Trước tình trạng thị trường bất động sản bị sụt giảm mạnh, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) lo ngại việc này đang khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, rủi ro rất lớn, thậm chí có doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản.
- TP.HCM: Người mua nhà cần biết các dự án này mới đủ điều kiện mở bán
- Bình Định: Ngăn việc sang nhượng trái phép chung cư thu nhập thấp
Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), thị trường bất động sản thành phố 7 tháng đầu năm 2019 đã bị sụt giảm mạnh, tác động đến nhiều lĩnh vực của nền kinh tế. Nhiều doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn, rủi ro rất lớn, thậm chí có doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản.
Nguồn thu ngân sách nhà nước từ thị trường bất động sản, từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế cũng bị sụt giảm lớn. Đối với phần lớn người dân thành phố là người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị, người nhập cư ngày càng khó mua nhà, khó thuê nhà ảnh hưởng đến an sinh xã hội.
“Hiệp hội rất lo ngại trước tình trạng sụt giảm quy mô thị trường bất động sản thành phố, sụt giảm nguồn cung dự án và nguồn cung sản phẩm nhà ở, nhất là loại căn hộ nhà ở thương mại có giá vừa túi tiền, căn hộ nhà ở xã hội”, ông nói.
Số liệu từ HoREA cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2019, chỉ có 3 dự án nhà ở thương mại mới được Sở Xây dựng đề xuất UBND TP.HCM công nhận chủ đầu tư, giảm 16 dự án (84,2%) so với cùng kỳ năm 2018. Sở Xây dựng cũng chỉ đề xuất chấp thuận đầu tư 10 dự án nhà ở thương mại mới, giảm 46 dự án (82,2%).
Trong 6 tháng, chỉ có 24 dự án đủ điều kiện bán nhà hình thành trong tương lai, với tổng số 7.313 căn hộ, giảm giảm 2.336 căn (24,2%) so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, phân khúc căn hộ cao cấp giảm đến 43,8%; căn hộ bình dân giảm 34,7%. Điều đáng quan tâm là quý 2/2019, không có dự án nhà ở bình dân, vừa túi tiền đưa ra thị trường.
HoREA cho rằng sự sụt giảm của thị trường bất động sản trong hơn 2 năm qua tác động tiêu cực đến nguồn thu ngân sách thành phố hiện nay và có thể cả trong thời gian tới do "độ trễ" của quá trình thực hiện dự án.
Ngoài ra, trong 6 tháng đầu năm 2019, nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cũng đổ vào 26 dự án bất động sản của TP.HCM, với vốn đăng ký 225,9 triệu USD, chiếm 42,7% tổng vốn FDI.
“Mặc dù nguồn vốn FDI đầu tư vào bất động sản đứng vị trí thứ nhất, nhưng chỉ có tính nhất thời chưa đến mức phải quan ngại. Nguyên nhân là do số vốn đăng ký chưa phải quá lớn và nhiều năm qua lĩnh vực bất động sản thường đứng thứ 3 hoặc thứ 2 trong thu hút nguồn vốn FDI”, Chủ tịch HoREA nhận định.
Tín dụng bất động sản trong 2 quý đầu năm cũng tăng thấp hơn so với cùng kỳ các năm trước, khi chỉ tăng 6,7% và chiếm khoảng 10,82% tổng dư nợ tín dụng. Điều này phù hợp với chủ trương của Ngân hàng Nhà nước là thực hiện lộ trình hạn chế dần tín dụng vào thị trường bất động sản, dẫn đến các doanh nghiệp bất động sản, nhà đầu tư và cả người mua nhà đều khó tiếp cận vốn tín dụng hơn trước đây.
Đáng chú ý, để tìm kiếm các nguồn vốn thay thế dần nguồn vốn tín dụng ngân hàng, ngoài việc mở rộng hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài (vốn FDI), hoặc tìm kiếm nguồn vốn trên sàn chứng khoán, doanh nghiệp bất động sản đang lựa chọn giải pháp phát hành trái phiếu doanh nghiệp để bổ sung vốn.
Trong 5 tháng đầu năm 2019, các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng, hạ tầng đã phát hành trái phiếu doanh nghiệp với giá trị lên đến 16.230 tỉ đồng, chiếm 27% tổng giá trị trái phiếu đã phát hành, đứng vị trí thứ hai.
Thậm chí, có doanh nghiệp bất động sản đã phát hành trái phiếu với lãi suất rất cao lên đến 12-14,5%/năm, cao gần gấp đôi lãi suất tiết kiệm, tiềm ẩn rủi ro đối với cả doanh nghiệp phát hành trái phiếu, nhà đầu tư và ngân hàng.
Trước tình trạng trên, HoREA kiến nghị chính quyền sớm xem xét giải quyết một số vướng mắc, ách tắc đối với các dự án nhà ở thương mại để khai thông thị trường, điều chỉnh nguồn cung bất động sản.