Điều mà người hâm mộ chân chính cần làm là yêu nghệ sĩ bằng trái tim nóng, nhưng giữ cái đầu lạnh để phân tích phải trái, dũng cảm đối mặt với sai lầm của thần tượng.
- Nghệ sĩ Việt bồi hồi nhớ lại kỷ niệm đặc biệt vào dịp Giáng sinh
- Mỹ Linh mừng con trai tốt nghiệp ngành Y tại Úc, thuộc 2% thí sinh điểm số cao
Thời gian gần đây, scandal của nam ca sĩ trẻ với phát ngôn lệch chuẩn: “Mẹ đã thấy đúng khi cho con nghỉ học chưa?” vẫn chưa kịp nguội thì anh chàng tiếp tục trở thành tâm điểm chỉ trích của dư luận khi bị "đào" lại loạt phát ngôn dung tục trong quá khứ. Vậy mà chẳng bấy lâu sau, tại sự kiện âm nhạc mới nhất, cái tên ấy lại được khán giả hô vang để trở lại sân khấu.
Không thể phủ nhận rằng chàng trai này đã trở thành thần tượng của nhiều khán giả trẻ Việt nhờ ngoại hình nổi bật, khả năng biểu diễn cuốn hút và âm nhạc hấp dẫn. Thế nhưng, việc yêu thích tác phẩm, say mê một bản nhạc của ai đó là một chuyện, say mê luôn cả người sáng tác ra những bản nhạc ấy thì lại là một chuyện khác mà ta phải cân nhắc kỹ lưỡng.
Không chỉ trong thời điểm hiện tại, mà từ lâu giới trẻ đã có xu hướng “cuồng” thần tượng như một cách thể hiện đam mê và tìm kiếm trò giải trí. Tuy nhiên, văn hóa này đang dần trở nên độc hại khi nhiều người thường bỏ qua những sai lầm của nghệ sĩ, bảo vệ thần tượng một cách mù quáng.
Nhiều bạn trẻ, do thiếu kinh nghiệm sống và có tâm lý phóng đại, dễ dàng “thần thánh hóa” và “tuyệt đối hóa” thần tượng của mình. Họ thường tạo ra hình ảnh hoàn hảo, không có khuyết điểm về người nổi tiếng trong suy nghĩ của mình. Từ đó tự tạo ra những lý lẽ bào chữa cho các hành vi sai trái, nhằm duy trì hình ảnh không tì vết trong lòng mình. Trước khi thuyết phục người khác, họ đã tự thuyết phục chính mình.
Việc hâm mộ thần tượng trong giới trẻ không sai nếu sự hâm mộ này có ý nghĩa, giúp các bạn trẻ có thêm “nguồn năng lượng” tích cực để phát triển bản thân. Đã xưa rồi câu nói “nghe nhạc không nghe đời tư" và hiện nay câu nói ấy cũng không còn hoàn toàn phù hợp nữa. Bởi những hành vi không đúng mực hay những tư tưởng, đạo đức lệch lạc của người nổi tiếng có thể tác động tiêu cực đến nhiều người đặc biệt là thế hệ trẻ, vì họ là hình ảnh đại diện trước công chúng.
Chính vì vậy, bản thân giới trẻ cần trang bị một “chiếc áo giáp" tinh thần để trở nên tỉnh táo hơn và tránh thần tượng một cách mù quáng. Biết rằng bản thân có thể thần tượng, yêu mến một ai đó nhưng không thể bao che hay mù quáng trước những sai lầm của họ.
Một điều chắc chắn rằng những thần tượng, nghệ sĩ chân chính luôn "bán" cho công chúng những sản phẩm lao động nghệ thuật hàm chứa đầy giá trị nhân văn, và vì thế họ sẽ sống mãi cùng những tác phẩm trong ký ức của cộng đồng. Còn những nghệ sĩ với hành vi không chuẩn mực, "buôn bán" thị phi thì sớm muộn cũng sẽ bị pháp luật xử lý và công chúng quay lưng.
Nhiều người chuộng “văn hóa tẩy chay” tại Hàn Quốc hay ở Trung Quốc vì nó vô cùng mạnh mẽ, chẳng cần một biên bản công văn nào, khán giả quay lưng – sự nghiệp lập tức chấm dứt. Ăn mặc hở hang, phát ngôn sai, làm những hành động ảnh hưởng đến hình ảnh và tự tôn dân tộc của họ thì mãi mãi không có cửa quay vào nghề. Thế nhưng, không có nghĩa văn hóa thần tượng ở Việt Nam là dễ dãi mà chỉ có những người tiếp nhận văn hóa đó một cách dễ dãi. Vậy nên, người hâm mộ dù có ở lứa tuổi nào cũng cần có chính kiến, sự lý trí và hiểu biết để có thái độ và cách ứng xử phù hợp.
Để giúp cho giới trẻ có những nhận thức đúng đắn về các vấn đề xã hội khác nhau nói chung cũng như văn hóa thần tượng nói riêng, trong công tác giáo dục của gia đình, nhà trường và xã hội nên giáo dục nhận thức cho giới trẻ một cách đúng đắn về vấn đề thần tượng. Thần tượng cũng chính là những người bình thường như chúng ta, chỉ có điều công việc của họ khác với chúng ta, họ làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật, giải trí, vì vậy hình ảnh của họ luôn cần chỉn chu hơn để thể hiện sự tôn trọng khán giả, để đáp ứng nhu cầu thưởng thức và giải trí của khán giả.
Điều mà người hâm mộ chân chính cần làm là yêu nghệ sĩ bằng trái tim nóng, nhưng giữ cái đầu lạnh để phân tích phải trái, dũng cảm đối mặt với sai lầm của thần tượng. Một người hâm mộ tỉnh táo không chỉ tự mình phát triển mà còn lan tỏa ảnh hưởng tích cực đến cộng đồng người hâm mộ xung quanh, góp phần làm cho văn hóa thần tượng ngày càng trở nên văn minh và ý thức hơn.