Theo khuyến cáo của bác sĩ, không ít trường hợp chủ quan với các dấu hiệu của cúm, tự ý điều trị tại nhà khiến bệnh trở nặng.
- Vì sao người đồng tính nam dễ mắc bệnh đậu mùa khỉ?
- Phát hiện mới: Thường xuyên làm 3 việc này cực tốt cho não, dù nghe có vẻ chẳng liên quan
Thống kê của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội cho thấy, từ đầu năm đến nay, thành phố đã ghi nhận tổng cộng hơn 2.600 trường hợp mắc cúm. Trong số này chưa có bệnh nhân tử vong. Tuy nhiên, CDC Hà Nội nhận định số ca mắc cúm mùa ở địa phương này đang có xu hướng gia tăng trong 4 tháng trở lại đây.
Tại một số cơ sở y tế như Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Thanh Nhàn… số lượng người nhập viện do có triệu chứng của cúm tăng cao.
Tuy nhiên, BS Nguyễn Trọng Hưng - Khoa Bệnh Nghề nghiệp, Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, đa phần bệnh nhân cúm A đến viện trong tình trạng sốt, chảy nước mũi kèm theo đau họng, ho.
Các bệnh nhân cúm A có bệnh nền như tim mạch, hô hấp, mắc các bệnh suy giảm miễn dịch, mãn tính sẽ được theo dõi trong bệnh viện. Trường hợp người bệnh khỏe mạnh, không bệnh lý nền, đã tiêm vắc-xin cúm A khi đến cơ sở y tế sẽ được xét nghiệm đánh giá xem có biến chứng cúm A hay không. Nếu không có nguy cơ biến chứng, họ có thể được theo dõi, điều trị tại nhà theo đơn thuốc bác sĩ.
Nếu không có nguy cơ biến chứng, người mắc cúm A có thể được theo dõi, điều trị tại nhà theo đơn thuốc bác sĩ (Ảnh minh họa)
Cũng theo BS Nguyễn Trọng Hưng, biến chứng bệnh cúm A là viêm phổi, biến chứng về tim mạch, thần kinh, viêm cơ. Ngoài ra, bệnh này còn các biến chứng nặng hơn như bệnh nhân bị bội nhiễm, nhiễm trùng, nhiễm độc.
Hầu hết bệnh nhân bị cúm có triệu chứng nhẹ và được chỉ định điều trị ngoại trú. Tuy nhiên, một số trường hợp vẫn có nguy cơ diễn biến nặng. Do đó, bác sĩ Hưng khuyến cáo có 2 lưu ý không thể bỏ qua khi điều trị cúm A tại nhà.
Thứ nhất là vấn đề sử dụng thuốc. Các bệnh nhân cúm A triệu chứng nhẹ, không có yếu tố nguy cơ, được chăm sóc tại nhà có thể dùng hạ sốt khi sốt trên 38.5 độ C. Bệnh nhân mắc cúm A và không bị bội nhiễm không được dùng kháng sinh.
Trao đổi thêm về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - nguyên trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, nhiều người lầm tưởng dùng kháng sinh giúp bệnh nhanh khỏi. Thực tế, kháng sinh không có tác dụng diệt virus - nguyên nhân gây cúm. Bệnh cúm tự khỏi trong vài ngày, người bệnh có thể dùng thuốc giảm ho, giảm đau họng hoặc thuốc hạ sốt.
"Lạm dụng kháng sinh điều trị cúm thường rất tốn kém. Trong khi đó, chúng còn có thể gây ra tác dụng phụ như tiêu chảy, mệt mỏi, thậm chí kháng kháng sinh", vị chuyên gia nói.
Không tự ý dùng thuốc kháng virus khi chưa có chỉ định của bác sỹ
Về vấn đề bù nước và điện giải, BS Trọng Hưng chia sẻ, các bệnh nhân không có bệnh lý nền liên quan đến tiểu đường, tim mạch nên hạn chế bù nước bằng nước hoa quả. Người bệnh có thể dùng oresol, nước lọc để bù nước. Nếu bệnh nhân không có bệnh lý nền trên có thể dùng nước hoa quả để bù điện giải. Ngoài ra, với bệnh nhân điều trị tại nhà có thể chỉ định dùng thêm thuốc kháng virus theo liều lượng, cân nặng người bệnh.
Vấn đề cần lưu ý thứ 2 là các dấu hiệu người bệnh cần vào bệnh viện. Các bác sĩ khuyến cáo tất cả bệnh nhân cúm A điều trị tại nhà phải được theo dõi tình trạng liên tục. Nếu bệnh nhân sốt cao không hạ, không thể ăn uống, hay xuất hiện triệu chứng khác như ho, khạc đờm rất nhiều hoặc bệnh nhân rối loạn ý thức, đau bụng, tiêu chảy hoặc triệu chứng khác như viêm cơ, có dấu hiệu thần kinh… cần nhập viện.
Để phòng bệnh cúm A,vị bác sĩ khuyên mọi người nên đeo khẩu trang, giữ khoảng cách với người xung quanh. Cùng với đó, nên vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối, ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng.
Đặc biệt, người dân nên tiêm vaccine cúm A 1 năm/lần, tiêm trước khi vào mùa đông xuân từ tháng 10 đến tháng 3 để phòng cúm A. Tiêm vaccine phòng cúm cho trẻ từ 6 tháng tuổi. Người lớn, trẻ lớn cần tiêm nhắc lại hàng năm để duy trì khả năng bảo vệ trước sự biến đổi của các chủng cúm.