Gọi là thu chút kinh phí hàng tháng nhưng với học sinh khó khăn, không có tiền đóng thì ông bà giáo Tư cũng không lấy đồng nào.
- Cần Thơ: Cô dâu gây sốt vì ‘gánh’ gần 50 cây vàng trong ngày lễ đính hôn, cư dân mạng nhiệt tình 'xin vía'
- ‘Cô dâu trăm tỷ' ở Kiên Giang vừa tổ chức 'siêu đám cưới' là ai?
Ông bà giáo Tư là cái tên thân thuộc mà nhiều học sinh, sinh viên và người dân ở ấp Tân Lập, xã Đông Hòa, Dĩ An, Bình Dương yêu mến đặt cho vợ chồng ông Huỳnh Văn Phê (80 tuổi) và bà Huỳnh Thị Lành (82 tuổi). Suốt 28 năm qua, ông bà tận tụy với lớp học tình thương, giúp cả nghìn học sinh nghèo tìm con chữ.
Từng học bình dân học vụ suốt 5 năm để xóa nạn mù chữ, ông Huỳnh Văn Phê thấu hiểu được những khó khăn khi không biết chữ, không biết tính toán. Kể từ đó, ông trăn trở những học sinh nghèo không có điều kiện học hành đến nơi đến chốn và làm sao để mở lớp dạy học giúp đỡ để các cháu có con chữ, tương lai rộng mở hơn.
Vốn là giáo viên, bà Lành cũng hết lòng với sự nghiệp trồng người. Năm 1994, bà theo chồng lên Bình Dương và thành lập lớp học tình thương dành cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, không thể đến trường.
Lớp học do vợ chồng ông bà Tư tự tay xây dựng. Những ngày đầu, lớp thiếu thốn đủ thứ, từ bàn ghế, dụng cụ học tập... Khắc phục khó khăn, vợ chồng ông bà Tư đóng ván ba chân cho học sinh ngồi dưới đất viết. Sau ông bà được hỗ trợ, lớp học có hơn 2 chục bộ bàn ghế giúp các em học tập tốt hơn.
Từ năm 1996, ông bà chỉ thu 15 ngàn đồng/tháng để duy trì lớp học, đến tận bây giờ cũng không tăng hơn. Đặc biệt, với hoàn cảnh học sinh khó khăn không có tiền vợ chồng ông bà cũng không thu một đồng nào. Tiếng lành đồn xa, các em học sinh trong vùng cứ nườm nượp đến học. Đỉnh điểm, số lượng lớp học tình thương lên đến 130 em.
Đến nay ông bà giáo có hai lớp học. Bằng tất cả lòng nhiệt huyết của mình, ông bà giảng dạy giúp các học sinh nghèo thoát khỏi mù chữ. Từ thế hệ học sinh này đến thế hệ học sinh khác lần lượt thành danh từ lớp học chất chứa tình yêu thương này.
Thời điểm dịch bệnh, lớp học tình thương phải tạm đóng cửa nên số lượng học sinh ngày càng ít đi. Khi mở lại đến nay, lớp chỉ còn hơn chục em đang gắn bó theo học.
Hiện ông bà Tư đã lớn tuổi, không đảm bảo được việc đứng lớp, nhưng lớp học tình thương vẫn được duy trì bởi sự hỗ trợ, giúp sức của các em sinh viên trong đội công tác xã hội tình nguyện.
Chủ yếu ông bà dạy các em học sinh cấp tiểu học. Khi học hết lớp 4 ở lớp học tình thương, nếu vẫn ham học, các em sẽ được địa phương hỗ trợ vào lớp 5 và tiếp tục con đường học tập của mình.
Thấy cha mẹ tuổi đã cao, các con của ông bà Tư nhiều lần khuyên ông bà về quê ở Mỹ Tho để dưỡng già. Tuy nhiên, cả hai một mực gắn bó, tận tụy với sự nghiệp trồng người. "Cũng từng nghĩ đến việc về quê để sống thảnh thơi tuổi già, nhưng nghĩ dừng lớp học tình thương mình không đặng. Mình bỏ học trò thì không ai tiếp nhận lớp, mình bỏ mình đi thì cũng thương tụi nhỏ lắm", bà Lành nói.
Khoảng 15 năm trước, Trần Minh Hiếu (hiện đang là sinh viên năm 3 trường Đại học Nông Lâm TP.HCM) được ông bà Tư dạy dỗ từ khi bước vào lớp 1. Trở về thăm lại lớp học tình thương, cậu học sinh vô cùng xúc động, gửi lời cảm ơn đến người thầy người cô đầu tiên của mình.
Nguồn: Gõ cửa thăm nhà