Để con tự tin và hạnh phúc trong cuộc sống, cha mẹ nên thay đổi những kiểu dạy con dưới đây.
- Con có 'bệnh lười học' cha mẹ hãy thử ngay những mẹo này, đảm bảo không cần dùng tới đòn roi
- 4 hành động cha mẹ làm khi con bướng bỉnh vô tình "đổ thêm dầu vào lửa"
Môi trường mà một đứa trẻ lớn lên suốt thời thơ ấu sẽ ảnh hưởng đến cuộc đời của các bé, tính cách của trẻ sẽ quyết định con có cuộc sống ra sao và như thế nào trong tương lai. Không quan trọng gia đình giàu hay nghèo, cách dạy dỗ của bố mẹ quyết định phần lớn tới con cái. Nếu đang dạy con theo 4 kiểu dưới đây, cha mẹ nên chú ý thay đổi.
1. Chì chiết nhược điểm của con
Mỗi đứa trẻ đều sở hữu cá tính riêng biệt. Có bé thích đàn, hát nhưng lại có bé thích đọc sách, học ngôn ngữ. Đam mê này là tùy thuộc vào sở thích của các con, thay vì ép buộc con phải theo ý kiến của cha mẹ thì hãy để con được tự quyết định cuộc đời mình, và cha mẹ chỉ là người đứng sau cổ vũ và khuyên bảo con mà thôi.
Ngành nghề nào bây giờ cũng đáng trân trọng, dù đó là bác sĩ, kỹ sư, giáo viên hay thợ điện, shipper, cô lao công... họ đều đang sống bằng cách kiếm tiền chân chính. Sinh con ra, ai cũng mong con khỏe mạnh, thế nên cha mẹ đừng đặt áp lực của bản thân lên con mình, để con có thể sống một cuộc đời vui vẻ, hạnh phúc.
Thêm vào đó, nếu phát hiện ra con có sở thích đặc biệt nào đó, cha mẹ cũng nên ủng hộ và trau dồi. Bản thân mình ngày trước thích môn Vẽ nhưng cha mẹ ép mình đi học Toán, trong suốt giờ học đầu óc thật sự không nghĩ được các con số, chỉ thích vẽ vời mà thôi. Về sau này, môn Toán mình cũng không giỏi mà môn Vẽ mình yêu thích cũng chẳng có cơ hội được phát huy. Dần dần, mình trở nên rụt rè hơn, không dám làm gì vì sợ sai, sợ không giỏi...
Nhiều mẹ còn có xu hướng chì chiết, khó chịu khi thấy con không giỏi bằng bạn A, bạn B dẫn đến thái độ so sánh tiêu cực trong lòng con trẻ.
2. Bắt con phải nhường nhịn em nhỏ một cách vô lý
Cha mẹ thiên vị không chỉ ảnh hưởng tới tâm lý của con lúc nhỏ mà còn gây ra những vấn đề về hành vi, tính cách trong tương lai. Trẻ bị cha mẹ lạnh nhạt sẽ xuất hiện tâm lý uất ức, căm ghét và oán hận, thậm chí là ghét bỏ người anh, em của mình.
Trẻ em luôn cần nhận được sự thương yêu, quan tâm, tôn trọng và cần được đối xử như các anh chị em của mình. Dù con có thế nào thì cha mẹ cũng cần công bằng trong việc dạy dỗ và chăm sóc chúng chu đáo. Các nghiên cứu chỉ ra, những đứa trẻ không được yêu thương sẽ dễ nảy sinh sự căm phẫn, tức giận và có nhiều nguy cơ gặp vấn đề trầm cảm.
Vì vậy, cha mẹ hãy thật tinh tế trong những hành động, lời nói của mình để tránh làm tổn thương trẻ. Đôi khi con có mong muốn được ôm, được bế hoặc đưa đi chơi, mẹ hãy cố gắng đáp ứng nhu cầu đó để trẻ thấy mình vẫn được quan tâm và yêu thương.
Ngoài ra, ba mẹ cũng nên thỉnh thoảng dành một chút thời gian riêng tư cho ''anh cả'' hoặc ''chị cả'' bằng cách gửi em bé cho ông bà để đưa trẻ đi chơi. Điều này giúp trẻ cảm thấy cha mẹ vẫn luôn quan tâm đến mình. Đừng để con phải chịu ấm ức, tủi hờn chỉ vì cha mẹ đối xử không công bằng, thiên vị anh/ chị/ em của bé hơn.
3. Có thói quen đánh/ mắng con
Chúng ta đôi lúc mất bình tĩnh và trở nên nóng giận với 1 hành vi nào đó của trẻ. Những lúc như vậy, chúng ta thường la mắng, thậm chí đánh đau trẻ nhằm mong trẻ nhớ và không tái phạm. Nhưng sự thật là đâu lại vào đấy, trẻ vẫn lặp lại hành vi đó dù bạn đã nhiều lần la mắng, đánh đau, hay trách phạt.
- Tạo vòng tròn luẩn quẩn của bạo lực. Việc dùng lời chửi mắng hay đánh đòn roi là cách làm thiếu kỹ năng và thiếu khả năng kiềm chế của cha mẹ. Nó đã vô tình làm não bộ non nớt của những đứa trẻ hiểu rằng: làm đau ai đó bằng cách đánh hay gây tổn thương tinh thần ai đó bằng lời nói như chửi khi bực nhọc khó chịu là được phép, thậm chí với cả người họ yêu thương. Thay vì nó là công cụ răn đe thì nó lại trở thành công cụ khuyến khích những hành vi bạo lực ở trẻ. Do đó, đứa trẻ thường học cách bạo lực với bạn bè và trở thành 1 người chồng/vợ bạo lực sau này với những người yêu thương của trẻ như vợ/chồng con cái.
- Sự thiếu kiềm chế khi tức giận, mất kiểm soát làm giảm sự sáng suốt 70%. Do đó, nó có thể gây nên hậu quả nghiêm trọng. Việc đánh, chửi vô ý có thể gây ra những tổn thương không thể phục hồi cho trẻ, đặc biệt với trẻ nhỏ hơn 18 tháng tuổi.
- Lời nói mắng chửi trẻ con cũng có "độc tính" như đánh trẻ. Trẻ con bị mắng chửi thường xuyên sẽ phát triển hành vi mắng chửi người khác, và trẻ có thể cũng bị những tổn thương tâm lý lâu dài giống như bị đánh đập vậy.
4. Cha mẹ quá quyền lực, quyết định mọi việc của con
Trong một số gia đình, có nhiều cha mẹ có tính cách cực đoan, mạnh mẽ, luôn tự làm theo ý mình vì cho rằng đó là điều tốt nhất cho con mà chưa từng lắng nghe những mong muốn của trẻ. Khi lời nói bị coi nhẹ, con sẽ cảm giác bản thân kém cỏi, không đủ quyết tâm để làm các việc khác. Là cha mẹ, thay vì làm hết mọi thứ hộ con, nên trau dồi khả năng suy nghĩ độc lập của trẻ.
Yêu thương và dành thời gian đồng hành cùng con là điều bố mẹ nào cũng nên làm. Hãy giúp trẻ xây dựng lòng tự tin ngay từ khi con nhỏ.