“Khai tử” ngành quản lý vận hành nhà chung cư: Mở đường cho doanh nghiệp yếu kém?

Nhà đất 22/10/2019 06:00

Liên quan đến đề xuất loại bỏ ngành nghề quản lý vận hành nhà chung cư ra khỏi Danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện, nhiều chuyên gia cho rằng, nếu bãi bỏ ngành nghề này sẽ không đảm bảo thực tiễn… có thể gây hậu quả nghiêm trọng đến đời sống và trật tự an toàn của cư dân.

Mới đây Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có văn bản gửi Vụ Pháp chế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kiến nghị sửa đổi Danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện tại Luật Đầu tư (sửa đổi) năm 2016. Trong danh sách này không có ngành kinh doanh dịch vụ quản lý, vận hành nhà chung cư. Đề xuất này được diễn giải theo nhiều hướng và thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận.

Trao đổi về vấn đề này, bà Trần Minh Ái, Giám đốc Quản lý bất động sản, Savills TP.HCM nhận định, đề xuất loại bỏ ngành nghề quản lý vận hành nhà chung cư có cả những được và mất. Được ở chỗ nếu bỏ kinh doanh có điều kiện, việc đăng ký kinh doanh của các doanh nghiệp trong trong lĩnh vực này sẽ dễ dàng hơn. Ngành quản lý vận hành nhà chung cư sẽ rộng cửa đón chào nhiều doanh nghiệp hơn.

“Khai tử” ngành quản lý vận hành nhà chung cư: Mở đường cho doanh nghiệp yếu kém? - Ảnh 1

Bà Trần Minh Ái, Giám đốc Quản lý bất động sản, Savills TP.HCM

Các dự án chung cư sẽ có nhiều lựa chọn hơn khi chọn đơn quản lý vận hành; thị trường có thể tăng tính cạnh tranh, thúc đẩy hiệu quả hoạt động của các đơn vị cung cấp dịch vụ. Tuy vậy, cái mất của đề xuất này là phần “rào cản kỹ thuật” nhằm kiểm soát chất lượng và năng lực của doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực quản lý vận hành chung cư.

“Nghề quản lý bất động sản là một nghề rất đặc thù, có liên quan mật thiết đến trật tự an toàn sức khỏe và tính mạng của nhiều con người. Những đơn vị cung cấp dịch vụ này vì vậy cần phải đáp ứng những yêu cầu cao hơn về nghiệp vụ trước khi đăng ký kinh doanh. Việc gỡ bỏ những yêu cầu này sẽ mở đường cho những doanh nghiệp yếu kém, sẵn sàng cung cấp dịch vụ với chi phí thấp nhưng không đảm bảo chất lượng tại dự án chung cư, có thể gây hậu quả nghiêm trọng đến đời sống và trật tự an toàn của cư dân”, bà Ái nói.

Ngoài ra, theo bà Ái, với những “rào cản kỹ thuật” như hiện nay đã có hàng ngàn doanh nghiệp đăng ký kinh doanh trong lĩnh vực này với chất lượng dịch vụ rất đa dạng; nếu gỡ bỏ thì thị trường rất dễ bị loạn.

“Là một người làm trong lĩnh vực quản lý bất động sản với nhiều năm kinh nghiệm, tôi đồng tình và ủng hộ việc xếp ngành quản lý vận hành chung cư vào mục kinh doanh có điều kiện. Tuy vậy, những điều kiện đặt ra cần phải thiết thực hơn, giúp kiểm soát chất lượng và năng lực của đơn vị quản lý vận hành chung cư tốt hơn”, bà Ái nhận định.

Liên quan tới đề xuất trên, Luật sư Trương Anh Tú - Chủ tịch Công ty TAT Law firm, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng, nếu bãi bỏ ngành nghề này sẽ không đảm bảo thực tiễn.

“Khai tử” ngành quản lý vận hành nhà chung cư: Mở đường cho doanh nghiệp yếu kém? - Ảnh 2

Luật sư Trương Anh Tú. 

Theo ông Tú, ở góc độ Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và những đạo luật liên quan đến kinh doanh thì do các chuyên gia về kinh tế học soạn thảo, chắp bút cho Nhà nước. Trên một tinh thần chung của Nhà nước đó là mở rộng tối đa quyền kinh doanh của công dân và hạn chế tối đa các rào cản kỹ thuật, chẳng hạn như điều kiện kinh doanh. Cho nên Luật Đầu tư có đề xuất như vậy cũng không có gì bất ngờ.

“Là một người theo sát và nghiên cứu nhiều về việc quản lý vận hành nhà chung cư. Bản thân tôi cũng là trưởng Ban quản trị nhà chung cư, tôi thấy rằng việc quản lý vận hành nhà chung cư là một việc rất phức tạp đòi hỏi người làm cần có kiến thức, trình độ chuyên môn hiểu biết rất sâu”, ông Tú nói.

Ngoài ra, theo ông Tú lấy ví dụ, tại một khu chung cư có khoảng 5.000 – 10.000 dân, yêu cầu người làm giám đốc quản lý vận hành hoặc trưởng Ban quản trị phải có hiểu biết về quản lý nhà nước cũng như những lĩnh vực xây dựng, pháp luật, tài chính kinh tế tương đương như một chủ tịch quận, nếu tương đương chủ tịch phường chưa chắc đã đủ trình độ quản lý được. Với chung cư có từ 1.000 đến vài nghìn dân thì cần người quản lý tương đương với trưởng phòng cấp quận hoặc chủ tịch phường.

Điều đó có nghĩa công việc này yêu cầu người làm phải có trí tuệ, có nghiệp vụ về quản lý nhà nước và chuyên môn kỹ thuật, kinh tế, luật pháp…

Bày tỏ thêm quan điểm của mình về đề xuất trên, ông Tú cho rằng, mấu chốt các vấn đề mâu thuẫn chung cư xảy ra trong thời gian qua chủ yếu liên quan tới chuyển giao quỹ bảo trì chung cư, diện tích căn hộ, giấy chứng nhận sở hữu căn hộ, sở hữu chung, riêng và phí dịch vụ. Do đó, để quản lý vận hành hiệu quả cần có người quản lý đủ trình độ đảm bảo đối với thực tiễn quản lý vận hành nhà chung cư.

“Các chuyên gia soạn thảo Luật Đầu tư cũng cần có sự cân nhắc, tham khảo sang lĩnh vực xây dựng nhà ở mà cụ thể là vấn đề quản lý chung cư để có thêm thông tin và đảm bảo khi đưa ra một đạo luật nó được toàn diện nhất”, ông Tú nhấn mạnh.

 

Không góp tiền mua nhà, vợ muốn đứng tên trong Sổ đỏ có được không?

Theo các quy định của pháp luật, dù vợ chỉ ở nhà nội trợ thì theo nguyên tắc tiền hoặc tài sản khác mà chồng có được trong thời kỳ hôn nhân thì vẫn là tài sản chung.

TIN MỚI NHẤT