Đau đầu là tình trạng phổ biến, xảy ra với hầu hết mọi người, ở mọi độ tuổi. Nếu đau đầu kéo dài và hay tái phát có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh lý nguy hiểm cần được chẩn đoán và điều trị sớm.
- Vì sao bạn nên uống một ít cà phê trước khi ngủ trưa?
- 7 dấu hiệu ở bàn tay cảnh báo cơ thể đang gặp các vấn đề liên quan tới tuyến giáp hoặc gan
Đau đầu là một tình trạng cực kỳ phổ biến. Theo Tổ Chức Y Tế Thế Giới, khoảng 50% người lớn có ít nhất một lần bị đau đầu trong năm. Mặc dù tỷ lệ cơn đau vùng đầu thay đổi theo từng vùng địa lý, nhưng nó vẫn luôn là một trong các vấn đề sức khỏe thường gặp nhất.
Có hai nhóm nguyên nhân chính gây đau đầu là nguyên phát và thứ phát.
Đau đầu nguyên phát
Đau đầu nguyên phát: chiếm 90% nguyên nhân gây đau. Đau đầu nguyên phát không do nguyên nhân thực thể, không do tổn thương cấu trúc não bộ. Nhóm đau đầu nguyên phát bao gồm nhiều loại, trong đó phổ biến nhất là:
- Đau nửa đầu Migraine
- Đau do căng cơ
- Đau từng cụm
Các loại đau đầu nguyên phát khác như: đau khi gắng sức, khi ngủ, đau nửa đầu liên tục…
Hoạt động hóa học trong não, các dây thần kinh hoặc mạch máu xung quanh hộp sọ hoặc các cơ ở vùng đầu cổ có thể đóng vai trò trong chứng đau đầu nguyên phát.
Một số cơn đau nguyên phát có thể được kích hoạt bởi các yếu tố lối sống, bao gồm:
- Uống nhiều rượu, bia, đồ uống chứa caffein
- Có sự thay đổi trong việc ăn uống, ngủ nghỉ
- Có chuyện đau buồn, lo lắng
- Căng thẳng liên quan đến gia đình và bạn bè, công việc hoặc trường học.
- Đứng, ngồi sai tư thế ảnh hưởng lên mắt, cổ hoặc lưng
- Ánh sáng mạnh, tiếng ồn hoặc thời tiết thay đổi.
Tình trạng đau đầu, đặc biệt là đau nửa đầu, chịu ảnh hưởng bởi yếu tố di truyền. Hầu hết trẻ em và thanh thiếu niên mắc chứng đau nửa đầu đều có các thành viên khác trong gia đình mắc bệnh. Khi cả cha và mẹ đều có tiền sử mắc chứng đau nửa đầu, thì 70% khả năng con của họ cũng sẽ mắc chứng bệnh này.
Đau đầu thứ phát
Đau đầu thứ phát là cơn đau do một bệnh lý cụ thể gây ra, bao gồm:
Đau do bệnh thần kinh như chấn thương sọ não, u não, bệnh màng não – mạch máu não, hội chứng tăng áp lực nội sọ…
Đau do bệnh toàn thân: say nóng, say nắng, nhiễm khuẩn toàn thân cấp tính, nhiễm độc…
Đau do bệnh nội khoa: bệnh tim mạch, bệnh tiêu hóa, bệnh nội tiết, thiếu máu…
Đau do các bệnh chuyên khoa khác: Bệnh về mắt, tai mũi họng, cơ xương khớp, nha khoa…
Cần lứu ý và đi khám nếu thấy đau đầu kèm các triệu chứng sau:
Nhức đầu kèm theo buồn nôn và nôn dữ dội
Một khi xuất hiện cơn đau đầu kèm theo buồn nôn và nôn cần phải hết sức lưu ý, đây thường là biểu hiện của tăng áp lực nội sọ, thường do u não, viêm màng não, xuất huyết não, xuất huyết dưới nhện gây ra.
Nhức đầu kèm chóng mặt
Nhiều người khi bị đau đầu có biểu hiện chóng mặt, trường hợp nhẹ hơn có thể do máu có độ nhớt cao khiến máu lưu thông chậm không cung cấp đủ máu lên não hoặc do động mạch đốt sống kiểu thoái hóa đốt sống cổ. Trong trường hợp nghiêm trọng, nó có thể được gây ra bởi các tổn thương hố sọ sau như khối u tiểu não và tổn thương thân não.
Nếu thay đổi tư thế nằm hoặc ngồi mà cơn đau đầu vẫn dữ dội thì rất có thể bạn có khối u ở não thất, hoặc tổn thương ở sau não.
Đau đầu và suy giảm thị lực
Nhiều người đau đầu sẽ cảm thấy suy giảm thị lực. Đây là những cơn đau đầu do tăng nhãn áp. Ở trong tình trạng này, người bệnh có hiện tượng nhìn thấy cầu vồng, tầm nhìn bị thu hẹp, luôn cảm thấy có màn đen chắn trước mắt. Nguyên nhân có thể là do cung cấp máu cho động mạch đốt sống không đủ, nếu tầm nhìn có những đốm đen lấm chấm, có thể là do chứng đau nửa đầu, tuy nhiên, nếu là đau đầu dai dẳng thì phải cảnh giác u não.
Nhức đầu kèm theo tê mặt, méo miệng và mắt
Tình trạng này là do rối loạn thần kinh, nguyên nhân có thể do u não, xuất huyết não, tụ máu dưới màng cứng…
Đau đầu kèm theo huyết áp cao, sắc mặt nhợt nhạt
Nếu tình trạng đau đầu xuất hiện với huyết áp cao, sắc mặt tái nhợt, thì cơn đau đầu do mạch máu dữ dội này là dấu hiệu sớm của đột quỵ.
Đau đầu tuy chỉ là một triệu chứng nhỏ, nhưng nguyên nhân đằng sau nó lại vô cùng phức tạp, nhất là những bệnh nhân đau đầu lâu ngày thì phải đến bệnh viện chuyên khoa để kiểm tra chi tiết, mới có thể làm rõ nguyên nhân trước khi điều trị.