Tình trạng gù lưng và cong vẹo cột sống ở tuổi dậy thì bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, trong đó phổ biến nhất là thói quen đeo cặp sách nặng và không đúng cách.
Khi chiếc cặp trở thành “gánh nặng” của teen
M.H (học sinh lớp 8, TP.HCM) chia sẻ, vì nhà bạn chỉ cách trường chưa đầy 2km, bạn thường tự đạp xe đi học để không làm phiền ba mẹ. Tuy nhiên, mọi chuyện chẳng có gì nếu không có chiếc cặp sách nặng trĩu trên vai. Bạn ước tính mỗi ngày phải mang khoảng 7-8kg sách vở đến trường.
“Có những hôm em học 2 buổi, với nhiều tiết học, phải mang theo cả chục quyển sách. Cặp sách nặng đến mức vai em lúc nào cũng mỏi nhừ và rã rời mỗi khi đến lớp”, M.H chia sẻ.
Là học sinh cuối cấp, bạn N.A (lớp 12, TP.HCM) cho biết mỗi ngày phải mang đủ loại tài liệu, từ sách giáo khoa đến sách bài tập, đồ dùng học tập, bình nước.
“Em đã cố gắng sắp xếp mọi thứ và tinh giản bớt đồ đạc nhưng cặp vẫn rất nặng khiến vai em bị hằn đỏ và mỏi lắm. Vì vậy, mỗi lúc đeo cặp em phải khòm người xuống để đỡ mỏi hơn”, N.A nói.
Thói quen khòm lưng đeo cặp đã được N.A duy trì suốt từ cấp 2 đến nay nên khiến lưng bạn luôn mỏi mệt và trông có vẻ gù khi đi đứng, thậm chí cả khi ngồi.
Không chỉ riêng M.H hay N.A, tình trạng mang cặp sách nặng đã trở thành nỗi “ám ảnh” của nhiều học sinh cấp 2 và cấp 3, chỉ đi từ cổng trường vào lớp thôi cũng đủ khiến nhiều bạn thấm mệt. Thậm chí, nhiều bạn còn cảm thấy mệt mỏi, mất hứng thú học tập và trở nên kém tự tin vì dáng lưng bị khom hoặc gù.
Các chuyên gia y tế cảnh báo rằng việc đeo cặp sách nặng không chỉ khiến vai đau, lưng mỏi mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cột sống, đặc biệt ở tuổi teen – giai đoạn xương đang phát triển mạnh mẽ.
Tác hại khôn lường của việc teen “cõng” cặp đi học
Nghiên cứu cho thấy, xương của bạn trai sẽ hoàn thiện vào năm 18 tuổi, còn bạn gái khoảng 16 tuổi. Nói đơn giản, trước độ tuổi này, xương vẫn còn “mềm yếu” lắm.
Nếu phải gánh trên vai một trọng lượng quá nặng mỗi ngày, rất dễ dẫn đến biến dạng hay chấn thương gồm: giảm khả năng thở do phổi bị áp lực tư thế cúi gập, đau lưng, co thắt cơ, gù, cong vẹo cột sống.
Theo Viện hàn lâm Nhi khoa Mỹ (AAP), trọng lượng cặp sách mà một học sinh tiểu học hay trung học cơ sở mang không nên vượt quá 10% trọng lượng cơ thể. Thực tế lại ít ai chú ý đến điều này, ngược lại, nhiều bạn chỉ cố gắng nhét đủ sách vở vào cặp rồi mang đi, mặc kệ lưng đau nhức hay dần dần bị gù đi mỗi ngày.
Làm sao để giảm tải "gánh nặng"?
Ngoài việc đeo ba lô nặng thì thói quen ngồi sai tư thế khi học bài, cúi gằm mặt dán mắt vào điện thoại hay ngồi lì trước máy tính cũng là "thủ phạm" khiến nhiều bạn rơi vào tình trạng gù lưng. Vậy làm thế nào để bảo vệ cột sống và giữ sức khỏe tốt? Dưới đây là vài mẹo nhỏ nhưng cực kỳ hữu ích:
- Sắp xếp cặp sách hợp lý: Chỉ mang theo những sách, vở thật sự cần thiết theo thời khóa biểu. Các bạn có thể hỏi thầy cô về việc để lại một số tài liệu tại lớp nếu có tủ đựng đồ.
- Chọn cặp sách phù hợp: Hãy chọn loại cặp nhẹ, có dây đeo bản to và lót đệm mềm để giảm áp lực lên vai. Khi đeo, luôn sử dụng cả hai dây để phân phối trọng lượng đều.
- Thay đổi cách học: Nhiều trường đã áp dụng sách điện tử hoặc giảm bớt số lượng tài liệu giấy. Bạn có thể thử áp dụng cách học này nếu có điều kiện.
- Luyện tập tư thế đúng: Ngồi học thẳng lưng, tránh khom người. Khi đi bộ hoặc đạp xe, hãy giữ thẳng cột sống.
- Tăng cường vận động: Các bài tập yoga hoặc thể dục nhẹ giúp cột sống linh hoạt, giảm nguy cơ gù lưng.
Tuổi teen là thời điểm “vàng” để bạn phát triển chiều cao và vóc dáng. Nếu cứ lặp lại những thói quen xấu như đeo cặp sách nặng hay ngồi sai tư thế sẽ để lại hậu quả lâu dài.
Ngay bây giờ, bạn hãy ngắm lại chiếc cặp của mình và tự hỏi: "Liệu mình có đang mang một gánh nặng không đáng có?" Chỉ cần vài thay đổi nhỏ, bạn sẽ bảo vệ được sức khỏe và dáng vóc đẹp cho tương lai.