Việt Nam là nước có tỉ lệ mắc căn bệnh này cao nhất khu vực với trên 15 triệu người nhưng trên 90% không biết mình mắc bệnh.
- 7 điều ít ai biết rõ về HPV, căn bệnh tình dục phổ biến nhất hiện nay
- BS Bệnh viện Việt Đức chỉ ra 6 dấu hiệu cảnh báo bạn đang có vấn đề về đường tiết niệu
Bên lề buổi sinh hoạt khoa học cập nhật điều trị viêm gan virus B và C vừa diễn ra, PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc TT Bệnh nhiệt đới, BV Bạch Mai cho biết, tỉ lệ nhiễm virus viêm gan tại Việt Nam cao nhất trong khu vực.
Trong đó có tới 10-15% dân số mắc viêm gan B (tương đương 15 triệu người) trong khi ở mức 8% đã được xem là cao và khoảng 1% dân số mắc viêm gan C, tương đương 1-2 triệu người.
Theo PGS Cường, trong vài năm qua, nhờ có chương trình chích ngừa vắc xin viêm gan B trong chương trình tiêm chủng mở rộng nên tỉ lệ nhiễm viêm gan B ở trẻ nhỏ có giảm nhưng xét tỉ lệ chung trong hơn 95 triệu dân thì vẫn rất cao. Mỗi năm, nước ta có thêm gần 30.000 ca mắc mới.
“Viêm gan B và C được ví là 2 sát thủ thầm lặng, triệu chứng vô cùng kín đáo nên 90% không biết mình mắc bệnh. Nhiều bệnh nhân khi phát hiện đã ở giai đoạn muộn, dẫn tới bị xơ gan, ung thư gan”, PGS Cường chia sẻ.
Dù là căn bệnh vô cùng phổ biến song nhận thức của người dân về viêm gan virus còn nhiều hạn chế.
Viêm gan không nguy hiểm
Rất nhiều người cho rằng viêm gan là bệnh nhẹ, không cần điều trị vẫn có thể sống tốt như người bình thường. Tuy nhiên PGS Cường nhấn mạnh, nếu không được điều trị, viêm gan B sẽ diễn tiến thành xơ gan, ung thư gan sau 3-5 năm hoặc 10-20 năm, tuỳ trường hợp.
Theo các số liệu thống kê, trên 80% bệnh nhân ung thư gan là do tiến triển từ viêm gan virus B, khoảng 5% bệnh nhân ung thư gan được xác định là do virus viêm gan C.
Đáng nói, cả viêm gan B và viêm gan C đều diễn tiến hết sức âm thầm, triệu chứng rất kín đáo. Ở giai đoạn cấp có thể chán ăn, mệt mỏi, vàng da, nước tiểu vàng, đau tức hạ sườn phải nhưng khi sang giai đoạn mãn tính, các dấu hiệu rất mơ hồ, dễ nhầm với các triệu chứng đường tiêu hoá nên dễ bị bỏ qua.
Thường khi bệnh bước vào giai đoạn nặng (xơ gan, ung thư gan) bệnh mới có những biểu hiện rõ ràng hơn.
Theo PGS Cường, tại Việt Nam, nguyên nhân hàng đầu nhiễm virus viêm gan là qua đường máu, từ mẹ sang con. Tỉ lệ nhiễm virus viêm gan qua đường tình dục cũng có nhưng thấp hơn.
Với virus viêm gan B, khả năng lây lan của HBV cao gấp 50- 100 lần virus HIV nếu không có biện pháp phòng ngừa. Dù vậy, HBV không nguy hiểm như HIV và hiện đã có vắc xin dự phòng. Tuy nhiên, viêm gan C vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh.
Để phát hiện virus viêm gan B và C, cách duy nhất là xét nghiệm máu.
Uống thuốc là khỏi
Đây cũng là hiểu nhầm phổ biến của người dân. Tại TT Bệnh nhiệt đới, BV Bạch Mai hiện đang điều trị cho gần 10 trường hợp mắc viêm gan B, viêm gan C, có trường hợp mặc phối hợp cả 2 loại virus.
Trong đó bệnh Mai Thị N., 65 tuổi ở Thanh Hoá đã phát hiện mắc viêm gan B từ năm 2011, được bác sĩ kê thuốc uống, men gan giảm, tải lượng virus giảm. Nghĩ đã ổn, từ tháng 2/2019, bà N. bỏ điều trị. Hậu quả, virus bùng phát trở lại khiến mắt vàng, bụng chướng, bà phải quay lại BV Bạch Mai nằm viện từ giữa tháng 6 đến nay.
PGS Cường cho biết, tại thời điểm vào viện, men gan của bệnh nhân lên tới trên 2.000 UI/l, trong khi mức này ở người bình thường là dưới 40 UI/L.
“Khi đã mắc viêm gan B mạn tính sẽ phải điều trị suốt đời. Bản chất viêm gan B là virus gắn chặt vào nhân tế bào gan, rất khó chữa khỏi hẳn, việc dùng thuốc chỉ ức chế virus, nếu ngưng thuốc, virus sẽ bùng phát trở lại”, PGS Cường thông tin.
Trong vài năm gần đây, đã có những thuốc kháng virus viêm gan B rất hiệu quả giúp virus không nhân lên, từ đó giúp gan không bị tổn thương thêm, ngăn ngừa hoặc làm chậm quá trình diễn tiến thành xơ gan, ung thư gan.
PGS Cường cho biết, trung bình mỗi đợt điều trị viêm gan B từ 3-6 tháng nhưng hiện hầu hết các thuốc điều trị viêm gan B đã được BHYT thanh toán, bệnh nhân có thể nhận thuốc ngay tại các tuyến y tế cơ sở với chi phí vài trăm ngàn đến vài triệu đồng/tháng.
Trong quá trình điều trị viêm gan B, cứ 6 tháng -1 năm, bệnh nhân cần đo tải lượng virus để đánh giá chức năng gan xem có bị ứ mật, xơ hoá. Nếu xơ hoá giai đoạn sớm, bác sĩ sẽ chỉ định thuốc để theo dõi.
Với viêm gan C, cách đây 10 năm từng có thuốc với chi phí điều trị đến vài trăm triệu nhưng hiện tại giá thuốc đã giảm liên tục, bao phủ được cả 6 type với chi phí chỉ còn 15-45 triệu đồng cho liệu trình 3 tháng. Tỉ lệ điều trị thành công sau 3 tháng lên tới 95%. Dù vậy, hiện tại mới có một số cơ sở y tế tuyến trung ương được BHYT chi trả 50% thuốc điều trị viêm gan C.
Viêm gan C có thể điều trị khỏi hẳn
PGS Cường cho biết, mỗi liệu trình điều trị viêm gan C khoảng 3 tháng. Nếu sau 3 tháng và 3 lần xét nghiệm liên tục kết luận bệnh nhân âm tính với virus viêm gan C thì được cho là khỏi hẳn.
Tuy nhiên viêm gan C hiện nay chưa có vắc xin chích ngừa nên ngay cả khi chữa khỏi rồi, người dân vẫn có nguy cơ nhiễm lại nếu như xăm trổ, tiêm chích không an toàn.
Ăn chung cũng lây bệnh
Thực tế vẫn rất nhiều người kỳ thị người nhiễm virus viêm gan B, cho rằng dễ lây khi dùng chung bát đũa, ăn chung, dùng chung khăn mặt...
Tuy nhiên PGS Cường khẳng định, viêm gan B chủ yếu lây qua đường máu (truyền máu, dùng chung kim tiêm), từ mẹ sang con.
Trong đó, trẻ sơ sinh có nguy cơ lây nhiễm khi sinh từ 10-90% nếu mẹ bị nhiễm viêm gan B. Đặc biệt trong trường hợp mẹ có xét nghiệm HBsAg+ và HBeAg+ thì 90% trẻ sinh ra sẽ bị nhiễm virus viêm gan B.
Tiêm 3 mũi vắc xin là đủ
Hiện tại, vắc xin ngừa viêm gan B đã có trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Trẻ cần được tiêm đầy đủ 3 mũi, trong đó mũi 2 cách mũi đầu 2 tháng và mũi 3 cách mũi đầu 3 tháng.
Tuy nhiên, theo thời gian, kháng thể trong cơ thể sẽ giảm, do đó cần đi làm xét nghiệm biết lượng kháng thể, khi xuống thấp cần tiêm nhắc lại, thường sau mỗi 5 năm.
Với trẻ nhỏ sinh ra từ người mẹ có virus viêm gan B thể hoạt động cần được tiêm huyết thanh trong vòng 24 giờ đầu tiên, đủ 3 mũi trong 6 tháng sau đó sẽ giúp giảm tới hơn 90% nguy cơ lây viêm gan B từ mẹ sang con.