Sơ cứu trẻ bị đuối nước bằng cách dốc ngược người, nguy hiểm nhiều hơn là cứu người

Sức khỏe 11/06/2023 21:49

Không chỉ là thời gian nghỉ hè của trẻ em, mùa hè cũng là thời điểm chủ yếu xảy ra các tai nạn đuối nước. Nếu không biết cách sơ cứu đúng, việc cứu giúp có thể trở thành nguy hiểm hơn là hữu ích.

Mùa hè không chỉ là thời điểm trẻ em được nghỉ hè, mà còn là thời điểm mà các tai nạn đuối nước thường xảy ra. Nhiều trẻ em phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng nặng và phải thở máy. Theo các chuyên gia, đuối nước là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em trong số trẻ em bị tai nạn thương tích. Tuy nhiên, nếu biết cách phòng tránh, chúng ta có thể giảm thiểu nguy cơ này.

Việc sơ cứu khi phát hiện người bị ngạt nước, đuối nước trong tình trạng hoảng loạn thường là dùng phương pháp dốc ngược để nước thoát ra ngoài. Tuy nhiên, theo các bác sĩ, phương pháp này rất nguy hiểm.

Hiểm họa khôn lường đến từ việc dốc ngược để sơ cứu nạn nhân bị đuối nước

Theo thông tin từ VTC News, bệnh viện Nhi Trung ương thông tin trong 6 ngày từ 30/5 - 4/6, khoa Điều trị tích cực Nội khoa tiếp nhận 7 trẻ nhập viện trong tình trạng nguy kịch do đuối nước tại bể bơi và ao hồ. Trong số này, có 3 trẻ ngừng tim kéo dài và 4 trẻ suy hô hấp nguy kịch.

Sơ cứu trẻ bị đuối nước bằng cách dốc ngược người, nguy hiểm nhiều hơn là cứu người - Ảnh 1
Một bé trai được đưa vào Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng nguy kịch - Ảnh: VTC News

Đáng nói, chỉ duy nhất 1 trẻ được hồi sức ban đầu đúng cách, các trường hợp còn lại đều được cấp cứu sai cách. Nhiều trường hợp dù không tỉnh, không thở nhưng vẫn không được cấp cứu ngừng tim ngay, thay vào đó là bế dốc chạy vòng quanh, làm chậm trễ cấp cứu.

Theo thông tin từ báo Tuổi Trẻ, BS CKII Nguyễn Minh Tiến - phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng thành phố (TP.HCM), tinh thần giúp đỡ người hoạn nạn rất đáng trân trọng, tuy nhiên nếu cấp cứu ngưng tim, ngưng thở không đúng cách rất dễ để lại di chứng tổn thương não.

"Việc dốc ngược một người bị đuối nước ngưng tim, ngưng thở chạy vòng vòng không làm nước trong phổi chảy ra ngoài, ngược lại rất có thể dẫn đến việc rút ngắn thời gian vàng cung cấp oxy cho não, tăng tỉ lệ tử vong và di chứng tổn thương não do thiếu oxy không hồi phục. Có thể làm dịch trong dạ dày trào ra ngoài, tăng nguy cơ hít sặc", BS Tiến khuyến cáo.

Sơ cứu trẻ bị đuối nước bằng cách dốc ngược người, nguy hiểm nhiều hơn là cứu người - Ảnh 2
Phải theo sát trẻ em khi đang bơi. Ảnh minh họa: Internet

Trích dẫn thông tin từ báo Sức Khỏe và Đời Sống, BS. Phạm Ngọc Toàn - Khoa Cấp cứu (BV Nhi Trung ương) cho biết: "Sai lầm gặp phổ biến nhất, đó là khi vớt được người đuối lên, người dân cấp cứu bằng cách vác bệnh nhân lên vai rồi chạy, hay dốc ngược lên với hi vọng nước ọc ra.

Tuy nhiên, vấn đề chính lúc này là do bệnh nhân bị chìm lâu trong nước, nước vào đường thở, thiếu oxy, gây suy hô hấp, ngừng thở, ngừng tim nên cấp cứu ngừng thở, ngừng tim là vô cùng quan trọng, quyết định sự sống của nạn nhân. Quan trọng nhất lúc này là cấp cứu cơ bản gồm hà hơi, thổi ngạt, ép tim để cấp oxy cho não. Vác lên chạy, hay dốc ngược bệnh nhân để ọc nước ra làm mất thời gian vàng cứu sống bệnh nhân".

Cách sơ cứu đúng cách

Theo thông tin từ báo Nhân Dân, Tiến sĩ, bác sĩ Lê Ngọc Duy, Trưởng khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết việc sơ cứu trẻ bị đuối nước đúng kỹ thuật cực kỳ quan trọng, quyết định sự sống còn của nạn nhân. Theo đó, các bước sơ cứu đúng khi trẻ bị đuối nước đó là:

Bước 1: Gọi người giúp đỡ và nhanh chóng đưa trẻ ra khỏi mặt nước bằng mọi cách.

Bước 2: Đặt trẻ nằm nơi khô ráo, thoáng khí. Kiểm tra xem nạn nhân có bị chấn thương cột sống cổ hay không. Nếu có, nhanh chóng cố định cổ cho trẻ bằng túi cát… và tiến hành khai thông đường thở cho trẻ.

Bước 3: Nếu trẻ bất tỉnh, hãy kiểm tra xem trẻ còn thở không bằng cách quan sát lồng ngực có di động hay không, từ đó có những biện pháp sơ cứu cần thiết như hô hấp nhân tạo, ép tim ngoài lồng ngực...

Sơ cứu trẻ bị đuối nước bằng cách dốc ngược người, nguy hiểm nhiều hơn là cứu người - Ảnh 3
Sơ cứu sai cách sẽ gây hại nhiều hơn là có lợi. Ảnh minh họa: Internet

Bước 4: Sau khi nạn nhân tỉnh cần đặt nạn nhân ở tư thế nằm nghiêng, kê cao gối hai bên vai, nới rộng quần áo để phòng tránh trẻ bị ngạt thở trở lại.

Bước 5: Lau khô người, thay quần áo và ủ ấm bé sau đó nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để các bác sĩ xử lý các bước tiếp theo. Trên đường đi người nhà cần chú ý theo dõi hô hấp, tuần hoàn của trẻ. Tốt nhất là có sự trợ giúp vận chuyển của nhân viên y tế.

Lưu ý:

Hạ thân nhiệt thường xảy ra sau khi bị đuối nước, đặc biệt ở trẻ em. Do đó cần phải ủ ấm cho trẻ ngay khi đưa khỏi môi trường nước. Các biện pháp sưởi ấm cơ thể được tóm tắt như sau:

Cởi bỏ quần áo ướt, lạnh

Đắp chăn ấm

Dùng đèn, tấm sưởi để làm ấm

Đắp ấm cơ thể bằng chăn sưởi điện

Ngày 9/6/2023: Có thêm 277 ca mắc COVID-19 mới, 90 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh

Theo bản tin của bộ y tế về dịch COVID-19 hôm nay (9/6/2023), ca nhiễm mới giảm sâu, ghi nhận 277 ca mắc mới, có thêm 90 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh.

TIN MỚI NHẤT