Nhận được kết quả xét nghiệm, nhiều bác sĩ đã phải ''đứng hình'' khi phát hiện bên trong túi mật của người phụ nữ có hơn cả nghìn viên sỏi.
- Lạm dụng thuốc nam để chữa gãy xương lại dẫn đến biến dạng cẳng tay
- Dịch bệnh tay chân miệng đang hoành hành nhưng thuốc trị lại khan hiếm
Theo thông tin ghi nhận từ VTC News, ngày 23/6, Bác sĩ Trần Kiên Quyết, Trưởng khoa Phẫu thuật tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội) cho hay, đơn vị phẫu thuật lấy ra hàng nghìn viên sỏi mật trong cơ thể của cụ bà 73 tuổi.
Cụ bà có triệu chứng đau quặn vùng bụng trong thời gian dài, đến khám tại bệnh viện, người phụ nữ được chẩn đoán sỏi túi mật gây viêm và có chỉ định phẫu thuật sớm.
Sau phẫu thuật, kết quả khiến các bác sĩ cũng phải ngỡ ngàng vì bệnh nhân có hàng ngàn viên sỏi nhỏ chứa trong một túi mật có kích thước chưa bằng một quả trứng ngỗng.
Theo thông tin ghi nhận từ báo Phụ Nữ Online, các bác sĩ cho hay, bệnh sỏi túi mật thường có các triệu chứng như đột ngột xuất hiện cơn đau ở phía mạn sườn bên phải, ngay dưới vùng xương sườn, ở vai phải hoặc giữa 2 bả vai. Bệnh thường đi kèm các biểu hiện như buồn nôn và nôn mửa; đổ mồ hôi, bồn chồn; cơ thể mỏi mệt. Ở một số bệnh nhân có biểu hiện rối loạn tiêu hóa kèm sốt cao trên 38 độ và rét run.
Các bác sĩ khuyên, ngay khi nhận biết những dấu hiệu trên, người bệnh cần được khám chuyên khoa tiêu hóa để chủ động điều trị sớm, trước khi dẫn đến những biến chứng nguy hiểm hơn. Khi không điều trị kịp thời, bệnh nhân đau đớn kéo dài, có thể bị viêm mủ đường mật, viêm túi mật cấp, viêm tụy cấp. Trường hợp nặng, bệnh nhân có thể tử vong.
Cách phòng ngừa bệnh sỏi túi mật
Sỏi túi mật là bệnh diễn tiến âm thầm với những dấu hiệu không điển hình nên người bệnh ít quan tâm và chỉ phát hiện qua siêu âm.
Do đó, việc phòng ngừa là vô cùng quan trọng và để phòng ngừa sỏi túi mật chúng ta cần phải thay đổi lối sống nhằm giảm nguy cơ hình thành sỏi mật cũng như làm chậm quá trình phát triển và ngăn ngừa nguy cơ tái phát sỏi như sau:
- Ăn đủ bữa: do thói quen bỏ qua bữa sáng có thể làm tăng đáng kể nguy cơ mắc bệnh sỏi túi mật. Vì vậy, chúng ta cần phải cố gắng ăn đầy đủ và đúng bữa, nhất là bữa sáng đừng để cơ thể bị bỏ đói.
- Dinh dưỡng hợp lý: nên có chế độ ăn hợp lý, cân đối dinh dưỡng và hạn chế thực phẩm giàu cholesterol.
- Không nên nôn nóng trong việc giảm cân phải thực hiện giảm từ từ vì sụt cân nhanh có thể làm tăng nguy cơ sỏi túi mật. Tốt nhất là nên giảm khoảng 0,5 - 1kg mỗi tuần.
- Thường xuyên vận động thể lực, hạn chế ngồi nhiều với những bài tập đơn giản nhẹ nhàng trong khoảng 30 - 45 phút mỗi ngày.