Gió Thổi Bán Hạ của Triệu Lệ Dĩnh gây ấn tượng khi đề cao tính nữ quyền khi mà người ta thường mặc định thương trường chỉ thuộc về nam giới.
- Gió Thổi Bán Hạ: Bạn diễn tiết lộ Triệu Lệ Dĩnh bị mất một thứ sau phân cảnh đánh nhau
- Gió Thổi Bán Hạ: Chỉ một cảnh khóc, Triệu Lệ Dĩnh được netizen hết lời khen ngợi chân thật, chạm đến trái tim khán giả
Sau nhiều năm theo đuổi sự nghiệp diễn xuất, cái tên Triệu Lệ Dĩnh được xem là bảo chứng cho nhiều tác phẩm mà cô tham gia. Sự góp mặt của cô phần nào khiến khán giả yên tâm về khả năng diễn xuất. Gió Thổi Bán Hạ cũng không ngoại lệ. Tính đến hiện tại, bộ phim đã nhận được những phản hồi tốt về nội dung lẫn diễn xuất của dàn sao.
Trong đó, Triệu Lệ Dĩnh được xem là "linh hồn" của tác phẩm khi cô có những phân cảnh gây xúc động. Đặc biệt những cảnh cô bị đánh ghen hay cam chịu vì bị người chồng vũ phu bạo hành dã man đều được thể hiện khá tốt.
Được biết, bộ phim lấy bối cảnh thập niên 90, đề cao sự phấn đấu và tài năng của phụ nữ trong ngành kinh tế quan trọng. Nữ chính Hứa Bán Hạ (Triệu Lệ Dĩnh) vừa sinh ra thì mẹ cô đã mất vì khó sinh. Vì vậy, cha cô hận con gái, luôn đối xử khắc nghiệt với Hứa Bán Hạ. Sau đó, cô nỗ lực vươn lên và tạo nên thành công ở ngành công nghiệp thép. Bộ phim gây ấn tượng khi đề cao tính nữ quyền khi mà người ta thường mặc định thương trường chỉ thuộc về nam giới.
Có thể thấy, ngay từ đầu phim đến hiện tại, chưa từng 1 lần thấy Hứa Bán Hạ khóc than cho bản thân, khóc than cho thân phận phụ nữ gặp khó khăn chốn thương trường. Đồng thời, Hứa Bán Hạ cũng không phải kiểu nhân vật quyết tâm kiếm tiền do hoàn cảnh gia đình thuở bé, do bị chồng phản bội. Từ đầu tới cuối, Hứa Bán Hạ đều cho khán giả thấy là cô muốn kiếm tiền, cô muốn gây dựng sự nghiệp, đó là dã tâm của cô, không phải vì bất cứ điều gì.
Về tuyến tình cảm, Hứa Bán Hạ có mối tình với Triệu Lũy. Ở hai người có sự đồng cảm về khó khăn khi lập nghiệp, cũng như thông cảm cho những gì đối phương phải trải qua. Hứa Bán Hạ cảm phục Triệu Lũy vì tầm nhìn xa trông rộng, còn Triệu Lũy yêu cái cách Hứa Tổng một mình làm nên nghiệp lớn và không biết sợ là gì.
Như 1 lẽ tất yếu, cả hai rơi vào vòng tay của nhau và có một cảnh giường chiếu 'trong sáng'. Tuy vậy, khán giả xem phim không khỏi cảm thấy thú vị với câu nói của nhân vật Hứa Bán Hạ ‘em sẽ chịu trách nhiệm với anh’. Bình thường khi nam nữ xảy ra chuyện nhạy cảm, đàn ông sẽ thường nói câu 'chịu trách nhiệm', nhưng giờ nó lại tới từ một người phụ nữ, tạo nên màu sắc thú vị cho một bộ phim mạnh về tính nữ.
Một điều tuyệt vời khác của Gió Thổi Bán Hạ là xây dựng các nhân vật nữ không có ai là hoàn hảo, ai cũng có khuyết điểm và ưu điểm riêng. Không xây dựng một nữ phụ xấu xa để đề cao nữ chính, không xây dựng một nữ phụ có hoàn cảnh thê thảm để nữ chính vươn tay giúp đỡ.
Điều mà bộ phim thể hiện rõ nhất có lẽ là để những nhân vật nữ trong phim tự quyết định lấy tương lai của mình. Và có lẽ, điều giúp đỡ duy nhất chỉ là 1 câu ủng hộ từ người khác. Hứa Bán Hạ ly hôn, tái hôn. Có thể tự nhiên khuyên bạn trai nghỉ việc trở về với mình, yêu cầu công chứng tài sản trước hôn nhân. Vợ của Phùng Ngộ mạnh mẽ chèo chống công việc làm ăn của gia đình suốt bao năm, nhưng vẫn yếu đuối rơi nước mắt muốn ly hôn vì trái tim đã tan nát, đã quá mệt mỏi và quá thất vọng. Khi đó Hứa Bán Hạ đã nói em không ngăn cản quyết định của chị. Đây tựa như câu nói mà những người phụ nữ khi quyết định ly hôn muốn được nghe nhất, chứ không phải là ngăn cản hay ra sức khuyên bảo.
Nhân vật Mèo Hoang có thể vì tình yêu mà bỏ nhà đi chở cát cùng Đồng Kiêu Kỵ suốt mấy tháng trời. Nhưng khi nhận được giấy nhập học, cô vẫn không kiềm được khát vọng muốn đi du học của bản thân. Hứa Bán Hạ biết rằng nếu Mèo Hoang đi du học thì sẽ phải yêu xa với cậu em Đồng Kiêu Kỵ, nhưng Hứa Bán Hạ vẫn nói với Mèo Hoang "Đương nhiên là phải đi du học rồi" khi Mèo Hoang đang hoang mang lo lắng.
Thậm chí, mẹ kế của Hứa Bán Hạ dù luôn tính toán cho gia đình nhỏ của bà, nhưng khi Hứa Bán Hạ đến nhà lúc Tiểu Trần mới mất, bà đã chủ động rời đi để lại không gian cho Bán Hạ cùng bố nói chuyện. Có lẽ đó là tình cảm chỉ những người phụ nữ mới thấu hiểu nhau. Tùy bà và Bán Hạ không ưa thích gì nhau, nhưng giây phút đó bà có thể hiểu được Bán Hạ rất muốn có giây phút nói chuyện riêng tư với bố dù cô không mở lời, bà cũng thấu hiểu và tự động tránh ra.
Có thể thấy bộ phim Gió Thổi Bán Hạ đã nói về nữ quyền thông qua những chi tiết nhỏ nhặt tưởng như bình thường, nhưng khi ngẫm lại càng nghĩ càng thấy nể phục. Đó cũng không phải là câu chuyện suốt ngày hô hào phụ nữ giúp đỡ phụ nữ hay than khóc phụ nữ bị kỳ thị. Một bộ phim chỉ cần xây dựng nữ chính có tư duy, có dã tâm, có dục vọng, có nhu cầu tình cảm như bao người khác, chứ không phải là công cụ để hiến tế cho đề tài nữ quyền.