Bác sĩ trong tâm dịch 115: Làm việc 200 - 300% sức lực, chỉ lơ là 1 phút là có thể lây nhiễm Covid-19

Sức khỏe 08/09/2021 11:33

Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Hương – Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM cùng với đồng nghiệp suốt 3 tháng miệt mài với việc cấp cứu ngoại viện. Mệt mỏi tan biến hết khi người bệnh tiếp cận được với cơ sở y tế.

Vất vả chặng đường hồi sinh cho bệnh nhân

Mỗi ngày trung tâm cấp cứu 115 nhận được khoảng 6000 cuộc gọi nhờ tư vấn, cấp cứu của các gia đình có người nhiễm Covid-19 và các bệnh lý khác. Số cuộc gọi tăng lên vài trăm lần so với ngày thường, nhân lực cũng phải làm việc với áp lực nhiều hơn trước.

"Alo, làm ơn cứu giúp mẹ em" – đó là cuộc gọi của một cô gái trẻ. Cô gái cầu cứu 115 vì mẹ của mình đang nguy kịch nhưng không thể gọi được hỗ trợ khác. Bác sĩ Hương nhận lệnh lên đường. Trên đường đi, chị cố gắng gọi điện trấn an người bệnh: "Chờ nhé xe sắp đến rồi".

Bác sĩ cố gắng đến thật nhanh nhưng đã quá muộn. Người bệnh đã ngừng thở khoảng hơn 30 phút trước. Cô gái khóc lóc, níu tay bác sĩ Hương: "Chị ơi, chị cứu mẹ em đi, em chỉ còn một mình mẹ em thôi, chị cứu mẹ em đi". Tuy nhiên, bác sĩ Hương chỉ biết động viên người bệnh.

Cái khó của các F0 đó là khi người nhà trở nặng họ mới gọi hỗ trợ. Có nhiều người không được theo dõi từ đầu nên khi bác sĩ 115 đến họ đã ở tình trạng nguy kịch. Bác sĩ phải cho người bệnh thở oxy rồi mau chóng liên hệ tìm bệnh viện cho bệnh nhân vào viện. Bác sĩ cấp cứu ngoại viện chỉ hỗ trợ được oxy, trường hợp cần can thiệp mở nội khí quản cũng không đủ dụng cụ - BS Hương cho biết.

Trước đây, bác sĩ cố gắng đến được nhà bệnh nhân trong vòng 1 tiếng kể từ khi nhận cuộc gọi, nhưng hiện tại thì mất nhiều thời gian hơn. Có những ca bệnh người nhà ở ven đô hoặc là các khu người dân chặn lối, bác sĩ lại phải lòng vòng tìm các lối đi được để cố gắng đưa bệnh nhân tới viện. Có lẽ vì thế, có những chuyến đi cấp cứu kéo dài 3, 4 tiếng đồng hồ.

Bác sĩ Hương cho biết cấp cứu ngoại viện mùa dịch mỗi người đều làm 200 – 300% sức lực. Các nhân viên của trung tâm 115 đã ăn ở viện suốt mấy tháng qua. Có những ca cấp cứu tận ven thành phố. Nhân lực đi cấp cứu chỉ có bác sĩ và lái xe.

Với nhiều bệnh nhân béo phì, việc khiêng vác người bệnh ra xe cấp cứu cũng vô cùng vất vả. Bác sĩ Hương kể có xe cấp cứu không có cáng thì bác sĩ khiêng bằng võng.

Có những trường hợp người bệnh ở lầu 2, lầu 3 thì bác sĩ và người nhà cũng vô cùng vất vả để đưa họ xuống tầng 1 rồi ra xe cấp cứu.

Bác sĩ trong tâm dịch 115: Làm việc 200 - 300% sức lực, chỉ lơ là 1 phút là có thể lây nhiễm Covid-19 - Ảnh 1
Có thời điểm việc vận chuyển người bệnh tới cơ sở y tế vô cùng khó khăn.

 Một bệnh nhân ở quận 4, 50 tuổi nặng tới hơn 90 kg. Bác sĩ Hương, anh lái xe và 1 người nhà đã vô cùng vất vả để đưa người bệnh tới bệnh viện.

Khi tiếp xúc bệnh nhân, việc đầu tiên hầu như là đo sinh hiệu của người bệnh. Bệnh nhân khó thở sẽ cho thở oxy, huyết áp tụt sẽ truyền dịch để cải thiện huyết áp. Trước kia, khi chưa có sự điều phối, có lúc bác sĩ phải tìm 3, 4 bệnh viện mới có thể đưa bệnh nhân tiếp cận được. Hiện tại, BS Hương cho biết khi tiếp cận ở hiện trường, bác sĩ báo về trung tâm để tìm bệnh viện nào trống giường mới đưa bệnh nhân đi, không chạy lòng vòng tìm bệnh viện như trước.

Những áp lực, căng thẳng

BS Nguyễn Duy Long – Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 TP.HCM - cho biết những ngày cao điểm, trung tâm nhận tới 6000 cuộc gọi, nhưng đến thời điểm này còn khoảng 3000 cuộc gọi. Cũng có nhiều cuộc gọi người nhà bệnh nhân mất bình tĩnh, hoang mang cầu cứu bác sĩ. 

Khi đó, các điều phối viên phải nghe rồi trấn an người bệnh. Có những cuộc gọi có tình huống đau lòng thì người nghe điện thoại cũng căng thẳng, nhất là những người mới tình nguyện tham gia đội ngũ tổng đài viên từ bên thành đoàn, trường Đại học Y dược.

BS Long cho biết trung tâm cấp cứu 115 tổ chức kíp cấp cứu đưa bệnh nhân tới bệnh viện. Trước đây chỉ có xe cứu thương, khi xe cứu thương không đủ, 115 triển khai xe taxi vận chuyển và có nhân viên y tế theo xe. 

BS Long chia sẻ, có thời gian các bệnh viện đều quá tải từ giường bệnh tới nguồn oxy. Khi đó do hệ thống oxy chưa đủ, bệnh nhân nằm ở hành lang thở oxy, tạo áp lực cho cả người bệnh và bệnh viện.

Áp lực làm việc quá tải của nhân viên y tế 115 rất lớn, điều bác sĩ Long lo nhất đó là anh em phơi nhiễm với virus. Có những hôm trời mưa đi vào nhà người bệnh mưa ướt hết bảo hộ, khi đó việc phòng hộ sẽ kém hiệu quả. Hơn nữa, nhiều anh em phản hồi mệt mỏi. Nếu chỉ 1 phút lơ là có thể lây nhiễm Covid-19. 

Hiện tại, số cuộc gọi đã giảm, bác sĩ Long cho rằng người bệnh đã bình tĩnh hơn trước, có các nhánh tư vấn khác từ tổng đài 1022 của thành phố cũng giúp giảm áp lực cho tổng đài viên của 115.

Chuyên gia y tế nói gì về việc cho bà con ở TP.HCM tiêm vaccine Pfizer thay mũi 2 Moderna?

Chuyên gia nhận định, Bộ Y tế cần xem xét phương án sử dụng vắc xin Pfizer chích ngừa mũi thứ hai cho người dân trong bối cảnh vắc xin Moderna đã hết hàng.

TIN MỚI NHẤT