Tâm thần vì... học

Nuôi dạy con 07/12/2023 05:00

Cường độ học tập quá lớn, sự căng thẳng và áp lực thi cử, nỗi sợ hãi không làm tròn trách nhiệm với gia đình, nhà trường và xã hội khiến nhiều học sinh phát bệnh.

Ngày chủ nhật, chị Ngân vừa định dong xe về quê thì cô con gái lớn đang học lớp 10 chải đầu, xin phép mẹ cho sang nhà bạn Ninh Dương cùng lớp ở đầu phố. Chị dựng xe, gầm lên: “Con người ta có thời gian là học, còn con sao cứ xểnh ra là nghĩ đến chơi đấy. Lên gác ngay! Lấy sách vở học bài đi!”.

Con bé vẫn không rời cái lược. Nhìn nó chẳng có vẻ gì là định làm theo lời mẹ. Nó còn vừa thủng thẳng ra mắc quần áo vừa nói: “Học, học học, học để phát điên”. Chị Ngân giận lắm mà không làm thế nào được. Chẳng lẽ con lớn bằng đấy rồi còn lôi con ra đánh. Mà suy cho cùng thì con bé nói cũng có phần có lý.

Trong thâm tâm chị cũng rất thương con nhưng sự sốt ruột làm cho chị không thể làm khác được. Con cái người ta hết học nhóm nọ lại học nhà cô kia, chúng nó cắm đầu cắm cổ học để chuẩn bị kỳ thi học kỳ hai sắp tới và còn có ý thức ôn thi đại học từ bây giờ. Còn con chị, cứ ngày nghỉ là nó dẹp hết sách vở, ít thì chơi trọn vẹn chiều thứ bảy còn nhiều thì cả tối đó và sáng chủ nhật. Có lần nó còn cãi xem ti vi cũng là học, đừng ép nó.

Có lẽ, chị Ngân đã không biết rằng cường độ học tập quá lớn, sự căng thẳng và áp lực thi cử, nỗi sợ hãi không làm tròn trách nhiệm với gia đình, nhà trường và xã hội khiến nhiều học sinh phát bệnh.

Tâm thần vì... học - Ảnh 1

Ảnh minh họa.

Mắc bệnh vì học

Với lịch học được cả gia đình và nhà trường “giăng” ra như hiện nay, cùng với chương trình học luôn ở mức quá tải khiến các em học sinh phải chịu áp lực lớn trong tiếp thu kiến thức, kết quả học tập. Đặc biệt trước mỗi mùa thi học kỳ, mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng, không ít sĩ tử phải nhập viện tâm thần để điều trị, để lại “cú sốc” lớn cho cả gia đình, sĩ tử và nỗi lo quá tải bệnh viện.

Nguyễn Văn Nam, 17 tuổi học lớp 11 ở Hải Phòng suốt mười hai năm là học sinh giỏi, cán bộ lớp, cán bộ đoàn năng nổ. Con học giỏi nên đi đâu bố mẹ Nam cũng khoe về con với niềm tự hào và hãnh diện khôn tả. Trong mắt bố mẹ cậu, không bao giờ Nam của họ đứng sau bất kỳ ai. Niềm tự hào ấy được thể hiện bằng những lời ngợi ca của bố mẹ Nam về thành tích của cậu ở mọi nơi mọi lúc. Đêm đêm, cậu thức đến hai ba giờ sáng để học bài... Có lẽ chính vì sự kì vọng của bố mẹ mà khi kỳ thi học sinh giỏi tỉnh môn Toán kết thúc, cậu đã rơi vào tâm trạng thất vọng tột cùng vì có một bài khó mình không làm được.

Đến khi Sở giáo dục đào tạo công bố điểm và xếp thứ hạng thì gần như Nam đã rơi vào tình trạng tuyệt vọng. Nhiều tháng qua, cậu bé phải nghỉ học ở nhà vì bị trầm cảm. Cả ngày không nói không rằng, ngồi như pho tượng trên phòng riêng.

Khác với trường hợp trên, Trung ở Thái Nguyên bị rối loạn tâm thần khá nặng. Cũng chỉ vì áp lực học hành mà em đâm mắc bệnh. Em đã từng cắn lưỡi để tự tử nhưng không thành. Suốt ngày miệng lảm nhảm “đừng học”. Sau một thời gian dài điều trị, bệnh tình của em có thuyên giảm nhưng với Trung, cánh cửa trường Đại học mãi khép lại.

Nguyên nhân do đâu?

Điều tra cho thấy hầu hết tình trạng căng thẳng mà các em gặp phải là do học quá nhiều. Học ngày học đêm thậm chí học ca nọ ca kia không có thời gian để nghỉ ngơi. Học chính khóa, khối lượng kiến thức đã quá nhiều. Cùng với lý thuyết trên lớp, trẻ còn bị sa lầy vào đống bài tập mà thầy cô bộ môn giao cho về nhà. Gần như trẻ nào cũng mang tâm lý phải giải quyết đủ số lượng bài tập nên cắm đầu cắm cổ, thục mạng làm cho hết. Ngoài học chính khóa, các em còn phải học thêm Toán, Lý, Hóa, Văn, Ngoại ngữ.

Một nguyên nhân nữa là do sự kỳ vọng quá lớn của cha mẹ vào con cái. Cha mẹ nào cũng hi vọng vào con cái mình, tuy nhiên sự hi vọng đôi khi có thể biến thành kỳ vọng, ảo tưởng nếu như cha mẹ không xác định được khả năng của con. Có khi các em có năng khiếu ở các môn xã hội, nhưng cha mẹ lại yêu cầu cao ở những môn tự nhiên. Cha mẹ lên kế hoạch kín tuần cho việc học của con cái, ép con học thêm các môn năng khiếu khác như nhạc, họa. Do vậy giờ học của phần lớn các em lên đến 14 - 16 giờ/ngày.

Nhiều gia đình, để chuẩn bị tốt cho những kỳ thi vào trường chuyên, lớp chọn đã thúc ép con phải học thêm nhiều đồng thời giảm bớt thời gian nghỉ ngơi, giải trí của con. Vì thế, để duy trì lực học, nhiều em phải cố gắng, nỗ lực nhiều hơn, chịu sức ép và căng thẳng hơn. Trong khi đó khả năng nhận thức và sức khỏe của từng em là khác nhau.

Các chuyên gia cho biết rối nhiễu tâm lý học đường, trong đó có stress đã trở thành một vấn đề cần được quan tâm. Hậu quả của stress học đường có ảnh hưởng rất lớn tới sinh hoạt và học tập của trẻ. Trẻ trở nên khó tập trung trong học tập, học hành sa sút ở tất cả các môn bất chấp sự cố gắng.

Đặc biệt, càng đến gần thời điểm thi cử thì số trẻ mắc những bệnh liên quan đến tâm lý càng nhiều. Nặng hơn, trẻ có những hành vi bộc phát, thiếu kiểm soát như bỏ học, phá rối, bỏ nhà, đánh nhau, loạn thần hoặc tự sát.

Vai trò của cha mẹ

Bản thân cha mẹ phải xác định tuyệt đối không mắc bệnh thành tích. Không gây bất kỳ một áp lực nào cho con trong học tập. Bởi nếu là đứa trẻ tự giác, có ý thức, tự bản thân chúng muốn làm tốt hơn những gì bố mẹ mong đợi. Hãy đặt mình vào vị trí của trẻ để hiểu cho những thất bại của chúng.

Tâm thần vì... học - Ảnh 2

Cha mẹ có vai trò to lớn trong việc học của con (Ảnh minh họa).

Để giúp giảm áp lực cho con, thay vì chờ đợi sự cứu chữa từ bên ngoài, cha mẹ hãy chủ động là bác sỹ của con bằng cách tạo cho con môi trường học tập thoải mái. Hãy dạy con học bằng một thái độ tích cực, không nên quá ép buộc con phải đạt được một mức nhất định. Khi kỳ thi cử tới gần, dành thời gian chuẩn bị cùng với trẻ. Nói chuyện với trẻ và tìm hiểu xem ý nghĩa của kỳ thi đối với trẻ là như thế nào. Và quan trọng hơn là làm cho trẻ hiểu kết quả không quan trọng, quan trọng nhất là việc trẻ cố gắng hết sức. Đừng nhấn mạnh việc trượt hay đỗ, thắng hay thua.

Một thực tế khác, sau khi nhiều trẻ rơi vào tình trạng lo lắng, nguy cơ stress sẽ nhiều hơn, trong khi phụ huynh lại nghĩ sau mùa thi trẻ chắc chắn sẽ được thảnh thơi, không lo nghĩ. Nhưng chính sự dồn sức quá nhiều trong mùa thi nhiều khi đã vắt kiệt sức lực của các em.

Cha mẹ cũng cần dạy con kỹ năng tự học. Dạy con cách xây dựng thời gian biểu học tập: Gồm chương trình đang học, ôn lại các chương trình đã học, thời gian vui chơi. Khuyến khích con tham gia các CLB, lớp học kỹ năng sống. Dạy con kỹ năng xây dựng mối quan hệ tốt ở trường, mối quan hệ với thầy cô giáo, mối quan hệ với bạn bè.

4 "xiềng xích" khóa chặt cuộc đời con người dưới đáy xã hội

Có người cho rằng, nghèo không chỉ là trạng thái vật chất mà còn là tinh thần và lối sống. Từ môi trường bên ngoài đến nội tâm, người nghèo bị xiềng xích từng lớp một. Nếu không thể thoát ra, họ sẽ mãi bị nhốt ở đáy xã hội.

TIN MỚI NHẤT