Hàng loạt những vụ việc thương tâm liên quan đến áp lực học tập, thi cử xảy ra thời gian vừa qua đã trở thành nỗi đau của gia đình và xã hội. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến thực trạng này?
- Tại sao con đòi ôm sau khi bị mắng? Hiểu rõ rồi, cha mẹ sẽ không ngừng hối hận
- “Chìa khoá” xây sức đề kháng cho trẻ phát triển toàn diện và lời khuyên từ Bác sĩ
Để các bậc phụ huynh nhận ra các dấu hiệu tâm lý con trẻ đang gặp phải từ đó giúp con cái vượt qua áp lực học tập, thi cử, Phóng viên Gia đình Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Chuyên gia tâm lý Hoàng Hải Vân.
Thưa chuyên gia tâm lý Hoàng Hải Vân, vừa qua có rất nhiều sự việc đáng tiếc liên quan đến áp lực học tập, thi cử khiến học sinh có những hành động thiếu suy nghĩ, chuyên gia đánh giá về việc này như thế nào?
Chuyên gia tâm lý Hoàng Hải Vân: Liên tiếp những vụ việc thương tâm liên quan đến áp lực học tập, thi cử xảy ra là nỗi đau của gia đình và xã hội. Đó cũng là một hồi chuông báo động cho nghành giáo dục và phụ huynh học sinh bởi những vụ việc như vậy ngày càng gia tăng.
Lý do trẻ có hành động thiếu suy nghĩ rất phức tạp, liên quan đến các yếu tố nguy cơ như lo lắng về tương lai, không hoà hợp với phụ huynh, đặc biệt là áp lực học tập, thi cử bủa vây…
Bên cạnh đó, dịch bệnh Covid - 19 có thể làm gia tăng tình trạng rối loạn lo âu và căng thẳng ở trẻ em khiến trẻ mất khả năng đối phó với áp lực một cách lành mạnh dẫn đến suy nghĩ, hành động nông nỗi gây hậu quả đáng tiếc…
Có ý kiến cho rằng, nhiều phụ huynh đã vô tình tạo áp lực cho con cái khi liên tục so sánh, thúc ép, kỳ vọng về thành tích, điểm số học tập của con. Vậy đâu là nguyên nhân của thực trạng này?
Chuyên gia tâm lý Hoàng Hải Vân: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc bố mẹ tạo áp lực đối với chuyện học hành của con cái. Có thể xuất phát từ kỳ vọng con có một tương lai tốt, rực rỡ hoặc bố mẹ có những tham vọng không thực hiện được lại mặc nhiên áp đặt ước mơ đó lên con nhưng lại không hỏi con có thích không, có thực sự phù hợp với khả năng của con không.
Người nghèo xem học vấn là con đường duy nhất để "thoát nghèo". Với người giàu có thì đó lại là một cuộc "đua ngầm" về trường học, thành tích và điểm số của con cái rồi từ đó ra sức thúc ép và không cho phép con làm sai, thất bại.
Hậu quả sẽ khiến cho trẻ bị bủa vây bởi áp lực, nỗi sợ hãi, tự chỉ trích bản thân và rơi vào trầm cảm, thậm chí có suy nghĩ, hành động dại dột như bỏ nhà đi bụi, thậm chí là tự tử…
Điểm số "đẹp", thành tích học tập "khủng" không phải là tất cả mà bố mẹ cần tạo điều kiện cho con phát triển các kỹ năng xã hội, nâng cao hiểu biết thực tế, theo đuổi đam mê, sở thích, sở trường của con. Đó mới chính là mấu chốt giúp cho con bứt phá, hạnh phúc và thành công trong cuộc sống.
Khi gặp những áp lực trong việc học tập, thi cử, các em học sinh thường có những biểu hiện gì, thưa chuyên gia?
Chuyên gia tâm lý Hoàng Hải Vân: Một số biểu hiện trẻ đang bị áp lực trong việc học tập, thi cử phụ huynh nên lưu ý:
- Trẻ trở nên trầm lặng, ít nói, "đóng lon" cảm xúc vào trong lòng, chỉ muốn ở một mình hoặc không còn hứng thú ra ngoài chơi với bạn bè.
- Trẻ đột ngột thay đổi thói quen sinh hoạt, hoặc bị mất ngủ, rối loạn ăn uống như ăn quá nhiều hoặc quá ít… cũng là dấu hiệu trẻ đang bị áp lực căng thẳng.
- Các triệu chứng đau đầu, căng thẳng thần kinh, cơ thể mệt mỏi… khiến trẻ không thể tập trung dù là việc học tập hoặc sinh hoạt thường ngày.
- Trẻ thường xuyên than vãn về việc học tập, không muốn đến trường, xuất hiện thái độ bất cần, chống đối thầy cô giáo và gia đình.
- Trẻ trở nên nhạy cảm nếu ai đó hỏi han về việc học tập. Khi nói chuyện trẻ không nhìn thẳng người đối diện, né tránh giao tiếp bằng mắt.
Sau cùng thì kết quả học tập sa sút có thể là hệ quả của việc trẻ phải "gồng mình" đương đầu với những áp lực học tập đè nặng lên vai khiến trẻ gặp khó khăn trong việc ghi nhớ, tiếp thu kiến thức.
Áp lực học tập, áp lực thi cử luôn thường trực với mỗi học sinh, vậy phụ huynh nên làm gì để giải tỏa giúp con em mình?
Chuyên gia tâm lý Hoàng Hải Vân: Không một người làm cha làm mẹ nào mong muốn những chuyện đáng tiếc xảy ra với con mình mà đó là do hạn chế hiểu biết, kỳ vọng quá mức và không thấu hiểu tâm sinh lý của trẻ.
Bên cạnh đó bệnh thành tích đã và đang là một thực trạng đáng buồn của ngành giáo dục nước ta. Thành tích có thể là ảo nhưng áp lực thì lại rất thật. Và gốc rễ của những câu chuyện đau lòng cũng bắt đầu từ đây.
Do vậy, đối với bố mẹ việc quản lý kỳ vọng của mình và kiên nhẫn đối với con cái cũng rất quan trọng giúp trẻ giải tỏa áp lực học tập, thi cử.
Bố mẹ cần tạo cho con môi trường học tập thoải mái, cân bằng giữa thời gian học và thời gian vui chơi, giải trí, khuyến khích con tham gia các hoạt động thể thao để rèn luyện sức khỏe thể chất và tâm lý.
Quan trọng hơn hết là dạy cho con bằng thái độ tích cực, không nên gây áp lực về điểm số một cách thái quá, không đánh giá, so sánh con với những đứa trẻ khác.
Hãy luôn tạo điều kiện để trẻ được lựa chọn môn học mà con yêu thích và phù hợp với năng lực của con. Chúng ta phải luôn ghi nhớ răng "Chín phần mười của sự giáo dục là động viên, khích lệ", Anatole France.
Nếu nhận thấy trẻ có những dấu hiệu bất ổn về tâm lý, hành vi. Nói với trẻ rằng bạn quan tâm và lo lắng cho sức khoẻ của trẻ.
Cha mẹ nên lắng nghe trẻ chia sẻ tâm sự và tìm cách giúp trẻ giải phóng áp lực một cách lành mạnh. Hoặc đưa trẻ đến gặp bác sĩ, chuyên gia tâm lý để được trợ giúp chuyên môn.
- Xin cảm ơn chuyên gia về cuộc trao đổi này!