Nhiều người mắc Covid-19 không triệu chứng nhưng sau khi khỏi bệnh vẫn khổ sở vì những cơn ho kéo dài.
- Cách 1 bà mẹ bảo vệ con của mình khỏi Covid 19 ngay từ khi con còn trong bụng
- Việc tiêm vaccine hay tiêm mũi tăng cường có cần thiết với người đã nhiễm Covid 19?
Vì sao ho kéo dài dù đã khỏi Covid-19?
Theo BS Hoàng Sơn, thành viên "Nhóm Bác Sĩ Quân Y hỗ trợ online chăm sóc điều trị F0 tại nhà", nguyên nhân gây ho khi nhiễm virus cấp nói chung và mắc Covid-19 nói riêng thường do ái lực của các loại virus này với đường hô hấp. Chúng thường xâm nhập bắt đầu từ hầu họng sau đó lan xuống phế quản phổi. Tại đây chúng phát triển, nhân lên và gây ra các phản ứng viêm. Các phản ứng viêm tiết ra các chất trung gian hóa học và có thể làm tổn hại các tế bào lớp niêm mạc đường hô hấp.
Ho có thể do phản ứng của cơ thể với chất trung gian hóa học này hoặc do tổn thương lớp niêm mạc đường hô hấp làm "lộ" các đầu mút dây thần kinh (ho) nên chỉ một kích thích nhỏ cũng gây ra cơn ho.
Đa số ho do virus thường không cần dùng đến kháng sinh. Tuy nhiên, sự tổn thương niêm mạc đường hô hấp có thể gây ra bội nhiễm vi khuẩn, một số trường hợp ho nặng và có đờm có thể phải dùng kháng sinh. Do vậy việc dùng kháng sinh nên cần sự tư vấn của bác sĩ.
Theo BS Sơn, có một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng ho kéo dài dù đã âm tính SARS-CoV-2:
- Do phản xạ tống xuất đào thải "xác" virus còn tiếp tục.
- Niêm mạc đường hô hấp đã liền sau viêm nhưng hình thành "sẹo" vẫn dễ gây kích thích vào đầu mút dây thần kinh nên một kích thích nhỏ đã gây ra một cơn ho.
- Do trào ngược dạ dày hậu quả của việc dùng thuốc trước đó gây tổn thương dạ dày.
- Do có tổn thương xơ của phế quản phổi.
- Do các yếu tố tiền sử có hen suyễn.
Điều trị ho sau khi khỏi Covid-19 như thế nào?
BS Sơn khuyến cáo: "Hầu hết ho sau Covid-19 không cần dùng thuốc. Bệnh nhân cần tập phục hồi chức năng với các bài tập làm tăng dung tích phổi (tham khảo các bài tập hướng dẫn trên YouTube), có thể dùng các thuốc ho thảo dược hoặc các bài thuốc dân gian như ngậm chanh mật ong".
Theo bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm oxy cao áp thuộc Trung tâm nhiệt đới Việt Nga, Bộ Quốc Phòng, với tình trạng ho kéo dài sau khi âm tính SARS-CoV-2 có thể xử trí như sau:
Ho khan
Theo BS Hoàng, nguyên nhân có thể do vẫn còn virus chưa hết hẳn, hoặc nhiễm virus đường hô hấp khác, ho do dị ứng, do khói thuốc, hóa chất...
Cách xử lý là dùng giảm ho bổ phế và thuốc chống dị ứng thế hệ cũ như alimemazine, diphenhydramin (Theralene hoặc Benadryl hoặc các loại có thành phần tương tự).
Một số trường hợp là do trào ngược dạ dày thực quản. Trường hợp này cần dùng kháng acid để trung hòa dịch vị dạ dày, thuốc an thần nhẹ để giảm lo lắng, căng thẳng.
Ho có đờm
Có thể do viêm phế quản, viêm phổi bội nhiễm vi khuẩn. Các trường hợp này phải thăm khám bác sĩ để dùng kháng sinh và long đờm.
Với nguyên nhân do các bệnh phổi khác như hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, giãn phế quản.. cần đi khám chuyên khoa hô hấp để được xử lý triệt để.
Không loại trừ nguyên nhân tái nhiễm Covid-19
Tái nhiễm là trạng thái một bệnh nhân đã khỏi hẳn bệnh, sau một thời gian vẫn bị mắc lại bệnh đó.
Cơ sở chắc chắn nhất để khẳng định một bệnh nhân tái nhiễm SARS-CoV-2 là khi bệnh nhân đó từng nhiễm Covid-19, đã đủ tiêu chuẩn xác định khỏi bệnh, một thời gian dài sạch virus. Sau đó, bị nhiễm bệnh lại và nuôi cấy virus có mọc lại. Tức là lần nhiễm sau, bệnh nhân đó mang virus sống chứ không phải mảnh xác virus tồn lưu từ lần nhiễm trước.
Vừa qua, không ít trường hợp F0 sau khi khỏi bệnh được một tháng lại xuất hiện các triệu chứng điển hình như sốt, ho, đau, họng, khi test nhanh lại thấy kết quả "2 vạch". Các trường hợp này có thể do tái nhiễm lần 2.
Trong cuộc họp mới đây, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế nhận định, vaccine hiện vẫn đặc biệt hiệu quả trong giảm mức độ nặng, ca tử vong và nhập viện, kể cả với biến chủng Omicron. Do đó, Bộ Y tế vẫn đặt công tác tiêm chủng lên ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, đánh giá khả năng tái nhiễm của biến chủng Omicron, ông khuyến cáo người dân phải tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch.
Virus SARS-CoV-2 liên tục biến đổi và ghi nhận các biến chủng mới như Alpha, Delta, Omicron. Kể cả trong các biến thể cũng liên tục xuất hiện các biến thể phụ, ví dụ biến thể Omicron đã ghi nhận các biến thể phụ BA.1, BA.2, BA.3 và các biến thể này có thể né được miễn dịch, gây tái nhiễm; do đó tỷ lệ mắc tại các quần thể cảm nhiễm là rất khó xác định và chưa có tính ổn định.