Nhận diện các cuộc 'khủng hoảng' của trẻ và những điều cha mẹ cần làm

Nuôi dạy con 24/05/2021 13:06

Bản chất của mọi cuộc khủng hoảng ở trẻ em để thể hiện quyền tự chủ với cha mẹ. Bởi vậy, khủng hoảng không phải chỉ ở độ tuổi lên 2, mà nó sẽ kéo dài cho tới khi trẻ thực sự tự chủ và tách ra khỏi gia đình…

Trong bài viết này, Linh Phan- Parenting Coach cung cấp cho các phụ huynh về những cơn khủng hoảng ở trẻ từ khi ra đời tới độ tuổi vị thành niên.

Khủng hoảng thời thơ ấu chắc chắn là một phần không thể thiếu khi lớn lên. Nếu muốn con lớn lên và trưởng thành, chúng ta phải giúp con vượt qua mọi cơn khủng hoảng, không “chiến đấu", không chống lại và cũng không cố gắng bảo vệ con khỏi những cơn khủng hoảng.

Cuộc khủng hoảng đầu tiên: sự ra đời

Đây là một bước nhảy vọt về quyền tự chủ khi đứa trẻ ra đời, tách rời khỏi bụng mẹ và đây là cuộc khủng hoảng mạnh mẽ nhất trong cuộc đời một con người.

Cuộc khủng hoảng thứ 2: 9 tháng tuổi

Đó là thời điểm trẻ bắt đầu di chuyển một cách độc lập, thường thì cuộc khủng hoảng này không phải là một vấn đề.

Cuộc khủng hoảng thứ 3: 3 tuổi

Đây chính là cuộc khủng hoảng dữ dội nhất. Ý thức về bản thân đang được hình thành và khủng hoảng biểu hiện ở chỗ đứa trẻ đã có sự ổn định về mong muốn, yêu cầu nhưng lại chưa có những cơ cơ chế tự điều chỉnh. Trẻ không thể chờ đợi, kiên nhẫn…

Vì vậy, nếu một đứa trẻ lên 3 tuổi muốn một thứ gì đó, nó sẽ ngay lập tức đầy tràn cảm xúc (tức giận, giận dỗi) và có thể sẽ bắt đầu cơn cuồn loạn. Bản thân đứa trẻ cũng không thể làm bất kỳ điều gì với mong muốn của mình và đây cũng là giai đoạn rất khó khăn đối với chính con.

Vậy làm sao để giúp con?

Chúng ta chỉ có thể tác động ở thời điểm “trước” khi cơn khủng hoảng xảy ra, nếu không mọi thứ đều là quá muộn. Trước khi để con lún sâu vào khủng hoảng, chúng ta có thể ôm con, đánh lạc hướng, cho con ăn hoặc uống, xem con có quá mệt hay buồn ngủ hay không…

Nhưng nếu cơn cuồng loạn đã bắt đầu, thì điều duy nhất chúng ta có thể làm đó là tự quay trở lại với chính mình để nói rằng “Đây là cơn khủng hoảng của tuổi lên 3, nó không nguy hiểm chết người, nó sẽ trôi qua mà thôi". Tiết kiệm năng lượng của bạn để ngồi lại với con sau cơn giận dữ và trò chuyện với con. Hãy hiểu rằng nó cũng là những cảm xúc không dễ dàng gì với con.

Trong trường hợp có rủi ro, nguy hiểm, việc đưa trẻ ra khỏi tình huống, nói to để “cắt ngang" cơn khủng hoảng có thể cần phải sử dụng. Chúng ta phải khẩn trương tách con ra khỏi nguy hiểm và trấn an con.

Chỉ cần chúng ta nhớ rằng: không phải là con không làm mà là con KHÔNG LÀM ĐƯỢC. Con không thể và không biết làm như thế nào để thoát ra khỏi những cảm xúc lớn lao đó.

Những điều nên tránh khi con đã nổi cơn thịnh nộ

  • Thuyết phục (cách này chẳng có ích gì với trẻ)

  • Kêu gọi tiếng nói của lương tâm “con trai thì không được khóc", “nào mình ngoan thì mình không khóc nhé". Điều này có thể đôi khi bạn phải sử dụng nếu bạn đang ở nơi công cộng.

    Nhận diện các cuộc 'khủng hoảng' của trẻ và những điều cha mẹ cần làm - Ảnh 1

  • Chửi mắng, la hét, đánh phạt. Con đang cảm thấy tồi tệ và chúng ta chỉ làm trầm trọng thêm sự căng thẳng của con, nó chẳng khác nào đổ thêm dầu vào lửa.

Thêm vào đó, những phản ứng này sẽ tạo ra một khoảng cách giữa chúng ta và con. Con không cảm nhận được sự đồng cảm từ người mà con tin tưởng yêu thương nhất. Người lớn chúng ta khi bị kích động, nếu có ai đó nói với chúng ta “Bình tĩnh đi", liệu chúng ta có thấy nó hiệu quả không?

Tóm lại, nhiệm vụ khủng hoảng lên 3 đó là:

  • Giúp con học cách chấp nhận một thực tế: không phải mọi thứ mong muốn của con đều được thực hiện

  • Khi không có được thứ mình muốn thì thế giới cũng không hề sụp đổ (dù tại thời điểm khủng hoảng, con có thể cảm thấy thế giới đang sụp đổ)

Cuộc khủng hoảng thứ 4: 7 tuổi

Đây không phải là một cuộc khủng hoảng rõ ràng nhưng nó đánh dấu một sự trưởng thành về mặt nhận thức, một bước nhảy vọt to lớn. Ở tuổi này, trẻ bắt đầu phát triển các kỹ năng: đưa ra quyết định, lập kể hoạch, quản lý hành vi.

Thời gian này, lý tưởng nhất là trẻ được tham gia các trò chơi nhập vai ở nhà và ở trường học bởi qua đó con học được các phân công vai trò cho các đối tượng, thương lượng với người cùng nhóm chơi và chịu trách nhiệm trong một vai trò cụ thể.

Nhận diện các cuộc 'khủng hoảng' của trẻ và những điều cha mẹ cần làm - Ảnh 2

Cuộc khủng hoảng vị thành niên

Đây là giai đoạn trẻ trở nên độc lập với dấu hiệu khủng hoảng: trẻ đang hình thành tư duy phản biện (không chấp nhận được lời nói của người lớn). Một thiếu niên ít bướng bỉnh là một thiếu niên thoải mái, nhưng chưa trưởng thành. Sự tuân thủ của một thiếu niên có thể chỉ là tạm thời.

Tự xác định bản thân là trung tâm của cuộc khủng hoảng, thật ra thiếu niên chỉ muốn cha mẹ hiểu và nói chuyện về chính cô/cậu ấy. Vấn đề chính của trẻ thiếu niên là cảm thấy không có ai nói về mình, mình không được thực sự quan tâm chú ý như khi con còn nhỏ. Thông thường ở tuổi này, cha mẹ chỉ nói chuyện với trẻ về những gì trẻ cần làm.

Trong các bản tin sau, mình sẽ tiếp tục chia sẻ sâu hơn về những cơn khủng hoảng của từng độ tuổi khác nhau.

Quan trọng là với vai trò làm cha mẹ, chúng ta cần hiểu chúng ta không phải là nạn nhân trong một cuộc khủng hoảng. Chúng ta phải là một huấn luyện viên. Con phải thực hành với cha mẹ và phát triển những kỹ năng của mình để có thể trưởng thành hơn nữa.

6 điều cha mẹ cần ngưng nói với con ngay từ hôm nay

Khi định nói với con cái mình những câu này thì bạn hãy dừng lại, ngẫm nghĩ và cố gắng nói chuyện với chúng bằng một cách khác.

TIN MỚI NHẤT