.

Bác sĩ Trần Hòa An - Đại học Y Dược TP HCM cho biết, rượu và bia đều chứa cồn (chủ yếu là ethanol). Cồn sẽ được hấp thu từ dạ dày và ruột non đi thẳng vào máu đến gan.

Thông thường, gan chỉ có thể chuyển hóa một lượng cồn nhất định trong một khoảng thời gian nhất định tùy vào từng người. Phần còn lại chưa được chuyển hóa sẽ đến não bộ và toàn cơ thể, gây say xỉn và mệt mỏi vào ngày hôm sau.

Vì sao uống chung rượu và bia dễ say hơn? - Ảnh 1
Ảnh minh họa.

 

Bác sĩ Trần Hòa An chia sẻ thêm, trộn chung rượu với bia có thể làm dễ say hơn. Điều này được các nhà khoa học giải thích từ hai giả thuyết.

Thứ nhất, bia có chứa ga, nhiều hương liệu và các phụ gia. Các chất này làm tăng khả năng hấp thu cồn của bia và rượu từ đường tiêu hóa. Do đó nồng độ cồn trong máu tăng cao nhanh chóng. Tuy nhiên, gan cũng chỉ làm việc với một công suất nhất định vì thế phần độc chất chưa được gan chuyển hóa sẽ phân bố khắp cơ thể trong đó có não bộ. Độc tính của chúng khiến chúng ta có tình trạng say xỉn.

Thứ hai, ngoài ethanol thì nhiều dẫn xuất của alcohol khác có trong bia và rượu cũng gây ra tình trạng say. Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng kết hợp nhiều loại dẫn xuất của alcohol với nhau làm gia tăng khả năng say. Tuy nhiên cũng có một số nghiên cứu lại cho thấy không có mối liên quan nào ở đây.

Không chỉ trộn chung bia với rượu rồi mới uống, nhiều người còn lựa chọn "uống cái nào trước cái nào sau". Nhiều kinh nghiệm của cánh đàn ông cho thấy rằng "uống bia trước khi uống rượu sẽ dễ say hơn, ngược lại uống rượu trước khi uống bia sẽ ít bị say hơn". Thực tế những kinh nghiệm này rất dễ bị hiểu sai.

"Chưa có một cơ chế sinh học rõ ràng nào cho thấy uống bia hay rượu trước sẽ dễ say hơn. Các chuyên gia cho rằng việc say nhiều hay ít của một người là dựa vào tốc độ và tổng lượng cồn mà người đó uống vào, khả năng chuyển hóa của gan, khả năng chịu đựng của não bộ và phản ứng toàn thân của từng người", bác sĩ An chia sẻ.

Lý giải rõ hơn về điều này, bác sĩ An cho biết có một vài nghiên cứu về hành vi góp phần làm sáng tỏ việc uống bia hay rượu trước sẽ dễ say hơn. Theo đó, bia thường có độ cồn thấp hơn nhiều so với rượu.

Khi uống bia trước, nồng độ cồn trong bia thấp sẽ làm chúng ta say một cách từ từ, dẫn đến bị "lờn" và thường tìm tới thức uống có độ cồn cao hơn như rượu để "đủ đô". Chưa dừng lại ở đó, nhu cầu uống rượu sau đó sẽ nhanh và nhiều hơn trước. Vì thế tổng lượng cồn đưa vào cơ thể lớn và ồ ạt hơn dẫn đến say xỉn nặng hơn, đặc biệt là cực kỳ mệt mỏi qua ngày hôm sau.

Ngược lại, nếu uống rượu trước, nồng độ cồn tăng lên nhanh chóng khiến chúng ta cảm nhận ngay tình trạng say xỉn. Vì vậy chúng ta thường có xu hướng uống ít bia lại sau đó. Có thể uống rượu làm chúng ta say xỉn sớm hơn nhưng tổng lượng cồn đưa vào cơ thể lại ít hơn, do đó cơn say sẽ sớm qua đi và ngày mai chúng ta thấy ít mệt mỏi hơn. 

Tóm lại, uống bia pha với rượu có thể dễ say xỉn hơn và hiện nay chưa có khuyến cáo nào về sự kết hợp này. Tuy nhiên, bác sĩ An khuyến cáo việc uống bia hay rượu trước không phải là mấu chốt làm chúng ta bị say và mệt mỏi hơn mà phụ thuộc vào tốc độ, tổng lượng cồn và cơ địa đáp ứng của từng cá nhân.

Hội chứng "Sợ đi làm sau Tết": Làm gì để lấy lại hứng khởi làm việc?

Sau kỳ nghỉ dài, nhiều người chưa sẵn sàng tâm lý và sức khỏe làm việc trở lại. Để thoát khỏi “hội chứng nghỉ Tết”, và "Sợ đi làm sau Tết" chuyên gia khuyến cáo một số vấn đề về thời gian, chế độ ăn ngủ.

TIN MỚI NHẤT