Sự thật về HẬU COVID-19: Có thực sự đáng sợ? Chuyên gia gợi ý cách xử trí 3 triệu chứng phổ biến nhất

Sức khỏe 17/03/2022 10:04

Theo các chuyên gia, hậu Covid-19 có thể xảy ra nhưng chủ yếu ở những bệnh nhân chưa được tiêm vắc xin. Những đối tượng này nếu bị bệnh có thể có những triệu chứng nặng nề, thậm chí có thể phải nhập viện thở máy, thở oxy. Do đó, di chứng sau nhiễm bệnh ở những bệnh nhân này sẽ cao hơn.

Hậu COVID-19 là gì? 3 triệu chứng phổ biến nhất

Theo Times of India, Tiến sĩ Janet Diaz, Trưởng nhóm Quản lý lâm sàng, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thống kê hiện nay có trên 200 biến chứng hậu Covid-19 được phát hiện, tuy nhiên, có ba triệu chứng hậu Covid-19 phổ biến nhất là mệt mỏi, khó thở và rối loạn chức năng nhận thức.

Cũng theo WHO, tình trạng hậu COVID-19 xảy ra ở những người có tiền sử nhiễm bệnh với các triệu chứng và kéo dài ít nhất 2 tháng mà không thể giải thích bằng chẩn đoán thay thế. Tình trạng này có thể khiến sức khỏe người bệnh bị suy giảm kéo dài, có tác động nghiêm trọng đến khả năng quay trở lại làm việc hoặc tham gia cuộc sống xã hội. Hậu COVID-19 ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần thể chất và có thể gây ra những hậu quả kinh tế đáng kể cho bản thân, gia đình và cho xã hội.

hau COVID-19 2
Ảnh minh họa: Internet

Tổng quan về các triệu chứng hậu COVID-19 thường gặp

1. Mệt mỏi

Mệt mỏi là triệu chứng thường gặp nhất ở bệnh nhân mắc hội chứng hậu Covid-19 bất kể ở nhóm người bệnh phải nhập viện hay nhóm bệnh nhẹ tự điều trị tại nhà. Tỷ lệ người bệnh có tiền sử nhiễm SARS-CoV-2 có biểu hiện mệt mỏi kéo dài sau khỏi bệnh chiếm từ 50%-90%, thông tin này được nhiều quốc gia báo cáo theo dõi người bệnh hậu Covid-19.

Phương pháp điều trị cho người bệnh mệt mỏi kéo dài hậu Covid-19 chủ yếu tăng cường thể thao vận động, bổ sung dinh dưỡng, làm việc nhẹ nhàng, tăng cường thời gian thư giãn để cơ thể phục hồi. Theo thống kê, tình trạng mệt mỏi kéo dài tùy theo mức độ thời gian khác nhau, người bị nhiễm Covid-19 nặng, nhập viện, thở máy thì tình trạng này có thể kéo dài từ 2-6 tháng.

2. Di chứng tâm thần kinh đa dạng

Covid-19 và nhiều virus khác có khả năng ảnh hưởng và làm tổn thương hệ thống thần kinh, hệ thống tai trong và tiền đình, gây đau đầu, chóng mặt. Ở trường hợp nặng hơn, người từng nhiễm Covid-19 có khả năng mất tập trung, giảm trí nhớ, rối loạn về tiếp nhận ngôn ngữ. Đây là hội chứng “sương mù não” (brain fog) – có biểu hiện lú lẫn, hay quên – tư duy trở nên mơ hồ, chậm chạp, kém nhạy bén….

“Sương mù não” kéo dài là một trong những triệu chứng thần kinh điển hình đã được ghi nhận ở những người từng là F0 sau khi khỏi bệnh. Nguyên nhân dẫn đến sương mù não có thể virus phá hủy rào cản ngăn dị vật xâm nhập vào não, từ đó gây ra tình trạng viêm não.

Đối với một số trường hợp chứng sương mù não sau Covid-19 có thể biến mất sau khoảng vài tháng. Nhưng một số trường hợp nó có thể tồn tại lâu hơn. Điều trị sương mù não phụ thuộc vào nguyên nhân. Ví dụ, nếu bạn đang thiếu máu, bổ sung sắt có thể làm tăng sản xuất tế bào hồng cầu và giảm đi tình trạng sương mù não…

3. Hệ hô hấp bất thường

Nhiều người bệnh phải kiểm tra sức khỏe vì ho, khó thở, đặc biệt khi gắng sức, vận động, leo cầu thang. Phần lớn nguyên nhân dẫn đến bất thường hô hấp là do tổn thương phổi sau nhiễm Covid-19.

Đây là di chứng thường gặp đối với F0, phổ biến nhất là tình trạng viêm phổi, xơ phổi, ảnh hưởng trầm trọng đến chức năng hô hấp. Đặc biệt, tình trạng ho, khó thở hậu Covid kéo dài có thể kéo dài trên nhóm người bệnh từng có tiền sử mắc viêm phổi nặng, từng thở máy, điều trị ECMO, lớn tuổi, những người từng thở oxy….

Khi họ thăm khám hậu Covid-19, bác sĩ chụp X-quang phổi, CT Scan đánh giá, phát hiện tình trạng phổi như đông đặc, kín mờ, sẹo, xơ, tổn thương ngoại biên… Dựa trên triệu chứng sẽ được điều trị phục hồi chức năng phổi, một số trường hợp phải nhập viện điều trị do viêm phổi, nhiễm trùng phổi.

4. Rối loạn tâm lý

Rối loạn tâm lý có thể xảy ra đối với người đang nhiễm Covid-19 và nhóm người khỏi bệnh. Dù thoát khỏi bệnh Covid-19, nhiều người rơi vào rối loạn giấc ngủ, rối loạn lo âu và trầm cảm. Có 3 nguyên nhân dẫn đến rối loạn tâm lý sau khi nhiễm Covid-19 là:

Thứ nhất: Bị virus tấn công, hệ miễn dịch cơ thể khởi động chống lại virus nhưng không kiểm soát đúng cách đã gây hại cho tế bào thần kinh dẫn đến rối loạn giấc ngủ, đau đầu…

Thứ 2: Do tâm lý căng thẳng, sợ hãi khi nhiễm bệnh, khi chịu cảnh cách ly một mình người bệnh cảm thấy bất ổn, sợ lây bệnh cho người khác, sự mất việc làm, sợ chết…

Thứ 3: Khi mới bị bệnh, cơ thể tiết ra nhiều hormone chống lại tình trạng stress. Với những người xảy ra stress kéo dài sẽ khiến các cortisol tăng lên, tạo ra các gốc tự do, rối loạn chuyển hóa… làm cho người bệnh bất ổn, dễ cáu gắt.

Phương pháp điều trị rối loạn tâm lý chủ yếu liệu pháp vực dậy tinh thần, tăng cường nghỉ ngơi, dinh dưỡng hợp lý. Riêng đối với nhóm người bị trầm cảm sau khi hết Covid-19 có thể được điều trị bằng các loại thuốc chống trầm cảm.

5. Di chứng tim mạch

Đã có nghiên cứu những người đã khỏi Covid-19 vẫn có di chứng tim mạch kéo dài, triệu chứng thường gặp: đau ngực, tăng men tim kéo dài – nguyên nhân có thể do viêm cơ tim tiếp diễn từ đợt cấp; hồi hộp. Ngoài ra, một số nhóm người bệnh có biểu hiện mạch nhanh khi nghỉ ngơi, hội chứng nhịp nhanh được cho là do rối loạn hệ thần kinh tự trị. Tình trạng tim đập nhanh xuất hiện trong khoảng 1-3 tháng đầu sau khi họ âm tính virus.

Di chứng để lại sau khi mắc Covid này gặp ở những người bình thường lẫn những người có bệnh nền tim mạch. Với người bệnh nền, nguy cơ nhập viện điều trị cao hơn. Còn ở nhóm người trẻ, vận động viên thể thao ít có nguy cơ mắc các vấn đề tim mạch hậu Covid-19 hơn nhóm bệnh nhân khác.

Cách xử trí hậu Covid-19 

Chia sẻ trên Doanh nghiệp và Tiếp thị, PGS. Nguyễn Thị Hoài An – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa An Việt, Hà Nội cho rằng một điều quan trọng mà bất cứ F0 nào cũng phải làm đó là tập thở. Tại các bệnh viện điều trị Covid-19, ngay cả khi F0 đang phải thở oxy, bệnh nhân cũng phải tập thở. Người bệnh nên tập hít sâu và thở ra, ngày 3 – 4 lần và mỗi lần 15 phút để tăng dung tích phổi và hồi phục nhanh hơn. 

Đối với tình trạng mệt mỏi kéo dài, người bệnh có thể khắc phục bằng cách ăn uống đầy đủ, bồi bổ sức khoẻ, tăng cường các thực phẩm giàu dinh dưỡng, cố gắng ăn thực phẩm dễ tiêu, dễ hấp thu để người khoẻ trở lại.

PGS. An cho biết sau khi bị Covid-19, ngoài bồi dưỡng cơ thể, người bệnh rất cần tập thể dục để duy trì sức khoẻ. Theo đó, người bệnh nên tập các bài tập nhẹ nhàng, tránh vận động quá mạnh.

Nếu người bệnh đã có triệu chứng nặng ở cơ quan hô hấp như SpO2 giảm khi đang bị Covid-19, phải thở oxy... thì nên đi kiểm tra để đánh giá chức năng hô hấp cũng như chức năng của các bộ phận khác của cơ thể. 

hau COVID-19 1
Tập thể dục nhẹ nhàng cũng là một trong số các cách hạn chế ảnh hưởng của hậu COVID-19 - Ảnh minh họa: TTXVN

Còn những bệnh nhân bị mất vị giác, khứu giác thì các triệu chứng này đều hồi phục trở lại một cách từ từ.

Với người bị mệt mỏi, suy nhược kéo dài trên 3 tháng, luôn thấy không khoẻ, trầm cảm thì nên tới gặp bác sĩ tâm lý để được hỗ trợ. PGS. An cho biết trên tất cả, bệnh nhân cần lạc quan, sống tích cực và không nên suy nghĩ, lo lắng quá nhiều về di chứng hậu Covid-19.

Theo PGS. An, khi đã khỏi bệnh thì không còn gì đáng lo ngại. Bệnh nhân nên tập luyện để phục hồi dần dần. Nếu bệnh nhân muốn yên tâm thì có thể kiểm tra sức khoẻ tổng quát để tránh biến chứng hậu Covid-19.

hau COVID-19 3
Kiểm tra, thăm khám sức khỏe hậu COVID-19 - Ảnh minh họa: Internet

Chăm sóc sức khỏe TINH THẦN hậu COVID-19 có vai trò thế nào?

Liên quan đến vấn đề này, theo HCDC, TS.BS Huỳnh Tấn Tiến, Khoa Y - Đại học quốc tế Hồng Bàng cho biết, khi đã khỏi COVID-19 người bệnh cần phải tiếp tục theo dõi và nâng cao sức khỏe toàn diện phục hồi chức năng, vật lý trị liệu, dinh dưỡng và chăm sóc tinh thần, giấc ngủ.

Chăm sóc tinh thần, sức khỏe hậu COVID-19: 

  • Tập thở: Hít vào, thở ra chậm, hít sâu dần dần và thở ra nhẹ nhàng không vội vã và nhịp độ tăng lên từng ngày.
  • Tập thể dục: Hàng ngày vận động nhẹ nhàng như đi bộ chậm, tập thể dục nhẹ, đạp xe đạp rất chậm, tập dưỡng sinh. Tập theo các chương trình thể dục trên đài truyền hình mỗi sáng lúc 5 giờ, nếu tự tập phải đảm bảo 30 phút hàng ngày.
  • Đi bộ: Một nghiên cứu năm 2011 cho thấy người trưởng thành khỏe mạnh có thể đi bộ khoảng từ 4.000 đến 18.000 bước/ngày tùy theo yêu cầu. Tuy nhiên mục tiêu 10.000 bước/ngày là khá phù hợp cho người trưởng thành khỏe mạnh.
  • Dinh dưỡng đúng: Nên chia bữa ăn thành 3-5 bữa mỗi ngày tùy theo sức ăn của người bệnh và kết hợp đa dạng thực phẩm trong khẩu phần ăn, nên ăn nhiều rau, trái cây, uống đủ nước, uống thêm nước ép trái cây, uống sữa, ăn chuối chín để bổ sung Kali. Bổ sung các loại vi chất do tác hại của bệnh COVID-19 nên ăn các loại thực phẩm có nhiều vi chất như cá, tôm, cua, hào, nghêu sò…
  • Chăm sóc sức khỏe tinh thần: Ngủ đủ giấc, nghe nhạc, thư giãn và trao đổi thông tin với mọi người xung quanh để cuộc sống trở lại bình thường.

Ngày 16/3, cả nước ghi nhận 180.558 ca bệnh, kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 6.820.458 ca nhiễm COVID-19

Tính từ 16h ngày 15/3 đến 16h ngày 16/3, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 180.558 ca nhiễm mới, trong đó 6 ca nhập cảnh và 180.552 ca ghi nhận trong nước (tăng 5.084 ca so với ngày trước đó) tại 62 tỉnh, thành phố (có 121.201 ca trong cộng đồng).

TIN MỚI NHẤT