Nổi mề đay, ngứa, rát nhiều nơi trên cơ thể là tình cảnh khốn khổ của nhiều người dân có làn da bị kích ứng cứ mỗi lần thời tiết nắng nóng, oi bức.
- 3 lưu ý để giữ gìn xương khớp khỏe mạnh tuổi trung niên
- Chuyên gia về tuổi thọ chỉ ra 2 thực phẩm rẻ tiền thực sự có tác dụng giúp bạn sống lâu, đừng chờ đến tuổi về hưu mới bổ sung
Vốn có làn da dễ bị dị ứng, nổi mẩn đỏ hoặc mề đay khi gặp thời tiết bất lợi như nắng nóng, chị Nguyễn Thị Linh Trang (32 tuổi, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) luôn khổ sở trong những ngày vừa qua. Có những thời điểm, chỉ sau một đêm từ vết nhỏ trên cánh tay sau đó đã lan khắp người, rát, nóng nơi bị nổi mề đay nên chị Trang thường bôi tạm những loại kem mua ngoài tiệm thuốc cầm cự.
“Tôi có đi bệnh viện vài lần để khám, uống thuốc thì tình trạng này cũng hết ngay sau vài ngày, nhưng cứ đến mùa nắng nóng là lại nổi lên”, chị Trang chia sẻ.
Anh Đặng Ngọc Tuấn (35 tuổi, ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng trong tình trạng tương tự. Mỗi khi thời tiết oi bức, anh lại bị phát ban toàn thân, lưng đầy mụn nước, ngứa ngáy khó chịu.
Anh Tuấn làm nghề giao hàng nên thường xuyên phải đi làm dưới thời tiết nắng nóng. Việc tiếp xúc trực tiếp với khói bụi, ánh nắng khiến cơ thể anh luôn trong tình trạng ướt đẫm, bết dính mồ hôi.
“Mỗi khi đưa hàng về lưng tôi đều đỏ rát, mọc đầy mụn nước, ngứa đến phát điên”, người đàn ông chia sẻ.
Không chỉ anh Tuấn mà con trai nhỏ của anh cũng gặp tình trạng tương tự, cứ mỗi mùa hè đến bé lại nổi mụn sần ở lưng và bẹn. Trẻ con không thể chịu được, bé thường quấy khóc, cào cấu khiến nốt mụn bị vỡ và lan ra nhiều vùng khác.
Dù gia đình dùng nhiều loại lá để tắm, bôi kem dưỡng ẩm nhưng cũng chỉ là giải pháp tạm thời. Cứ đến mùa hè, căn bệnh về da này lại tái phát khiến cả nhà khổ sở.
Nhiều người gặp phải tình trạng mẩn ngứa do nắng nóng. (Ảnh minh họa)
BSCKII Nguyễn Tiến Thành, thành viên Hội da liễu Việt Nam cho biết, thời tiết nắng nóng, tia UV hoạt động mạnh khiến nhiều người gặp bệnh về da.
“Thời gian gần đây, số người mắc bệnh da liên quan thời tiết nắng nóng đến thăm khám duy trì ở mức cao”, bác sĩ Thành nói và cho biết các bệnh thường gặp là mề đay, phát ban, mụn nhọt, một số người bị nấm, ghẻ, viêm da nhiễm trùng, viêm da tiết bã.
Theo bác sĩ Thành, thời tiết nắng nóng khiến các tế bào hô hấp nhiều hơn mức bình thường, da sẽ tăng cường điều tiết và sản xuất ra nhiều mồ hôi hơn. Khi chúng ta tiếp xúc với môi trường, khói bụi bám vào da sẽ gây hiện tượng mẩn ngứa và bệnh viêm da.
Ngoài ra, yếu tố như cơ địa dị ứng, không uống đủ nước, chế độ ăn thiếu vitamin, môi trường không sạch sẽ cũng làm cho da dễ bị kích ứng và có tình trạng nổi mẩn ngứa như trong trường hợp mày đay, viêm da cơ địa…
Triệu chứng thường gặp khi nổi mẩn ngứa là phát ban, sưng rộp, tấy đỏ. Những khu vực dễ bị phát ban là vùng không có quần áo che phủ như vùng mặt, tay, chân…
Khi nổi mẩn ngứa, người bệnh thường có phản xạ cào gãi, chà xát, khiến các nốt phát ban càng lan rộng và sưng tấy. Việc cào gãi mạnh tạo các vết thương hở là điều kiện cho vi khuẩn, nấm xâm nhập gây ra tình trạng viêm nhiễm rất nguy hiểm.
Thời tiết nắng nóng, tia UV hoạt động mạnh khiến nhiều người gặp bệnh về da (Ảnh minh họa)
Để phòng tránh các bệnh lý về da dưới thời tiết nắng nóng bác sĩ Thành khuyến cáo:
- Mùa hè cần hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp với nắng nóng, hạn chế ra nắng vào khung giờ cao điểm từ 10 - 14h.
- Sử dụng các vật dụng tránh nắng như ô, mũ, quần áo, kính mát, kem chống nắng…
- Cần vệ sinh sạch sẽ môi trường sống, tránh khói bụi, hóa chất độc hại.
- Mặc quần áo thoáng mát, chất liệu cotton, thấm hút mồ hôi
- Giảm tăng tiết mồ hôi bằng việc sử dụng quạt, thiết bị làm mát không khí.
- Nên dùng sữa tắm trung tính, kháng khuẩn, nếu ngứa có thể chườm mát để giảm ngứa. Nếu tổn thương da lan tỏa toàn thân, nên tắm nước mát để giảm nhanh triệu chứng.
- Duy trì bôi dưỡng ẩm 2-3 lần hàng ngày giúp dịu da, cấp ẩm, phục hồi hàng rào bảo vệ da.
- Uống nhiều nước, tăng cường các loại thực phẩm thanh nhiệt như rau, hoa quả, nước ép trái cây…Hạn chế thực phẩm cay, nóng, các kích thích.
Trường hợp ngứa nhiều và mẩn đỏ lan rộng, dày đặc cần chủ động thăm khám để được chẩn đoán bệnh và can thiệp các phương pháp điều trị phù hợp.
Tuyệt đối không tự ý tắm nước lá cây, nước muối hoặc dùng thuốc vì có thể làm cho tổn thương bị nặng lên hoặc có thể chuyển sang thể lâm sàng khác như chàm hóa, viêm da tiếp xúc…khiến cho việc điều trị sau này trở nên khó khăn.