12 năm học chỉ gói gọn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vì thế không ít em tỏ ra buồn bã, lo lắng khi không làm được bài. Những lúc như thế chính bố mẹ là những người cần gần gũi và động viên các em.
- Mẹ bầu cần bổ sung ngay các loại thực phẩm này nếu đang gặp phải tình trạng táo bón
- Dấu hiệu trẻ muốn tự lập trong việc ăn uống và cách động viên hiệu quả giúp con sớm hoàn thành kỹ năng tự xúc ăn
“Ứng xử văn minh” với kết quả thi của con
Bên cạnh những niềm vui sau mỗi kỳ thi thì cũng có nhiều trường hợp học sinh không đạt kết quả như mong đợi dẫn đến tình trạng nhiều học sinh bị sốc tâm lý, thậm chí là tự tử. Các em thất vọng vì bản thân mình kém cỏi so với các bạn bè, nhưng điều mà các em đau buồn hơn cả là không nhận được sự thông cảm, sẻ chia từ chính những người thân trong gia đình, đặc biệt là cha mẹ.
Ảnh minh họa
Chị Nguyễn Thu Hương (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: "Sau kỳ thi đại học năm ngoái, con trai một người bạn của tôi đã phát bệnh tâm thần vì quá áp lực trong việc học hành, thi cử. Mẹ cháu đi đến đâu cũng thường đưa con “lên tận mây xanh” với biết bao thành tích từ thuở bé thơ tới lúc trưởng thành. Đã vậy, bố mẹ luôn răn đe: “Liệu mà học, đừng làm mất mặt bố mẹ”. Thấy bố mẹ đặt nhiều kì vọng nên cháu càng gắng sức lao vào học hành. Ngày thi xong đại học cũng là ngày cháu nhập viện tâm thần do quá lao lực, đầu óc căng thẳng trong một thời gian dài".
Trên thực tế, đã có nhiều và rất nhiều những cái chết thương tâm khi các em bị trượt trong thi cử. Như trường hợp em Thúy V. sau kỳ thi tốt nghiệp năm 2021 do em có điểm số không khả quan. Không đủ điểm để đỗ vào đại học, sợ bố mẹ thất vọng, mắng chửi khiến em trở nên bi quan, ít nói và mặc cảm với bạn bè. Suốt ngày V. chỉ nằm lì trong phòng, không muốn giao tiếp với người ngoài.
Tình trạng chung, sau khi biết điểm thi tốt nghiệp, nhiều em có kết quả không như ý thường thất vọng về bản thân, lo sợ làm bố mẹ buồn nên tâm lý dễ suy sụp. Các chuyên gia cho rằng trong thời gian sau khi kỳ thi kết thúc, nếu con em chủ động chia sẻ rằng các em đã làm bài không tốt, cảm thấy thất vọng vì phụ lòng thầy cô, cha mẹ thì phụ huynh hay người thân phải cần đặc biệt quan tâm động viên, chia sẻ với con ngay.
Bố mẹ là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho con
Những câu nói như “dù kết quả có thế nào thì con cũng đã cố gắng hết sức rồi, cha mẹ tự hào về điều đó” hay “con làm bài không được có thể do đề thi ở mức độ cao, bạn nào cũng sẽ gặp trường hợp như vậy, cứ chờ kết quả con nhé” sẽ giúp các em đỡ căng thẳng, trầm uất.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng lưu ý kỳ thi chung nên chỉ khi có kết quả chính thức, phụ huynh mới nên cùng con thảo luận, tư vấn về nguyện vọng ngành học, trường học phù hợp và dù ở thời điểm nào cũng không nên nhắc quá nhiều về những gì đã qua. Phụ huynh hãy xem những công sức mà mình lẫn con bỏ ra là đầu tư cho con người, đừng xem nó như là đầu tư trong kinh doanh để rồi tính toán, trách móc con. Hãy nhớ thất bại không phải là chấm hết, thất bại là bài học. Và các con cần những bài học như vậy.
Cha mẹ cần quan tâm, động viên các con sau mỗi kỳ thi (Ảnh minh họa)
Tiến sĩ Hoàng Trung Học - Trưởng Khoa Tâm lý – Giáo dục, Học viện Quản lý Giáo dục cho biết, trường hợp học sinh xuất hiện những suy nghĩ tiêu cực sau khi nhận kết quả thi không như mong đợi khá phổ biến. Trên thực tế, cứ sau mỗi đợt công bố kết quả thi, chúng ta lại chứng kiến nhiều học sinh bị stress, rối loạn sức khỏe tâm thần, thậm chí một số trường hợp quá căng thẳng dẫn đến hành vi tự tử… Đó là những hệ quả liên quan đến kết quả thi cử không như mong muốn.
Học tập và rèn luyện là một quá trình rất dài, nhiều vất vả, do đó thường mang theo nhiều hi vọng của học sinh và cha/mẹ. Do đó, khi kết quả thi không như mong đợi, phụ huynh cần đặc biệt chú ý trở thành người đồng hành, động viên, an ủi các con; tránh những cảm xúc, việc làm tiêu cực và tiếp tục định hướng cho con trên con đường mới, mở ra cơ hội cho tương lai.
“Quan tâm, chấp nhận thực tế, thấu cảm và động viên con là việc nên làm của những cha/mẹ có con không đạt được kết quả thi như kỳ vọng. Việc chì chiết, bỏ rơi có thể làm các con cảm thấy cô đơn, có nguy cơ gia tăng những cảm xúc tiêu cực và hành vi tự xâm kích. Động viên con trẻ về mặt tinh thần, khích lệ con nhìn về tương lai với con mắt lạc quan là điều các vị phụ huynh nên làm vào lúc này để giúp con vượt qua những khúc cua thậm chí còn lớn hơn phía trước. Cha mẹ cần làm cho con hiểu việc thi cử và thành công trong thi cử chỉ là một cột mốc trong cuộc đời. Thành công hay thất bại của kỳ thi này không đồng nghĩa với việc cuộc đời con sẽ thành công hay thất bại”, Tiến sĩ Hoàng Trung Học cho hay.