Theo số liệu thống kê của Tòa án nhân dân tối cao từ ngày 1/7/2008 đến ngày 31/7/ 2018, tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 1.422.067 vụ án ly hôn. Trong đó tỷ lệ ly hôn ở giới trẻ - còn gọi là ly hôn xanh - là rất đáng báo động.
- Hãy lau nước mắt và đừng trách móc, phụ nữ sẽ xinh đẹp, rạng ngời sau ly hôn
- Thư mẹ gửi con gái ly hôn: Buông bỏ không bao giờ là chuyện đáng xấu hổ
Chị Mai Hà là giáo viên. Nhà chị có hai đứa con cả trai lẫn gái đều đã ly hôn. Chị hiện tại vất vả chật vật nuôi ba đứa cháu, hai cháu nội và một cháu ngoại. Anh không có lương hưu, chỉ mình chị có lương tiểu học, hai vợ chồng già nai lưng ra đi làm thuê kiếm thêm thu nhập nuôi cháu.
Đó cũng là hoàn cảnh anh bạn thân của tôi. Anh chị có độc nhất một cô con gái nên rất cưng chiều. Anh hay vui miệng nói với con: sau này lấy chồng, đứa nào đối xử không tốt với con thì cứ về đây ở với bố mẹ. Cũng vẫn biết là câu nói vui thôi, nhưng nhiều lần nó thành lối mòn và nếp nghĩ. Sau này lớn lên chỉ cần một chút khó khăn là con gái lại vác vali về. Anh chị quanh năm cứ phải lo hòa giải, phân xử. Vậy mà cuối cùng vợ chồng cô con gái vẫn ly dị.
Ly hôn ở người trẻ tuổi có thể do kinh tế khó khăn, do mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu; do không chịu nổi áp lực phải gánh vác một gia đình mà trước đây được cha mẹ nuông chiều, bảo bọc họ không hình dung ra; do sự dễ dãi trong tình cảm dẫn đến ngoại tình; do bạo hành; do thiếu kỹ năng sống, không biết cách xử lý, giải quyết vấn đề…
Nhưng nguyên nhân thường được người trong cuộc nêu ra nhất là “không hợp nhau”, mặc dù trước đó họ đã được tự do tìm hiểu, thậm chí sống thử với nhau không như ngày trước cưới nhau qua mai mối.
Sự không hợp về tính cách bất cứ cặp vợ chồng nào cũng có. Hai người khác giới, khác môi trường sống, khác nền tảng văn hóa, truyền thống gia đình về chung sống với nhau thì hỏi hợp hoặc hiểu nhau hết thế nào được. Muốn hòa hợp phải cần sự bao dung, vị tha, nhẫn nại và có trách nhiệm trước sự lựa chọn của mình và cũng cần có thời gian để hiểu nhau, để thay đổi dần, mới mong “khớp” nhau.
Người trẻ ngày nay giỏi giang năng động hơn nhiều so với thế hệ trước, nhưng đa số họ có xu hướng sống ích kỷ và kém kiên trì nhẫn nại trong hôn nhân. Sự vội vàng, hấp tấp khiến cho vợ chồng cứ "hơi một tí" là lôi nhau ra tòa. Đường ai nấy đi.
Sau ly hôn, mỗi người tiếp tục đi tìm tình yêu mới, lấy vợ lấy chồng mới. Vì nhiều lý do, có thể người mới không chấp nhận, khó dễ với con riêng của đối phương; có thể do đứa bé không thích ở với bố dượng/mẹ kế; có thể do mối lo toan với gia đình mới khiến họ lơ là trách nhiệm và tình thương với những đứa con của cuộc hôn nhân trước… hoặc nhiều lý do khác. Thế là trách nhiệm nuôi dạy cháu dồn cả lên vai bố mẹ già.
Nhận thức được ly hôn dẫn đến nhiều hệ lụy nhất là sự bất hạnh mà con trẻ và cha mẹ già phải gánh chịu là khôn lường, các cặp vợ chồng trẻ trước khi đưa nhau ra tòa nên cân nhắc kỹ lưỡng đừng nên hấp tấp vội vàng.
Hôn nhân là câu chuyện cần sự góp mặt của rất nhiều thứ. Ngoài tình yêu, nó còn là sự thể hiện trách nhiệm của một người trước bản thân mình, trước người bạn đời, trước cha mẹ, họ hàng thân tộc hai bên và trước những người xung quanh. Hôn nhân là câu chuyện của sự dẹp bỏ cái tôi của mỗi người, bao dung và chấp nhận sự khác biệt của người khác, của sự thay đổi bản thân mình để chung sống.
Nhân đây cũng xin nói qua một chút về vai trò của người phụ nữ, người vợ, người mẹ trước tình trạng ly hôn của giới trẻ.
Các bạn gái ngày nay ngoài sự thiếu kỹ năng sống còn bị tác động rất nhiều bởi môi trường bên ngoài: Đó là những thông tin lan tràn kiểu như cô hotgirl A, B đơn thân nuôi con một mình không cần đàn ông. Hotboy C, D có cuộc sống vô cùng vui vẻ sau khi ly hôn. Sự cổ xúy của xã hội về một cuộc sống “độc lập, tự do”, thậm chí ngay trong gia đình, cha mẹ vì cưng chiều con một cách mù quáng nên thường phán: “Sướng thì sống, khổ quá thì ly hôn, cháu tao, tao nuôi...”
Lấy chồng. Có lẽ việc đầu tiên mà các cô gái trẻ nên học và chuẩn bị là tính nhẫn nại và cố gắng hết sức, tự mình biết điều chỉnh, bỏ cái tôi, sống có trách nhiệm. Cần học cách bình tĩnh, khéo léo giải quyết các vấn đề xung đột. Điều quan trọng nhất là phải biết nghĩ về con cái, tôn trọng những giá trị truyền thống của gia đình.
Vẫn biết phụ nữ ngày nay cũng cần được tôn trọng và đối xử công bằng, chẳng tội gì “cố đấm ăn xôi”. Thế nhưng, hạnh phúc của một người đàn bà đôi khi chính là biết quên mình, chịu thiệt một chút vì mái ấm gia đình và nhất là con cái.
Thực tế cho thấy, một gia đình hạnh phúc bền lâu, con cái trưởng thành, công lớn nhất vẫn là ở phía người phụ nữ biết cương nhu và nhẫn nhịn đúng lúc.
“Lệch kê méo nắn”, câu nói của người xưa xét kỹ vẫn còn có giá trị.