Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều người dân đổ xô đi mua thuốc phòng và điều trị Covid-19 không rõ nguồn gốc, xuất xứ khiến “tiền mất tật mang”.
- Trẻ mắc Covid-19 sốt cao, co giật xử lý thế nào?
- Trẻ F0 không nằm ngửa khi ngủ vì tổn thương phổi, bé có được tắm khi mắc Covid? - Chuyên gia lên tiếng
F0 lạc vào "ma trận" thuốc chữa Covid-19
Những ngày gần đây, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên cả nước đang diễn biến rất phức tạp, số ca mắc từng ngày tăng chóng mặt. Tại Hà Nội, số ca mắc liên tục phá đỉnh trong nhiều tuần liên tiếp, số F0 ghi nhận mỗi ngày lên đến hơn 10.000 ca, thậm chí ngày 3/3, số ca mắc vọt lên hơn 18.600 ca.
Số lượng F0 tăng đột biến khiến nhiều loại hàng hoá, trong đó có các loại thuốc điều trị, hỗ trợ điều trị Covid-19 trở nên khan hiếm, nhiều nơi xảy ra hiện tượng cháy hàng, người dân chạy nhiều nơi mà không mua được thuốc.
Lợi dụng tâm lý lo lắng của người dân, nhiều đối tượng đã nhân cơ hội rao bán các sản phẩm thuốc điều trị Covid-19 không rõ nguồn gốc xuất xứ..
Các loại thuốc đông y, thuốc xịt mũi, họng, thuốc để xông hay kháng sinh, kháng virus, kháng histamine cùng nhiều loại thuốc khác cũng đang được các F0, người bán online rao tràn lan trên mạng xã hội.
Đáng nói, các “bác sĩ online” này hầu hết lại chỉ bán theo kinh nghiệm, truyền tai mà không hề có bất cứ chứng chỉ chuyên môn nào.
Một tài khoản có tên Y.Y thường xuyên đăng tải các bài viết liên quan đến chữa trị Covid-19 trong các hội nhóm bằng loại thuốc hỗ trợ điều trị F0 có tên Viên nang liên hoa thanh ôn được nhập từ Trung Quốc.
Theo lời tư vấn của Y.Y., loại thuốc này đã nằm trong phác đồ điều trị Covid-19, dùng để đặc trị cảm cúm với thành phần thảo dược, lành tính đối với cả trẻ em. Chỉ cần uống thuốc từ 7 - 10 ngày là có thể âm tính, uống thuốc vào là cảm nhận ngay thấy the mát cổ họng, giảm các triệu chứng ho, đờm…
Để tăng thêm tính thuyết phục và sức hút của loại thuốc này, “bác sĩ online” còn không ngớt lời “nổ”: “Hôm trước vừa đăng bán cái hết luôn, phải xoá bài vội. Hôm nay em lại gom được mà còn rẻ hơn hôm trước mới ác chứ”, kèm theo cả loạt hướng dẫn cách sử dụng, lưu ý khi cách ly tại nhà.
Không những được rao bán lẻ với mức giá từ 120.000 đồng đến 150.000 đồng/hộp 24 viên, loại thuốc này còn được công khai bán tràn lan trên các hội nhóm kín với giá bán lẻ. Các đối tượng cũng sẵn sàng giao hàng số lượng lớn cùng mức chiết khấu cao từ 100 hộp trở lên tại nhiều nơi như Hà Nội, TP HCM.
Ngoài những sản phẩm có xuất xứ Trung Quốc với giá rẻ, hàng loạt các loại thuốc kháng virus của Nga cũng được quảng cáo rầm rộ với mức giá từ 2 - 3 triệu đồng/hộp, chỉ cần uống vài ngày là có thể âm tính, tăng cường miễn dịch… Tuy nhiên khi được hỏi về giấy tờ hoá đơn thì câu trả lời nhận được đều là không có, do “đây là hàng xách tay”.
Chưa dừng lại tại đó, các đối tượng này cũng thường xuyên trực chờ tại các hội nhóm, sẵn sàng bình luận, tư vấn cho những bệnh nhân đang hoang mang vì dương tính, không biết điều trị ra sao. Nhiều người vì hoang mang, thiếu kiến thức mà đã “dính bẫy”, phải mua những hoá đơn tiền thuốc lên đến vài triệu bạc.
F0 nên tỉnh táo, tránh "tiền mất, tật mang", ảnh hưởng tính mạng
TS.BS Quan Thế Dân, người từng tham gia chống dịch tại Bệnh viện dã chiến hồi sức cấp cứu Becamex Bình Dương khuyến cáo, trên Internet hay mạng xã hội tràn lan các đơn thuốc dành cho F0 được kê từ những người trong hay thậm chí cả ngoài ngành y tế. Không chỉ nguy hiểm, những đơn thuốc không rõ nguồn gốc và chất lượng còn gây nhiễu loạn thông tin, khiến các F0 không biết chính xác nên sử dụng thuốc như thế nào.
Theo bác sĩ Thế Dân, sự nhiễu loạn thông tin về đơn thuốc F0 gây ra hai vấn đề.
Thứ nhất, người bệnh không được điều trị đúng, từ đó ảnh hưởng nghiêm trọng tới tính mạng.
Thứ hai, những thông tin nhiễu sẽ vô tình "dìm chết" những đơn thuốc, hay thông tin đúng của các bác sĩ thật. Cuối cùng, người thiệt vẫn là bệnh nhân, không biết những loại thuốc nên và không nên sử dụng.
"Những đơn thuốc tốt của các bác sĩ có tâm sẽ bị chìm nghỉm trong những đơn thuốc không có chuyên môn, trôi nổi trên mạng xã hội", bác sĩ Dân nhận định.
Do đó, bác sĩ Dân khuyến cáo, người bệnh có thể tìm đến các trang Facebook cá nhân, hội nhóm, hay những website của các bác sĩ có uy tín trong nghề để được hướng dẫn và tư vấn.
Theo cơ quan chức năng, những loại thuốc, vật tư y tế xuất hiện trên các trang web không chính thống, trong các hội nhóm kín cá nhân là hoàn toàn sai quy định.
Những ngày bùng phát COVID-19, tính trung bình 1 ngày, Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam tiếp nhận 50 - 70 cuộc gọi và trang web tingia.gov.vn của Trung tâm cũng tiếp nhận khoảng 60 thông báo về tin giả.
Cơ quan chức năng khuyến cáo, người dân cần cẩn trọng với các sản phẩm điều trị, các thiết bị vật tư y tế không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không được cấp phép lưu hành của Bộ Y tế. Tránh chia sẻ thông tin chưa được kiểm chứng đang tràn lan trên không gian mạng.
Vì vậy, bên cạnh thận trọng tiếp nhận thông tin, kiểm chứng trước khi chia sẻ, cách tốt nhất vẫn là tuân thủ những hướng dẫn của cơ quan y tế trong phòng ngừa, điều trị COVID-19