Rất nhiều biểu hiện của một đứa trẻ hư xuất phát từ chính thói quen sai lầm của cha mẹ trong cách nuôi dạy con.
- Nếu con thường xuyên có 4 hành vi này, phụ huynh hãy mở tiệc ăn mừng vì trẻ yêu mẹ vô cùng
- Nhà tâm lý học tiết lộ vì sao cha mẹ chỉ nên mua cho trẻ đồ chơi vừa đủ, quần áo hạn chế
Mỗi khi ra ngoài chơi mà gặp chuyện không vừa ý, con liền ăn vạ và khóc toáng lên giữa chốn đông người. Những khi ấy, cha mẹ xấu hổ không biết giấu mặt vào đâu khi đang ở cạnh một đứa trẻ hư. Nếu thấy con mình mỗi lần đòi mua đồ mà không được liền ăn vạ tức thì hay liên tục cãi lời cha mẹ thì phụ huynh nên thật sự cân nhắc, bởi rất có thể con trở nên hư như vậy chính vì thói quen của cha mẹ. Đôi khi chỉ là sự bướng bỉnh của trẻ con nếu như con chưa đến 4 tuổi, dần lớn lên con sẽ hiểu ra. Còn nếu con đã quá độ tuổi này mà vẫn có những hành vi như vậy thì cha mẹ nên xem xét xem mình có mắc những sai lầm phổ biến sau khi nuôi dạy con dưới đây không nhé.
1. Dung túng cho hành vi ngang ngược
Hãy tưởng tượng bạn dẫn con đi ăn quán, con đã ăn hết đồ tráng miệng nhưng lại đòi ăn kem nữa, bạn thì không muốn cho con ăn tiếp vì con đã ăn quá nhiều. Tuy nhiên, con không nghe lời và bắt đầu khóc lóc ăn vạ, la hét ầm ĩ khiến mọi người xung quanh liếc nhìn khó chịu, khi đó không ít cha mẹ sẽ xuống nước và cho con ăn kem như ý để con không quấy nữa. Bạn đã nhận ra sai lầm ở đây chưa? Chiều theo yêu cầu của con khi con ăn vạ sẽ dạy cho con thói quen xấu là chỉ cần khóc lóc, la hét thì sẽ được đáp ứng mọi đòi hỏi. Trẻ nhỏ học rất nhanh, chúng sẽ hình thành phản xạ có điều kiện và cứ ăn vạ đến khi nào bố mẹ chịu chiều theo mới thôi, vì vậy đừng nuông chiều thói quen xấu này dù chỉ một lần.
2. Bao bọc con một cách thái quá
Là cha mẹ, hẳn ai cũng muốn bảo vệ con để con bình an, khỏe mạnh lớn lên. Tuy nhiên, nhiều người lại làm quá đến mức quyết định thay con mọi chuyện, giúp con ngay khi mọi chuyện không như ý muốn. Đây là một sai lầm thường thấy trong xã hội hiện đại.
Kiểu dạy con như vậy sẽ tạo ra những đứa trẻ "gà công nghiệp", không độc lập, thiếu chính kiến, không có kĩ năng giải quyết vấn đề. Và cũng vì ít được trao cơ hội mắc sai lầm và tự sửa lỗi nên trẻ sẽ có thái độ kiêu ngạo, luôn cho mình là đúng.
3. Dọa dẫm suông
Mẹ đi làm về thấy con đang vẽ bậy lên tường, ra sàn nên nhắc nhở con phải vẽ vào giấy, nếu không mẹ sẽ tịch thu hết không còn bút màu để chơi nữa. Tuy nhiên, con không nghe lời mà cứ tiếp tục vẽ lên tường. Mẹ tịch thu bút màu, nhưng thấy con chuẩn bị khóc mếu thì lại trả lại bởi mẹ quá mệt, không muốn ngồi đôi co với con. Nếu bạn thấy hình ảnh của mình trong tình huống này, thì hãy chú ý, vấn đề ở đây là con sẽ không tôn trọng những lần mà bạn phạt con sau này nữa.
Theo bác sĩ nhi khoa Hansa Bhargava (làm việc tại Trung tâm y tế nhi đồng bang Atlanta, Mĩ) thì trẻ lứa tuổi mẫu giáo đã phân biệt được đâu là lời hù dọa suông, đâu là hình phạt thật sự. Nếu tình trạng này kéo dài, trẻ thậm chí sẽ không tôn trọng bố mẹ và không tin tưởng để nhờ cha mẹ tư vấn khi có vấn đề nữa.
4. Đổ lỗi cho người khác
Mỗi khi con làm điều gì sai, cha mẹ lại tìm lí do để biện minh cho hành vi đó thay vì nhận lỗi về phía con mình. Nếu cô giáo nói con không chú ý trong giờ, bạn ngay lập tức nghĩ do bài giảng của cô quá nhàm chán. Hoặc nếu con chơi ở công viên trò chơi và giành đồ với bạn, bạn sẽ mắng đứa bé kia không biết nhường. Đây là một sai lầm nghiêm trọng, bởi như vậy con bạn sẽ không nhận thức được hậu quả những hành vi của mình gây ra và không biết chịu trách nhiệm. Khi lớn lên, con sẽ đổ lỗi cho người khác khi việc không như ý mà không nhận ra lỗi của mình.
5. Không dạy con từ sớm
Nhiều khi con hư nhưng ba mẹ lại phủi tay nghĩ chỉ là do con còn bé, chưa hiểu chuyện, lớn lên sẽ khác, rằng trẻ con đứa nào cũng thế. Tuy vậy, ba mẹ không nhận ra những đứa bé hư nếu không được dạy bảo thì lớn lên sẽ thành những người thất bại: không suy nghĩ chín chắn trưởng thành, kĩ năng giải quyết vấn đề kém, thiếu động lực và luôn buồn chán... bởi trẻ nhận thức sớm hơn người lớn nghĩ rất nhiều.
Vậy nên hãy lắng nghe bản năng của người làm cha mẹ và chấn chỉnh hành vi của con một cách kịp thời, đồng thời hãy sửa đổi những thói quen trên để nuôi dạy con tốt hơn.