F0 tại nhà đo huyết áp, SPO2 thế nào cho đúng? Hướng dẫn chi tiết của BS Đại học Y Hà Nội

Sức khỏe 25/12/2021 08:16

Bệnh viện Đại học Y tổ chức buổi toạ đàm trực tuyến hướng dẫn F0 tự quản lý và chăm sóc tại nhà với sự chủ trì của PGS.TS. Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

F0 tại nhà đo huyết áp, SPO2 thế nào cho đúng? Hướng dẫn chi tiết của BS Đại học Y Hà Nội - Ảnh 1

Để ứng phó với đại dịch COVID-19 khi chuyển sang trạng thái "bình thường mới", vấn đề đặc biệt được quan tâm thời điểm hiện nay chính là điều trị F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ tại nhà. Để phát huy hiệu quả cho việc điều trị nhóm đối tượng này đòi hỏi sự hiểu biết không chỉ ở người nhiễm bệnh mà còn ở cả người chăm sóc cũng như cộng đồng xung quanh.

Với kinh nghiệm trong việc sàng lọc, chăm sóc bệnh nhân COVID-19, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội quyết định tổ chức buổi tư vấn trực tuyến để giải đáp những thắc mắc của vấn đề nêu trên.

Chương trình với chủ đề HƯỚNG DẪN F0 TỰ QUẢN LÝ, CHĂM SÓC TẠI NHÀ được chủ trì bởi PGS.TS. Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội  PGS. TS. Hồ Thị Kim Thanh, Trung tâm Y học gia đình và Chăm sóc sức khỏe Cộng đồng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

Mời quý vị đón xem livestream trên fanpage của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

Dưới đây là một số nội dung chính của buổi livestream:

Hỏi: Thưa bác sĩ, hiện nay, mặc dù như phân tích của bác sĩ, số lượng người mắc COVID-19 đang có nhiều sự biến động, nhưng mọi người vẫn chưa nắm được kỹ là ở mức độ của họ sẽ đến đâu để được điều trị. Trong khi đó, tại các cơ sở y tế chúng ta vẫn đang phân loại người bệnh COVID-19 theo các mức độ nghiêm trọng khác nhau để điều trị hay chuyển tuyến cao hơn. BS có thể nói rõ hơn về các tiêu chí trong phân Phân tầng điều trị đó được không?

PGS. TS. Hồ Thị Kim Thanh: Mỗi người mắc COVID-19 thuộc 3 tầng điều trị. Tầng 1 những người không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ được điều trị tại nhà, nếu tiến triển nặng hơn được chuyển lên tầng 2 là những bệnh viện tuyến địa phương. Tầng 3 dành để điều trị những người có triệu chứng rất nặng (ICU). Trong thời gian vừa rồi, những người có triệu chứng nặng là những người có bệnh lý nền nặng như đái tháo đường, cao huyết áp. Những người này khi mắc thì sẽ có thể gặp tai biến rất nặng và có tỷ lệ tử vong rất cao.

PGS.TS. Nguyễn Lân Hiếu: Hiện tại tôi cũng đang tham gia tư vấn và điều trị F0 tại nhà tại Bình Dương. Với số lượng bệnh nhân F0 đang điều trị tại nhà quá đông nên các bác sĩ không thể trả lời, giải đáp hết được thắc mắc của bệnh nhân khiến họ gặp nhiều khó khăn trong việc theo dõi, điều trị và không biết phải uống thuốc ra sao, chăm sóc như thế nào cho đúng. Buổi hội thảo này vô cùng hữu ích trong tình trạng hiện nay.

Hỏi: Như vậy với các F0 không triệu chứng thì việc tự theo dõi tại nhà là hợp lý phải không ạ? Vậy điều kiện để F0 theo dõi tại nhà là gì ạ?

PGS. TS. Hồ Thị Kim Thanh: Theo chỉ dẫn của Bộ Y tế, phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe của bệnh nhân, bệnh nhân sẽ được phân tầng vào tầng điều trị phù hợp. Nếu đủ điều kiện điều trị tại nhà, mọi người nên yên tâm và làm theo sự hướng dẫn của nhân viên y tế.

Khi có xét nghiệm PCR dương tính, mỗi chúng ta nên bình tĩnh, không nên hoảng loạn. Mọi người nên báo ngay cho tổ COVID địa phương ngay khi có kết quả test nhanh dương tính. Nếu nhà thông thoáng, có phòng riêng, có đủ vật dụng cá nhân cần thiết thì bệnh nhân sẽ được điều trị tại nhà.

Những vật dụng cần thiết cho F0 điều trị tại nhà là: nhiệt kế, máy SPO2 (để theo dõi nồng độ oxy trong máu) hoặc có thể máy đo huyết áp.

Một số vật dụng cần khác như găng tay y tế, túi đựng rác thải, thùng rác có nắp đậy, khẩu trang y tế, những sản phẩm khử khuẩn gia dụng (như cồn tối thiểu 70 độ).

F0 tại nhà đo huyết áp, SPO2 thế nào cho đúng? Hướng dẫn chi tiết của BS Đại học Y Hà Nội - Ảnh 2

PGS. TS. Hồ Thị Kim Thanh (bên phải), Trung tâm Y học gia đình và Chăm sóc sức khỏe Cộng đồng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, tư vấn cho khán giả trong chương trình.

Hỏi: F0 cần làm gì tại nhà?

PGS. TS. Hồ Thị Kim Thanh: Nếu được xác định là F0 và được điều trị tại nhà hoặc đang trong thời gian chờ đến cơ sở tập trung, những người nhiễm COVID-19 cần đảm bảo thực hiện 5K, khai báo y tế và không tập trung với những người xung quanh.

Mọi người nên theo dõi các thông số sức khỏe hàng ngày có sẵn trên trang của chúng tôi như nhiệt độ, tình trạng ho hoặc hắt hơi.

Ví dụ một người sau khi test nhanh có kết quả dương tính, trong thời gian chờ đợi kết quả PCR không nên tiếp xúc với những người khác trong gia đình, không nên tiếp xúc với vật nuôi trong nhà, nên tự vệ sinh/khử khuẩn những nơi mình đã từng tiếp xúc trong gia đình như tay nắm cửa, máy tính, điện thoại.

Rác thải nên cho vào thùng có nắp đậy, khử khuẩn bằng cồn và chuyển ra ngoài.

F0 tại nhà đo huyết áp, SPO2 thế nào cho đúng? Hướng dẫn chi tiết của BS Đại học Y Hà Nội - Ảnh 3

PGS. TS. Hồ Thị Kim Thanh, Trung tâm Y học gia đình và Chăm sóc sức khỏe Cộng đồng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

Hỏi: Chế độ ăn uống của người F0 cần có là gì?

PGS. TS. Hồ Thị Kim Thanh: Bệnh nhân F0 điều trị tại nhà có một điều thuận lợi đó là được sự hỗ trợ của người nhà.

Người bệnh nên ăn uống đủ chất, nên bình tĩnh và không quá lo lắng, nên ăn những thức ăn mềm, lỏng nếu thấy cơ thể đang mệt. Nên uống đủ nước để làm mềm niêm mạc hô hấp. Đảm bảo chế độ dinh dưỡng đủ chất. Nên tập thở để tăng cường lưu thông đường thở. Không nên quá lo lắng, có thể liên hệ với nhân viên y tế để được giải đáp.

Hỏi: Vâng, đó là những vấn đề người nhiễm Covid-19 cần phải làm khi tự theo dõi tại nhà. Nhưng khi ở nhà thì còn có người thân xung quanh ở cùng nhà, hoặc người chăm sóc. Vậy người nhà của các F0 đó cần chú ý những gì ạ?

PGS. TS. Hồ Thị Kim Thanh: Người chăm sóc bệnh nhân COVID-19 cần lưu ý:

- Nếu thuộc đối tượng có nguy cơ cao như có bệnh lý nền thì không nên chăm sóc người bệnh.

- Phải tự bảo vệ mình bằng cách dùng khẩu trang, găng tay một lần, đeo kính mắt, rửa tay thường xuyên trong ít nhất 20 giây, đặc biệt sau khi tiếp xúc với người bệnh. Không nên đưa tay lên mắt, mũi, miệng.

- Phải lau sạch tay sau khi khử khuẩn. Lau bằng khăn khô, tuyệt đối tránh dùng khăn ẩm vì môi trường ẩm dễ tạo điều kiện cho virus sinh sôi. Do đó, cần phải phơi khô, khử khuẩn khăn sau khi sử dụng.

Hỏi: Vâng, từ nãy tới giờ bác sĩ có trao đổi nhiều vấn đề đối với F0 tại nhà như: theo dõi sức khoẻ, sử dụng các thiết bị y tế như nhiệt kế, máy đo huyết áp hay máy SPO2, tuy nhiên, với các thiết bị đó, thì người dân tự theo dõi cần chú ý các chỉ số của các thiết bị đó như thế nào ạ? Khi nào là bình thường, khi nào các chỉ số đo cảnh báo dấu hiệu cần báo với nhân viên y tế? Bác sĩ có thể hướng dẫn kỹ hơn được không ạ?

PGS. TS. Hồ Thị Kim Thanh: Đây là những chỉ số mà chúng ta cần theo dõi:

- Mạch

- Nhiệt độ hàng ngày

- Huyết áp

- SPO2

- Vị giác

- Nhịp thở

- Khả năng ăn uống

Trước khi đo SP02 cần làm sạch tay và giữ tay khô, kẹp thiết bị đo SP02 vào đầu ngón tay hoặc ngón chân, ngồi yên tĩnh và đọc chỉ số trên máy. Có thể đặt một cái gối kê dưới bàn tay. Thông thường, bạn có thể tự đo mạch bằng tay bằng cách đặt hai ngón tay lên trên cổ tay ở khu vực mạch và đếm trong vòng 1 phút.

Nếu mạch trên 120 lần hoặc dưới 50 lần/phút cần báo ngay cho nhân viên y tế.

Các loại máy đo huyết áp có thể được dùng là máy điện tử hoặc máy thông thường. Băng đo huyết áp không nên chặt quá và cách nếp gấp khuỷu từ 2 - 3 cm và nên để lộ tay khi đo.

Huyết áp dưới 90/60 là bất thường trừ những người tiền sử huyết áp thấp đã thích nghi được với tình trạng này. Nếu huyết áp quá cao thì cần báo cho nhân viên y tế.

Chỉ số cần lưu ý tiếp theo là nhịp thở. Đối với trẻ em thì có thể quan sát bằng việc nâng lên hạ xuống của lồng ngực.

Nhịp thở ở người lớn nếu trên 21 lần/phút, trẻ em từ 1 - 5 tuổi là trên 40 lần/phút và trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi trên 30 lần/phút (trong điều kiện tĩnh) thì nên báo với nhân viên y tế.

Hỏi: Bản thân bệnh nhân COVID-19 cần ứng phó với các biểu hiện cơ thể như thế nào?

PGS. TS. Hồ Thị Kim Thanh: Những ngày đầu, sốt sẽ tăng dần lên. Nếu nhiệt độ trên 37 độ trở lên (nếu cặp ở nách) được coi là sốt. Người bệnh nên mặc đồ thoáng, nên mở cửa sổ cho thông thoáng nhưng tránh bị nhiễm lạnh, uống nhiều nước và thuốc hạ sốt nếu nhiệt độ từ 38,5 độ trở lên.

Người bệnh cần theo dõi các chỉ số khác như huyết áp, nhịp thở, SPO2. Nếu có bất thường thì cần báo luôn cho nhân viên y tế.

Một vấn đề khác, tiêu hoá của người bệnh F0 cũng khá kém nên có thể gặp tình trạng tiêu chảy. Lúc này nên báo với người thân để lưu ý chọn thức ăn và sử dụng thuốc theo hướng dẫn của nhân viên y tế.

Nếu có tình trạng đau tức ngực bất thường, không nên cố thủ ở nhà mà nên báo với nhân viên y tế để được chuyển đến trung tâm y tế điều trị kịp thời.

Viẹc tập thở cũng rất quan trọng đối với bệnh nhân F0 điều trị tại nhà. Có rất nhiều phương pháp tập thở nhưng tập thở chúm môi hoặc tập thở cơ hoành là tốt nhất.

- Thở chúm môi: Hít vào từ từ bằng mũi, chúm miệng thở ra từ từ cho tới hết khả năng.

- Thở cơ hoành: Hít vào từ từ bằng mũi đồng thời bụng phình lên, thở ra bằng miệng thật chậm cho tới khi bụng xẹp xuống.

Mỗi lần tập từ 5 - 10 nhịp, càng tập nhiều lần trong ngày càng tốt.

Trong một vài nhịp thở đầu tiên, một số người có thể gặp tình trạng chóng mặt nhưng sau một vài nhịp thở tiếp theo, tình trạng này sẽ biến mất.

Thêm vào đó, bệnh nhân không nên vào tìm hiểu các thông tin quá tiêu cực như số ca nhiễm mới trong ngày. Việc làm này khiến bệnh nhân lo lắng, hốt hoảng nên không tốt cho sức khoẻ người bệnh.

Bộ Y tế có khuyến cáo bệnh nhân nên tập thiền hoặc làm những việc mình yêu thích để có thể tăng thêm sức khoẻ và vượt qua được giai đoạn điều trị COVID-19.

Hỏi: Hiện nay, người dân truyền tai nhau nhiều loại thuốc dùng để phòng chống Covid hoặc điều trị cho các F0. Vậy trong chương trình hôm nay, bác sĩ có thể cho biết Các gói thuốc thiết yếu cần dùng cho F0 là những loại thuốc nào một cách chính thống không ạ?

PGS. TS. Hồ Thị Kim Thanh: Bệnh nhân nên lưu ý: tuyệt đối không tự ý dùng thuốc. Hiện nay diễn biến dịch đã khác trước đây. Chúng ta đã được tiêm vaccine, thậm chí có người đã được tiêm vaccine mũi thứ 3. Do đó, triệu chứng lâm sàng của bệnh đã thay đổi và các hướng dẫn sử dụng thuốc cũng đã thay đổi.

Gói thuốc A là gói thuốc điều trị triệu chứng. Gói thuốc này không cần kê đơn và có thể tự chuẩn bị ở nhà phòng trường hợp nếu không may chúng ta trở thành F0 và chưa được phân phát kịp thời bởi nhân viên y tế.

Gói thuốc này gồm có:

Thuốc giảm đau, hạ sốt: thường dùng là Paracetamol. Nếu có tiền sử dị ứng thuốc này, nên chuẩn bị sẵn loại thuốc hạ sốt khác theo liều lượng phù hợp cơ thể.

Nhóm vitamin hạ sốt: tăng cường sức khỏe của bản thân. Tốt nhất nên uống 1 viên đa vi chất. Nếu bệnh nhân có tiền sử dị ứng với bất cứ thành phần nào thì nên tìm hiểu thật kỹ loại thuốc trước khi sử dụng.

Nhóm bù nước, điện giải: Nếu có sốt cao, khát nước hoặc tiêu chảy thì cần uống bù điện giải như oresol. Còn nếu không chỉ cần uống nước bình thường và nước ép trái cây.

Nước muối sát trùng mũi họng: F0 thường có triệu chứng hắt hơi, sổ mũi nên rửa mũi, súc họng bằng nước muối sinh lý.

Một số loại thuốc khác có thể tích trữ như: thuốc ho thảo dược (nếu có ho kích ứng giai đoạn đầu), thuốc trị đau dạ dày (nếu có triệu chứng về dạ dày).

Gói thuốc B (màu vàng) cần có sự chỉ định của bác sĩ dù bạn đang điều trị ở nhà hay các cơ sở y tế. Gói thuốc này gồm có thuốc kháng viêm và kháng đông. Khi virus ở giai đoạn phát triển mạnh quá, gói thuốc này sẽ làm giảm bớt các phản ứng quá mức của hệ miễn dịch và giảm hình thành cục máu đông. Một số người bị mắc bệnh viêm loét dạ dày, tá tràng, suy gan, suy thận hoặc đang trong tình trạng xuất huyết, phụ nữ cho con bú cần hết sức lưu ý khi sử dụng.

Nhóm thuốc này gồm có:

Thuốc chống viêm dexamethasone: dùng 1 lần vào buổi sáng, sau ăn.

Thuốc chống đông rivaroxaban 10mg hoặc apixaban 2,5mg: dùng 1 lần vào buổi sáng, sau ăn

Lưu ý: Cần sử dụng nhóm thuốc này theo chỉ định của bác sĩ.

Gói thuốc C, thuốc kháng virus cần sử dụng dưới sự giám sát của cơ sở y tế, tuyệt đối không tự ý sử dụng vì thuốc đang trong giai đoạn theo dõi.

Một số người chống chỉ định dùng thuốc là phụ nữ có thai/đang cho con bú, những người suy gan, suy thận và viêm gan, viêm tụy mạn tính.

Hỏi: Mất vị giác khứu giác có nguy hiểm hay không và làm thế nào để cải thiện triệu chứng này?

PGS. TS. Hồ Thị Kim Thanh: Mất vị giác/khứu giác là tình trạng thường gặp ở bệnh nhân COVID-19. Virus SARS-CoV-2 có thể làm tổn thương hệ hô hấp. Trung bình từ 5 - 7 ngày bệnh nhân có thể lấy lại được vị giác hoặc khứu giác sau khi ổn định bệnh nhưng thời gian cũng có thể kéo dài hơn ở một số bệnh nhân khác. Tuy nhiên, bệnh nhân không nên quá lo lắng mà hãy tiếp tục thực hiện các biện pháp như rửa mũi, họng thường xuyên hoặc dùng một số tinh dầu từ tía tô, bạc hà để kích thích vị giác, khứu giác. Việc phục hồi này có thể không nhanh nhưng khi ổn định thì người bệnh sẽ có lại được vị giác/khứu giác.

Hỏi: Khi người bệnh mắc COVID-19 hay bị chán ăn. Vậy làm thế nào để giải quyết được tình trạng này?

PGS. TS. Hồ Thị Kim Thanh: Chán ăn rất thường gặp ở mọi bệnh không riêng COVID19. Tuy nhiên với người nhiễm  COVID-19 do bị cách ly ở một mình, cách ly tập trung hoặc ở cùng những người thân cũng đang mệt mỏi vì bệnh, tạo nên tâm lý lo lắng, căng thẳng và chán ăn.

Để cải thiện tình trạng này cần thực hiện một số biện pháp như sau:

Giữ tâm lý thoải mái khi ăn

Chia nhỏ bữa ăn 4 - 6 bữa một ngày, không bỏ bữa

Nên ăn lỏng nhiều hơn như cháo, sinh tố, đồ hầm

Nếu không ăn được cơm thì thay thế bằng các thực phẩm khác giàu dinh dưỡng như cháo thịt, sữa giàu năng lượng, ngũ cốc…

Nên tránh các thực phẩm khó tiêu

Nhân viên y tế, người chăm sóc khuyến khích động viên, tạo động lực ăn uống cho người F0.

Hỏi: Trong quá trình điều trị bệnh, bệnh nhân F0 nên và không nên ăn gì để quá trình phục hồi bệnh tốt hơn?

PGS. TS. Hồ Thị Kim Thanh:

- Dinh dưỡng vô cùng quan trọng trong quá trình phục hồi của người nhiễm COVID-19.  Trong quá trình điều trị không có kiêng đồ ăn cụ thể gì, người F0 có thể ăn uống như chế độ bình thường hằng ngày. Có thể khuyến khích họ thực hiện ăn uống theo nguyên tắc bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, năng lượng và nước. Hạn chế ăn các thực phẩm nhiều chất béo, nhiều muối và nhiều đường; không uống rượu bia.

Hỏi: Trong quá trình điều trị, F0 có thể tập luyện thể dục thể thao hay không và nên tập như thế nào?

PGS. TS. Hồ Thị Kim Thanh: Tùy từng điều kiện và không gian sinh sống của F0 mà có những cách tập luyện khác nhau và nên chọn những môn tập nhẹ nhàng. F0 nào cũng nên tập luyện thường xuyên và cách tập luyện đơn giản nhất là tập thở, tập yoga nhẹ nhàng hoặc những bài squat nhẹ nhàng, tránh những bài tập vận động cơ quá mức. Nhiều người nghĩ rằng tập luyện hăng hái sẽ có ích trong điều trị COVID-19, nhưng trên thực tế chúng tôi đã phải cấp cứu cho một số trường hợp kiệt sức do tập luyện quá mức.

Hỏi: F0 khi tập thở, hít sâu thì có giúp cho virus xuống phổi dễ hơn và làm bệnh nặng hơn không?

PGS. TS. Hồ Thị Kim Thanh: Virus khi đã bám vào bề mặt niêm mạc đường hô hấp là đã có thể nhân lên rồi. Việc tập thở không phải khiến cho virus xâm nhập xuống sâu hơn vào cơ thể mà giúp cho trao đổi khí trong phổi tốt hơn. Ví dụ khi thở thông thường, việc trao đổi khí chỉ đạt được 50%. Nhưng khi chúng ta thở sâu, chậm, thở ra từ từ thì giúp dung tích lồng ngực nhiều hơn, hít được lượng khí nhiều hơn và giữ được lượng khí đó trong phổi lâu hơn. Việc làm này có thể giúp cơ thể đào thải virus nhanh hơn chứ không phải khiến virus tấn công và khiến cơ thể trở bệnh nặng hơn.

Hỏi: Nhiễm COVID-19 có nguy hiểm không?

PGS. TS. Hồ Thị Kim Thanh: Bất kỳ ai cũng thắc mắc việc nhiễm COVID-19 có nguy hiểm tới tính mạng hay không. 80 - 90% những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine khi nhiễm bệnh đều có các triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng, ngoại trừ những đối tượng có các bệnh lý nền, những người bị ung thư hoặc có sức khỏe yếu, tuổi cao có thể gặp tình trạng bệnh nặng hơn, nguy hiểm hơn khi mắc COVID-19.

PGS.TS. Nguyễn Lân Hiếu: Qua tất cả những câu hỏi của độc giả tôi thấy rằng thông tin đến với người dân nói chung, người nhiễm hoặc đang nghi nhiễm COVID-19 cùng với gia đình của họ nói riêng đang ở rất nhiều hướng khác nhau. Từ đó, người dân hoang mang, lo lắng và không yên tâm để điều trị bệnh tại nhà. Tôi mong rằng báo chí, các phương tiện truyền thông không đăng tải những thông tin chưa chính xác hoặc khiến bệnh nhân lo lắng. Người dân nên bình tĩnh, tỉnh táo, thông minh khi chắt lọc các thông tin để có cách bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình một cách tốt nhất.

3 thói quen tiêu thụ nước "kinh điển" khiến "thận hư thận yếu": Cực nhiều người mắc phải nhưng không muốn thận toàn sỏi thì phải tỉnh táo mà từ bỏ ngay

Nước là nguồn gốc của sự sống, nhưng nếu tiêu thụ nước sai cách sẽ khiến thận bị tổn thương, sức khỏe cũng bị ảnh hưởng.

TIN MỚI NHẤT