Trẻ nhiễm lạnh, hạ thân nhiệt nguy hiểm thế nào, xử lý sao cho an toàn?

Nuôi dạy con 26/01/2022 10:00

Những ngày qua nhiệt độ ở miền Bắc có nơi xuống dưới 15 độ C kèm theo hanh khô khiến trẻ em dễ bị nhiễm lạnh, hạ thân nhiệt nếu không được chăm sóc tốt.

Trẻ nhiễm lạnh, hạ thân nhiệt nguy hiểm thế nào, xử lý sao cho an toàn? - Ảnh 1

Bác sĩ Phạm Thị Thanh Tâm, Phó trưởng khoa Cấp cứu & Chống độc - Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, nhiệt độ giảm sâu, có nơi đang rét đậm, rét hại khiến nhiều trẻ có nguy cơ bị cảm lạnh, hạ thân nhiệt... dẫn đến bị ốm phải đưa đi viện.

"Tuy nhiên, nhiều trẻ trên đường vận chuyển đã được ủ ấm không tốt, dẫn đến việc hạ thân nhiệt nên khi đến bệnh viện, bệnh lại càng nặng thêm", bác sĩ Tâm chia sẻ.

Các dấu hiệu hạ thân nhiệt ở trẻ em

Bác sĩ Thanh Tâm khuyến cáo, đối với trẻ sơ sinh, nhiệt độ thấp ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của trẻ. Do cơ thể các bé không có lượng mỡ cơ thể cần thiết để giữ ấm, nên trẻ sơ sinh dễ bị hạ thân nhiệt.

Các biểu hiện hạ thân nhiệt bao gồm: da đỏ hoặc nhợt nhạt, lạnh toàn thân, phù cứng bì vùng lưng, chi; Thở nhanh nông giai đoạn đầu, sau thở không đều, ngừng thở; Nhịp tim chậm, rối loạn nhịp tim, hạ huyết áp; Trẻ ít cử động, lơ mơ, khóc yếu, bú kém; Có thể kèm hạ đường máu.

Đặc biệt, trẻ sơ sinh dễ bị hạ thân nhiệt nhất và có nguy cơ tử vong khi ngủ trong phòng lạnh. Tuy nhiên, cũng lưu ý rằng nếu nhiệt độ quá ấm có thể làm tăng nguy cơ mắc hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh.

Đối với trẻ lớn, bác sĩ Tâm cũng cho biết, trẻ em trên 1 tuổi là có thể an toàn khi chơi ngoài trời lạnh. Tuy nhiên, cha mẹ phải chú ý cho con mặc quần áo ấm, đội mũ, đi găng, giàu ấm và chỉ nên ở ngoài trời lạnh khoảng 20 - 30 phút là lại phải vào nhà. Còn ở nhiệt độ dưới 5 độ C thì không được cho trẻ ra ngoài.

"Cần chú ý những dấu hiệu sớm của hạ thân nhiệt ở trẻ lớn như: run rẩy tay chân, mất phương hướng, nói lắp, da trắng hoặc xám tái…", bác sĩ Thanh Tâm khuyến cáo.

Trẻ nhiễm lạnh, hạ thân nhiệt nguy hiểm thế nào, xử lý sao cho an toàn? - Ảnh 2 

Làm gì khi trẻ bị hạ thân nhiệt?

Theo Thạc sĩ, Bác sĩ nội trú Đặng Thị Ngoan - Bác sĩ Nhi - Sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long, nếu nghi ngờ trẻ có nhiệt độ cơ thể thấp, điều đầu tiên bạn nên làm là đo nhiệt độ của trẻ.

Nhiệt độ trực tràng có thể chính xác hơn nhưng nếu bạn không có nhiệt kế đo trực tràng, bạn có thể sử dụng nhiệt kế đo ở nách. Không bao giờ sử dụng nhiệt kế đo ở nách để đo nhiệt độ ở trực tràng hoặc ngược lại.

Ngay khi phát hiện trẻ bị hạ thân nhiệt nên tiếp hành sơ cấp cứu ngay: Làm ấm cơ thể, giúp cơ thể trẻ trở lại nhiệt độ bình thường. Quấn tã, mặc quần áo, đội mũ và đắp chăn ấm cho trẻ, đồng thời di chuyển trẻ đến nơi ấm áp, hoặc tăng nhiệt độ phòng. Mẹ cũng có thể ôm và cho bé bú, hoặc vắt sữa cho con uống bằng muỗng.

Bác sĩ Đặng Thị Ngoan cho rằng: "Nếu nhiệt độ bé thấp mặc dù bạn đã mặc quần áo, tăng nhiệt độ phòng bằng điều hoà hoặc quấn tã mà nhiệt độ của trẻ không tăng, hãy gọi bác sĩ hoặc đến cơ sở y tế ngay lập tức".

4 "điểm vàng" cần giữ ấm cho trẻ em

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - nguyên Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện Bạch Mai, thời tiết chuyển lạnh, trẻ em nhập viện nhiều với các bệnh viêm đường hô hấp mà nguyên nhân có thể vì lạnh quá mà cũng có thể vì "nóng quá".

"Cha mẹ sợ con lạnh nên thường ủ ấm, mặc nhiều quần áo cho con. Nhưng khi trẻ nghịch ngợm, chạy nhảy nhiều, ra mồ hôi ướt quần áo thì khi đó lại bị lạnh, dẫn đến viêm đường hô hấp, viêm phổi", PGS Dũng giải thích.

Theo PGS Nguyễn Tiến Dũng, trẻ nhỏ, nhất là trẻ sơ sinh, trẻ dưới 1 tuổi thì quan trọng nhất là giữ đủ ấm miệng, mũi, cổ và chân. Cha mẹ cần chú ý 4 vị trí "vàng" của trẻ cần đảm bảo giữ ấm là bụng, chân, tay, lưng.

Cha mẹ chú ý đến cổ, quàng khăn, bịt khẩu trang cho con vì sợ con lạnh cổ, con hít phải khí lạnh dễ viêm họng nhưng áo ngắn, hở bụng, hở tay, chân thì trẻ cũng dễ bị ốm như thường"."

Trẻ nhiễm lạnh, hạ thân nhiệt nguy hiểm thế nào, xử lý sao cho an toàn? - Ảnh 3

7 lưu ý để phòng ngừa trẻ em bị hạ thân nhiệt

Để phòng ngừa hạ thân nhiêt ở trẻ em, chuyên gia bệnh viện Nhi Trung ương khuyến cáo đưa ra 7 lưu ý.

- Cho trẻ ăn đúng giờ, đủ bữa, đầy đủ chất dinh dưỡng;

- Đặt giường của trẻ ở nơi ấm, không có gió lùa và trẻ cần được mặc ấm;

- Tránh làm cho trẻ lạnh sau khi tắm hoặc trong quá trình thăm khám;

- Thay tã, quần áo, giường ướt để giữ trẻ và giường luôn khô ráo.

- Đối với trẻ sơ sinh, có thể sử dụng phương pháp Kangaroo, hay còn gọi là phương pháp ủ ấm da kề da;

- Lau khô trẻ sau khi tắm;

- Sử dụng đèn sưởi cẩn thận, không sử dụng chai nước nóng hoặc đèn huỳnh quang (tránh trẻ bị bỏng).

Tại sao con đòi ôm sau khi bị mắng? Hiểu rõ rồi, cha mẹ sẽ không ngừng hối hận

Cơn nóng giận của bạn đối với con chỉ là nhất thời. Thế nên đừng vì việc nhất thời đó mà làm tổn thương trái tim non nớt của con.

TIN MỚI NHẤT