Khi phát hiện bệnh tình, cả nhà đã nhanh chóng đưa người thân đến bệnh viện cứu chữa, lấy ra dị vật là răng giả đã bị lỏng từ trước.
- Tuổi 50 cần kiểm tra các chỉ số y tế nào, chuẩn bị gì trước khi khám?
- Tin COVID-19: Số ca mắc tăng nhưng Việt Nam chưa ghi nhận ca tử vong trong 51 ngày
Thông tin từ Báo VietNamNet cụ thể vào ngày 21/2, Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Nam đã phẫu thuật nội soi gắp thành công chiếc răng giả trong thực quản của bệnh nhân Đ.N.P. (62 tuổi, ở phường An Sơn, TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam).
Trước đó, người này nhập viện trong tình trạng nuốt đau, nuốt vướng, đau ngực, khó thở, không ăn uống được.
Theo thông tin từ người nhà, trong lúc đang uống thuốc cảm, ông P. nuốt luôn chiếc răng giả. Chiếc răng này đã bị lỏng từ lâu nhưng gia đình chưa có điều kiện làm lại. Các bác sĩ đã xét nghiệm, chụp cắt lớp vi tính lát cắt và nhận định có dị vật đoạn D1-D3 dài 40mm.
Bệnh nhân được đưa vào khoa Gây Mê - Hồi sức và tiến hành phẫu thuật nội soi ống cứng lấy thành công chiếc răng giả ra ngoài. Hiện tình trạng sức khỏe của bệnh nhân thở và ăn uống bình thường, không còn nuốt đau như trước.
Theo VTC News, trước đó, một phụ nữ 29 tuổi cũng nuốt nhầm một chiếc răng giả khi đánh răng chuẩn bị đi ngủ. Chị đến một phòng khám để nội soi nhưng không phát hiện dị vật. Ngày hôm sau, bệnh nhân đau tức ngực nên được đưa vào Bệnh viện Tai Mũi Họng khám lại. Kết quả chẩn đoán hình ảnh cho thấy, chiếc răng giả đã rơi vào phổi.
Thông tin từ Zing News cho hay, trung tâm y tế huyện Đoan Hùng, Phú Thọ, thông tin đã tiếp nhận bệnh nhân N.T.T. (61 tuổi, trú tại tại Hợp Nhất, Đoan Hùng, Phú Thọ) đến khám với biểu hiện lo lắng, nuốt nghẹn, đau ngực sau khi uống thuốc.
Bệnh nhân cho biết trước đó có uống 2 viên thuốc giảm đau. Khi uống, bệnh nhân thấy khó nuốt và đau họng. Tưởng viên thuốc to, khó nuốt, bệnh nhân cố nuốt, sau đó thấy nghẹn nhiều, đau ngực tăng dần.
Sau khi kiểm tra lại, bà T. thấy mất một nhánh hàm răng giả tháo lắp có 3 chiếc. Bệnh nhân nghĩ mình đã nuốt phải hàm răng giả nên hoảng sợ đến viện khám.
Bác sĩ khuyến cáo, người mang răng giả tháo lắp nên kiểm tra, nếu hư hỏng, gãy móc sắt phải thay lại. Tốt nhất nên trồng răng cố định vào xương hàm để chắc chắn và an toàn hơn. Đồng thời, cẩn trọng khi ăn uống.
Nếu đã lỡ nuốt dị vật, không nên cố móc họng, không nuốt cơm để trôi dị vật mà cần đi cơ sở y tế ngay để kiểm tra và gắp ra sớm.
Nếu lâu hơn, dị vật có thể gây áp xe, rách đường tiêu hóa, nhiễm trùng, thậm chí nguy hiểm tính mạng. Răng giả nếu rơi vào đường thở có nguy cơ gây suy hô hấp, áp xe phổi, xẹp phổi.
Ngoài ra, nếu bệnh nhân di chuyển hoặc dị vật ở lâu trong thực quản, chúng có thể gây rách cơ quan này, tâm vị, tổn thương dạ dày. Dị vật xuống sâu hơn có thể làm tắc, thủng ruột, nguy hiểm đến tính mạng.
Qua trường hợp này, các bác sĩ cảnh cáo người có răng giả tháo lắp, đặc biệt người dân có thói quen ngậm tăm sau khi ăn cần thận trọng, tránh để xảy ra các tình huống nguy hiểm như trên.