Sau quyết định thu hồi hơn 18.000 m2 đất của Viglacera giao cho Samsung, UBND tỉnh Bắc Ninh vừa thu hồi hơn 9.000m2 đất của doanh nghiệp này giao cho Cục Hải quan.
- Cưỡng chế thêm dự án 'ma' do địa ốc Alibaba phân phối
- Thanh tra Bộ Xây dựng xử phạt sân golf “khủng” xây dựng trái phép ở Hà Nam
UBND tỉnh Bắc Ninh vừa có quyết định thu hồi khoảng 9.240m2 đất đã giao cho Tổng công ty Viglacera và giao khu đất này cho Cục Hải quan tỉnh Bắc Ninh để đầu tư xây dựng trụ sở Chi cục Hải quan các KCN Yên Phong.
Tỉnh Bắc Ninh giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Ban quản lý các khu công nghiệp Bắc Ninh và các cơ quan, đơn vị liên quan hướng dẫn Viglacera, Cục Hải quan tỉnh hoàn thiện hồ sơ thu hồi đất, giao đất; xác định chi phí đầu tư vào đất còn lại khi nhà nước thu hồi đất, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Trước đó, vào tháng 7/2018, UBND tỉnh Bắc Ninh cũng đã ra quyết định thu hồi 18.623m2 đất đã giao cho Viglacera. Đồng thời, khu đất này được tỉnh giao cho Công ty TNHH Samsung Display Việt Nam để xây dựng ký túc xá cho công nhân.
Trên diện tích này, gần 12.000m2 là đất được giao trả tiền thuê hàng năm, thời hạn đến năm 2055. Khu đất trên trước đây một phần trong dự án xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp Yên Phong của Viglacera. Tỉnh Bắc Ninh giao phần đất này cho doanh nghiệp này thuê từ năm 2008.
Theo UBND tỉnh Bắc Ninh, việc thu hồi đất của Viglacera và giao cho Samsung là có sự thỏa thuận của ba bên từ tháng 4/2018.
Đại diện Viglacera cho biết phần đất này thuộc diện tích được giao để xây dựng KCN Yên Phong. Tuy nhiên, hiện doanh nghiệp chưa triển khai đến, trong khi Samsung có nhu cầu để xây ký túc xá cho công nhân nên khi làm việc với tỉnh, ba bên đã đạt được thỏa thuận này.
Theo báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất quý I/2019 được Viglacera công bố, công ty ghi nhận doanh thu thuần 2.268 tỷ đồng – tăng 24%; lợi nhuận sau thuế 180 tỷ đồng – tăng 51% so với cùng kỳ năm trước.
Về cơ cấu cổ đông Viglacera, nhóm cổ đông Tổng công ty thiết bị điện Việt Nam (Gelex) hiện đang nắm giữ khoảng 112 triệu cổ phiếu VGC, tương ứng tỷ lệ sở hữu 25%. Số cổ phần mà nhóm Gelex mua vào chủ yếu đến từ nhóm Dragon Capital và mua một phần trong phiên thoái vốn của Bộ Xây dựng. Trong khi đó, Bộ Xây dựng vẫn còn nắm giữ gần 173 triệu cổ phiếu VGC, tương ứng tỷ lệ sở hữu 38,6% cổ phần
Ngày 1/3/2019, Bộ Xây dựng đã ra ý kiến phê duyệt phương án thoái vốn Nhà nước tại Tổng công ty Viglacera (Mã CK: VGC).
Cụ thể, Bộ Xây dựng sẽ thoái vốn giai đoạn 1 với số lượng 80,58 triệu cổ phần, tương ứng 17,97% vốn điều lệ Viglacera theo phương thức đấu giá công khai trên Sàn giao dịch chứng khoán.
Giá khởi điểm đấu giá không thấp hơn 23.000 đồng/cp và giá tham chiếu của cổ phiếu VGC bình quân 30 ngày giao dịch liên tiếp trên thị trường chứng khoán trước ngày công bố thông tin. Tính theo mức giá khởi điểm, giá trị chào bán cổ phiếu của Bộ Xây dựng lên tới hơn 1.853 tỷ đồng.
Được biết, Viglacera là doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng (kính, gạch men, thiết bị vệ sinh…). Ngoài ra, Viglacera còn sở hữu quỹ đất lớn tại các khu công nghiệp lên tới hàng nghìn ha. Trong đó, Samsung hiện đang thuê đất tại KCN Yên Phong và Đồng Văn của Viglacera.
Theo báo cáo KQKD năm 2018, Viglacera ghi nhận doanh thu thuần gần 9.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 667 tỷ đồng, giảm nhẹ so với năm trước đó. Vào đầu tháng 1 vừa qua, HoSE đã chấp thuận cho Viglacera niêm yết 448 triệu cổ phiếu VGC, tương ứng tổng giá trị niêm yết theo mệnh giá là 4.483 tỷ đồng.