Trước thông tin lan truyền thuốc tránh thai có thể "thổi bay" nồng độ cồn sau khi uống rượu bia, bác sĩ đã đưa ra nhiều cảnh báo.
- 4 dấu hiệu cảnh báo suy hô hấp ở trẻ nhưng nhiều cha mẹ không hay biết
- Người dân "vùng xanh" sống thọ trăm tuổi vì có 4 thói quen cực đơn giản trong bữa ăn
Sau Tết Nguyên đán, tình trạng vi phạm nồng độ cồn có chiều hướng gia tăng. Chính vì vậy, Công an TP.Hà Nội và nhiều tỉnh thành trong cả nước đã tăng cường các chốt kiểm tra diện rộng, kiên quyết xử phạt nghiêm các vi phạm.
Đáng chú ý, để "đối phó" với lực lượng Cảnh sát Giao thông và có những cuộc nhậu tới bến, nhiều “ma men” đã truyền tai nhau đủ các thể loai để khử nồng độ cồn như dùng nước súc miệng, kẹo cao su, thậm chí cả thuốc tránh thai khẩn cấp để có thể tẩy nhanh nồng độ cồn, giải rượu bia thần tốc,...
Tuy nhiên, theo thông tin từ Cục Quản lý dược, Bộ Y tế, chưa có một sản phẩm dược phẩm nào được cấp phép lưu hành tại Việt Nam có thể "thổi bay" nồng độ cồn sau khi uống rượu, bia.
Về việc dân mạng truyền tai nhau thuốc tránh thai khẩn cấp nói riêng hay một số loại thuốc nội tiết tố nói chung có khả năng chuyển hóa rượu và "đánh bay" nồng độ cồn trong hơi thở, chuyên gia khẳng định không có bằng chứng khoa học.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, trao đổi với PV Gia đình Việt Nam, ThS.BS Phan Chí Thành - Chánh văn phòng Trung tâm đào tạo - Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Phụ sản Trung ương khẳng định, thuốc tránh thai không thể giải được rượu, cũng không có bất kỳ mối liên quan nào giữa chuyển hóa cồn với các thành phần của thuốc.
"Không có mối liên quan giữa chuyển hóa cồn và thành phần của thuốc tránh thai khẩn cấp. Vấn đề này chưa có số liệu khoa học và cũng không có khuyến cáo nào về việc uống thuốc tránh thai khẩn cấp để giải rượu", bác sĩ Thành nói.
Theo phân tích của nam bác sĩ, bản chất thuốc tránh thai khẩn cấp là các chất nội tiết tố, đặc biệt là progesterone. Đây là loại hormone khi phụ nữ mang thai tiết ra để ngăn trứng không rụng, từ đó không thể tiếp tục thụ thai. Thuốc tránh thai khẩn cấp cấp một lượng lớn nội tiết tố progesterone vào cơ thể để "bắt chước" quá trình này.
Một vấn đề đặt ra là các thuốc nội tiết tố đường uống sẽ được chuyển hóa qua gan. Do đó, khi đã sử dụng rượu bia, vốn dĩ gan đã phải làm việc rất vất vả để chuyển hóa ethanol thì lại phải gánh thêm công việc chuyển hóa progesterone. Điều này tiềm ẩn nguy cơ gan quá tải.
“Nếu uống cùng lúc thuốc tránh thai và rượu có thể khiến gan bị quá tải, nguy cơ gây bệnh lý về gan cao hơn. Đàn ông lạm dụng nhiều thuốc tránh thai, tự bổ sung hormone nữ giới vào cơ thể cũng không tốt.
Bên cạnh đó, rượu làm giảm lượng glucose trong máu, dẫn tới chóng mặt ở người say. Uống rượu, bia khiến bạn mệt mỏi, mất nước nên càng nôn nao, đau đầu. Sử dụng thuốc tránh thai lúc này có thể gây ngộ độc, nguy hiểm tính mạng”, bác sĩ Thành nhấn mạnh.
Vì vậy, vị bác sĩ khuyến cáo người dân tuyệt đối không truyền tai nhau các mẹo giải rượu không rõ nguồn gốc, gây hại sức khỏe. Mọi người nên áp dụng phương pháp được bác sĩ khuyến cáo như uống nước lọc, nước gừng, nước chanh, nước cam, mật ong.
Ngoài ra, để đảm bảo an toàn, bác sĩ khuyến cáo nam giới không nên uống quá 720 ml bia hoặc 300 ml rượu vang hoặc 60 ml rượu whisky mỗi ngày.
Đối với nữ giới, mỗi ngày không nên uống quá 360 ml bia hoặc 150 ml rượu vang hay 30 ml rượu whisky. Không cho trẻ em và tuổi vị thành niên uống rượu bia.
Cố gắng kiểm soát lượng uống ở mức nguy cơ thấp nhất trong một lần. Sau uống, tuyệt đối không điều khiển xe hay tham gia vào các hoạt động ngoài trời; hoặc ở những nơi nguy hiểm, dễ bị ngã, va chạm, chấn thương.