Chủ tịch UBND quận Bình Tân, TP.HCM cho biết quận đã đặt biển cảnh báo người dân về các dự án mua bán đất nền không có thật nhưng có những đối tượng xịt sơn, tháo dỡ biển.
- Đừng coi thường, những vật trang trí này sẽ làm rối tung đời bạn
- Điều tra 29 dự án “ma” của ông chủ địa ốc Alibaba tại Đồng Nai
Trong phiên thảo luận sáng 12/7 của kỳ họp HĐND TP.HCM, vấn đề phân lô bán nền trên giấy các dự án "ma" thời gian qua nở rộ tại một số quận huyện như quận 9, 12, Bình Tân, Thủ Đức và huyện Hóc Môn nhận được sự quan tâm.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm, ước tính có hàng nghìn khách hàng bị lừa vì đặt cọc giữ chỗ tại các dự án phân lô bán nền trên đất có quy hoạch. Trong khi đó, các doanh nghiệp mua bán đất "ma" lại bình chân như vại và thậm chí dẫn người dân đi xem đất một cách rầm rộ.
"Tôi nhận được đơn của nhiều người dân phản ánh vấn đề này, đặc biệt là khu đất ở An Lạc, Bình Tân được quy hoạch làm công viên cây xanh nhưng công ty Angel Lina rao bán. Có người tin tưởng đặt cọc một tỷ, giờ gia đình tan nát. Việc này có thể xem xét khởi tố được hay không, nhất là người cầm đầu?", nữ đại biểu bức xúc.
Ông Dương Hồng Thắng, chủ tịch UBND huyện Hóc Môn, thừa nhận có tình trạng mua bán đất nền "ảo" trên địa bàn các xã của huyện. Theo ông, một số đối tượng lừa đảo bằng cách đặt cọc mua đất nông nghiệp của người dân và lấy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của người dân để phân lô bán nền ảo.
Ông Thắng thông tin đã chỉ đạo công an huyện tăng cường theo dõi các hành vi lừa đảo mua bán đất đai. Thời gian qua, huyện Hóc Môn đã tiếp nhận 5 vụ việc liên quan đến dấu hiệu lừa đảo mua bán đất, trong đó đã đề nghị Công an TP.HCM sớm khởi tố 2 vụ vì thẩm quyền của huyện không thể khởi tố được.
Trong khi đó, Chủ tịch UBND quận Bình Tân Lê Văn Thinh cho biết quận Bình Tân có gần 800.000 dân, trong đó dân số tạm trú là hơn 500.000 và có khoảng 50% trong số 350.000 công nhân làm việc trên địa bàn quận tạm trú, cư ngụ nên áp lực nhà ở với quận rất lớn.
Ông Thinh cho biết quận Bình Tân đã thống kê được 10 trường hợp rao bán các dự án đất nền ảo trên địa bàn quận. "Một số doanh nghiệp tự quy hoạch rồi công bố trên mạng với giá bán rất rẻ vì dự án không có thật. Có người dân đăng ký mua vì nhu cầu nhà ở, cũng có trường hợp mua vì lợi nhuận do thấy giá đất rẻ", Chủ tịch quận Bình Tân phát biểu.
Theo ông Thinh, quận đã có một số giải pháp như đẩy mạnh tuyên truyền cho nhân dân trên các kênh; hợp tác với Đài Tiếng nói TP.HCM để thông tin cho nhân dân; tổ chức ông khai quy hoạch và cảnh báo người dân ở đất quy hoạch công viên cây xanh, công trình công cộng nhưng Nhà nước chưa có điều kiện tổ chức thực hiện quy hoạch.
Tuy nhiên, ông Thinh cho biết có trường hợp quận đặt biển cảnh báo công khai nhưng có những đối tượng xịt sơn, tháo dỡ biển cảnh báo và chính quyền phải lắp đặt camera giám sát các biển cảnh báo này.
"Cách đây 4 hôm, quận Bình Tân phát hiện một trường hợp lúc gần sáng, có nhóm người đi trên ôtô tháo dỡ biển cảnh báo. UBND quận đã giao Công an quận thu thập tài liệu, tiến hành điều tra để xử lý", ông Thinh cho biết.
Về việc giải quyết các công ty rao bán dự án "ma", chủ tịch quận Bình Tân cho hay đã báo cáo với UBND TP.HCM và kiến nghị Công an TP điều tra, xác minh làm rõ, xử lý nghiêm đúng hành vi vi phạm pháp luật.
"Chúng ta không chấp nhận việc các đối tượng được cấp giấy đăng ký kinh doanh nhưng lừa đảo người dân", ông Thinh khẳng định.