Minh Nhí lo sợ sân khấu rồi cũng sẽ lụi tàn như cải lương khi game show đang nở rộ. Dù biết phiêu lưu nhưng anh cũng quyết tâm mở sân khấu kịch để "làm gì đó cho ngành của mình".
Sau sự cố cấm diễn năm 2005, Minh Nhí từ một ngôi sao đang ăn khách với cát-xê một ngày vài chỉ vàng, bỗng chốc sự nghiệp tụt dốc. Những ngày tăm tối cuộc đời, anh không dám bước chân ra đường, lủi thủi quanh nhà.
Một ngày, người bạn chở anh ra đường, Minh Nhí ăn vận như một ninja vì sợ người ta phát hiện. Xe dừng ở ngã tư chờ đèn đỏ, nam diễn viên gạo cội cất tiếng nói, người bên cạnh nghe thấy liền hô to: “Minh Nhí kìa”. Người đi cùng liếc anh và bảo: “Kệ nó chứ, sang nước ngoài rồi không thèm về Việt Nam, giờ bị cấm diễn, đáng đời lắm”.
Minh Nhí quặn thắt lòng nhưng không thể giải thích hay đính chính được. Anh bảo đau lòng nhất là khi anh gặp nạn, đồng nghiệp hả hê, có người còn muốn “đạp thêm cái nữa cho khỏi ngóc đầu dậy”. Nhưng cú ngã đau đớn ấy đổi lại cho Minh Nhí bài học đắt giá. Anh nhận ra trước đây mình phải sống tệ thế nào thì khi vấp té, người ta mới ghét đến như vậy.
“Tính tôi vốn ào ào, đanh đá và thẳng thắn, khó ưa lắm. Giờ tôi bỏ bớt rồi. Ở tuổi chờ ngày lên bàn thờ, tôi nhìn sự việc, con người theo cách giản đơn, mọi thứ chỉ ở mức tương đối và vấn đề bao giờ cũng có 2 mặt của nó”, anh trầm ngâm.
Tôi sợ sân khấu kịch sẽ lụn bại như cải lương
- Trong khi game show, hài truyền hình bùng nổ, sân khấu kịch ngày lụi tàn thì Minh Nhí lại lao vào kinh doanh sân khấu. Vì sao anh lại mạo hiểm như vậy?
- Từ lúc mới vào nghề, tôi đã khát khao có được sân khấu của riêng mình. Trước đây, tôi và anh Quốc Thảo mở sân khấu kịch ở Trần Cao Vân nhưng gặp nhiều trục trặc nên không tồn tại lâu. Gần đây, có người bạn chung chí hướng nên chúng tôi bắt tay nhau làm.
Ban đầu, tôi cũng không định đầu tư nhiều, nhưng sau khi làm lại muốn mọi thứ được chỉn chu, bài bản nên mở rộng mô hình thành sân khấu kịch. Chúng tôi đã trình diễn 3 vở kịch, đang chuẩn bị vở kịch tiếp theo, có phúc khảo và xin giấy phép một cách đàng hoàng.
Tôi thừa biết game show đang phát triển mạnh, khán giả cũng lười bỏ tiền đến sân khấu kịch xem vì chỉ cần ngồi nhà cũng đã gặp các ngôi sao ăn khách. Nhưng nếu ai cũng cho rằng việc làm của tôi mạo hiểm thì sân khấu sẽ ngày lụn bại và lụi tàn giống bộ môn cải lương trước đây. Tôi không nỡ nhìn sân khấu đi vào con đường chết, nên mình làm được gì cứ làm thôi.
- Vậy anh sẽ làm gì để sân khấu thu hút người xem trong thời kỳ khó khăn?
- Sân khấu của tôi có sức chứa 150 người, không nguy nga hay tráng lệ như những nơi khác nhưng tôi đầu tư kỹ lưỡng từng vở kịch. Tôi không quá cứng nhắc nhưng cũng không chạy theo hài nhảm mà phải kết hợp tính giải trí và nghệ thuật. Tôi cũng thừa nhận việc mở sân khấu trong tình hình hiện tại khá phiêu lưu, nhưng tôi không đành lòng nhìn nó bị quên lãng.
Sân khấu hiện có tôi, Trung Dân, Thanh Thủy, Lê Giang, Hòa Hiệp, Bá Thắng. Hiện nay các em trẻ như Huỳnh Tiến Khoa, Dương Thanh Vàng, nhóm X-Pro, vợ chồng Linh Tý, Hoàng Mèo cũng có ý định gia nhập. Tôi sẵn sàng đón nhận tất cả và chia lịch diễn đều đặn để mọi người không tị nạnh.
Ngày xưa, khi còn ở Idecaf, nghệ sĩ tập luyện cả tháng trời mới công diễn. Mấy anh em phối hợp rất ăn ý, tôi ở trên tập, anh Thành Lộc, Hữu Châu ngồi dưới quan sát và góp ý tôi phải đưa mảng miếng này vào sẽ hấp dẫn hơn. Chúng tôi không giấu nghề nên trong một vở diễn, dù đông nghệ sĩ nhưng ai cũng có đất diễn, không bị lép vế.
Ngày nay nghệ sĩ vào tập ai cũng cầm điện thoại trên tay, đến lượt mình xong về, không cần quan sát ai. Tôi thường yêu cầu mọi người sau giờ tập hãy mở điện thoại. Nhiều em ra ngoài than phiền với tôi vì Trung Dân, Thanh Thủy mắng té tát. Nhưng sự khắt khe của những người đi trước mới giúp các em vững tay nghề, không dễ dãi với bản thân.
- Sau vài tháng hoạt động, tình hình sân khấu của anh ra sao?
- Ngày xưa tôi chỉ lo về chuyên môn khi ở sân khấu kịch Hồng Vân, nhưng giờ làm chủ mọi thứ phải tự lo. Đêm về cũng không tròn giấc vì phải tính toán, chu toàn mọi thứ. Tôi đòi hỏi anh em nghệ sĩ phải làm hết mình thì ngược lại, cũng phải tạo điều kiện để họ thoải mái sáng tạo, yên tâm cộng tác với mình. Vấn đề kinh doanh lời lỗ ra sao tôi phải tự chịu trách nhiệm, nhưng việc trả cát-xê cho đồng nghiệp phải sòng phẳng.
Tất nhiên, cũng có những đêm vé bán ra trên 100, đôi khi lại dưới 50. Nhưng dù có lỗ vốn tôi vẫn không để anh em chịu thiệt. Tôi không dám nói mình sẽ cầm cự được lâu dài nhưng cố gắng đến đâu, tôi sẽ làm đến đó.
Ai cũng bảo thay vì đầu tư sân khấu 1 tỷ thì đem gửi vào ngân hàng, mỗi tháng lấy lãi đi du lịch. Nhưng làm thế thì cuộc đời còn gì thú vị nữa. Ngày trước, tôi có muốn xin vai diễn cho học trò cũng không được, nói bầu show nhưng người ta chỉ ậm ừ. Giờ mình có sân khấu nên tạo điều kiện cho bọn trẻ, không còn cảm giác bất lực như trước.
Nếu như nói việc tôi mở sân khấu nhằm đánh bóng tên tuổi thì rất dại dột, và càng dại dột hơn khi cạnh tranh với các nơi khác. Tôi đã lỡ ngồi trên lưng cọp rồi chỉ cố gắng làm sao nó đừng quật mình xuống đất.
Cấp quản lý nên siết chặt chất lượng của game show
- Nhiều người bảo mối quan hệ của Minh Nhí và NSND Hồng Vân bất hòa nên anh mới mở sân khấu riêng. Thực hư việc này thế nào?
- Trước tôi với anh Quốc Thảo cùng hợp tác với người bạn làm sân khấu này. Sau này anh ấy bận nên rút, chỉ còn tên Minh Nhí và người ta bảo anh em cạch mặt nhau.
Nhưng họ vẫn thấy anh ấy làm đạo diễn cho sân khấu. Giờ đến lượt nói tôi và Hồng Vân có mâu thuẫn nên tôi ra làm riêng, có quá nhiều thị phi vây quanh nên tôi mặc kệ, không quan tâm nữa.
Tình cảm tôi dành cho Hồng Vân vẫn không thay đổi, Vân đối với tôi cũng không khác đi.
- Khán giả đang phàn nàn về việc hài nhảm xuất hiện tràn lan trên truyền hình. Là người có kinh nghiệm diễn xuất, lại phụ trách giảng dạy thì Minh Nhí nghĩ sao về điều này?
- Tôi không đồng tình khi mọi người vơ đũa cả nắm vì bất kỳ vấn đề nào cũng có 2 mặt của nó. Mặt tốt của game show là tạo sân chơi cho các bạn trẻ, giúp họ tiếp cận khán giả đại chúng, không mất nhiều thời gian như thế hệ trước và khán giả có dịp giải trí.
Nhiều chương trình tôi không tham gia nhưng có thời gian tôi vẫn xem hết như Sao nối ngôi, Đờn ca tài tử, Đường đến ngôi sao vọng cổ… rất hay và ý nghĩa. Khán giả có nhiều lựa chọn, game show nào dở hay nhảm nhí thì không xem.
Giá như có sự can thiệp của cơ quan chức năng, chọn lọc hay loại bỏ game show xàm xí sẽ tốt biết mấy. Nghệ sĩ trẻ bây giờ sống ảo lắm, học được vài ba tháng rồi đi thi game show, giành được ngôi á quân, quán quân, được nhiều bầu show mời nên nghỉ học vì nghĩ mình đã nổi tiếng, có đủ khả năng để làm nghề rồi. Nhưng đến khi vào những vai những dạng gai góc thì không làm được.
Lớp nghệ sĩ như Thành Lộc, Thanh Thủy, Trung Dân, Hồng Vân, Hữu Châu hay tôi dù bây giờ tên tuổi không còn hot nữa, nhưng đóng vai nào ra vai đó vì đã xây dựng nền móng vững chãi.
Dù nghệ sĩ có tài giỏi thế nào đi chăng nữa, khi đứng trên sân khấu thì cũng có lúc mắc sai lầm. Nhưng chúng ta phải biết cách khắc phục hay xin lỗi khán giả và tuyệt đối không lặp lại sai lầm lần thứ hai. Trên sân khấu, nghệ sĩ có cái tôi của diễn viên và cái tôi của nhân vật, phải làm thế nào kiểm soát, dung hòa được cả hai.
Các game show bây giờ chỉ đầu tư vào độ hấp dẫn bên ngoài sân khấu nhưng kỹ năng diễn xuất của nghệ sĩ thì làm sơ xài kiểu “ông ứng bà hành” nên làm nhiều lần sẽ thành nhàm chán.
Nhưng cũng có nhiều bạn trẻ rất tâm huyết với nghề, có tư duy mới và sáng tạo, chúng ta nên trân trọng điều đó.
- Nhưng khán giả có vẻ như khá bị động khi có quá nhiều game show được sản xuất đại trà. Trách nhiệm của nghệ sĩ ở đâu trong vấn đề này?
- Tôi cũng chỉ là một hạt cát giữa sa mạc, không có quyền hành gì nên không nói được ai. Tôi chỉ khuyên bảo học của mình mà thôi. Có điều khá kỳ lạ, khi sân khấu ra mắt vở diễn mới, hội đồng sẽ phúc khảo, nếu chưa vừa ý sẽ sửa lại nội dung. Nên chăng, họ cũng rà soát lại nội dung của game show.
Nhiều nhà sản xuất cũng buồn cười lắm, mời tôi làm giám khảo mà lại yêu cầu không nói chuyên môn, chỉ kiếm chuyện gì vui vui mà nói. Tôi từ chối hết, vì mình đâu phải con rối.