Lý thuyết là một chuyện, nhưng cách áp dụng và mức độ thành công thế nào trong việc hạn chế thời gian con ngồi lì trước màn hình tivi, điện thoại mới là điều mẹ đáng quan tâm.
- Nếu thấy con thức dậy và có 3 hành động này, chứng tỏ con bạn là đứa trẻ rất thông minh
- 4 dấu hiệu cho thấy trẻ sẽ khó dạy dỗ, cha mẹ thương con cần uốn nắn ngay từ khi còn nhỏ
Viện Hàn lâm Nhi Khoa AAP (Mỹ) khuyến cáo trẻ từ 2-5 tuổi nên hạn chế sử dụng thiết bị có màn hình, nếu dùng chỉ nên 1 tiếng mỗi ngày và xem các chương trình giáo dục chất lượng cao. Với trẻ từ 6 tuổi trở lên thì cần giới hạn rõ các chương trình và nội dung xem với thời gian cụ thể.
Các bậc phụ huynh trên khắp thế giới đã cùng nhau chia sẻ hàng loạt biện pháp hữu ích và rất thực tế để giúp con sử dụng thiết bị điện tử có màn hình như tivi, máy tính bảng, điện thoại một cách hiệu quả hơn.
1. Hẹn giờ và lên thời gian biểu cụ thể
Kirsten Britain: Tôi áp dụng cách đếm ngược thời gian khi sắp hết giờ xem để không làm con bị bất ngờ và sốc. Chẳng hạn: Còn 3 phút nữa, còn 2 phút nữa. Tôi cũng đặt ra giới hạn những chương trình và ứng dụng nào con được phép xem.
Rachelle Lowers: Tôi thì dùng chính chức năng hẹn giờ ở lò vi sóng để căn giờ cho con. Mỗi khi có tiếng kêu bíp bíp tức là con đã hết giờ được dùng và phải ngừng sử dụng. Con chỉ cần nghe tiếp bíp quen thuộc là tự động tắt thiết bị.
Rinna Tablante: Tôi đặt đồng hồ hẹn giờ trên chính chiếc iPad mà con dùng. Mỗi ngày con được hẹn giờ cho phép dùng 20 phút, cuối tuần 1 tiếng. Hết giờ thì con phải cất đi.
2. "Khuất mắt trông coi"
Amanda McAllister: Tôi đặt tivi trong phòng sinh hoạt chung của gia đình. Hai con tôi 6 tuổi và 8 tuổi đều chỉ được xem 1 tiếng mỗi ngày và xem vào cuối tuần. Ngoài ra không lắp tivi ở các phòng khác, con không thấy tivi thì sẽ không nhớ đến và tham gia vào nhiều trò chơi giải trí khác.
Danielle Bartran: Tôi giấu hết máy tính bảng và cho con giải trí bằng cách đạp xe mỗi ngày.
3. Tích lũy thời gian xem bằng cách làm việc
Kim O'Connor Crance: Các con tôi mỗi khi hoàn thành tốt các việc như chuẩn bị quần áo và đồ đạc đi học đúng giờ, đầy đủ sẽ được mẹ "trả phí" bằng chính thời gian xem tivi hoặc iPad.
Megan Spiller: Tôi có hẳn một bảng phí bằng thời gian xem như sau: Đổ rác – con tích lũy được 3 phút, dọn dẹp giường – con tích lũy 5 phút, giặt quần áo – con tích lũy được 5 phút. Và chỉ được phép sử dụng sau khi hoàn thành bài tập. Không làm việc thì không kiếm được phút nào.
Wendy Pitoniak: Mỗi khi con gái tôi có hành vi tốt, cư xử đúng mực lúc ở trường và ở nhà, bé kiếm được thời gian sử dụng thiết bị có màn hình.
4. Đánh lạc hướng
Kerry Marsh Wichowski: Con gái tôi 3 tuổi và bé biết được xem hoạt hình hoặc dùng điện thoại những lúc nào. Nhưng đôi khi bé đòi, và tôi sử dụng cách đánh lạc hướng bé sang 1 trò chơi khác để bé quên đi.
5. Hạn chế ngay cả trong ngày thường
Crystal Barnes: Kể cả những ngày thường trong tuần, các con tôi cũng không xem phim hay chơi điện tử. Tối thứ 6 là thời gian xem chung của cả nhà, cuối tuần tôi cũng hạn chế cho con xem vì con còn có rất nhiều hoạt động khác thú vị hơn.
Pamela Januchowski: Những ngày trong tuần phải đi học, con tôi không được phép xem hay chơi điện tử. Tuy nhiên, vào cuối tuần sau khi hoàn thành những công việc cần thiết thì tôi sẽ để con được thoải mái.
Jennifer Kellogg: Tôi nói với con là bác sĩ dặn không có chương trình hay lịch xem gì trong tuần hết. Vì vậy, tivi, iPad chỉ có trong 2 ngày thứ 7 và chủ nhật mà thôi.
Darci Lewis: Trong năm học, các con tôi sẽ không được xem từ thứ 2 đến thứ 6. Thay vào đó tôi và các con sẽ cùng chơi, đọc sách, cùng học cho tới cuối tuần. Ban đầu có thể hơi khó nhưng rồi con sẽ quen.
6. Chỉ dùng khi đi du lịch
Hollis Evans: Tôi cho con dùng máy tính bảng khi di chuyển đi xe đường dài và trong chuyến du lịch. Tất nhiên sau đó sẽ là thời gian để con chạy nhảy và chơi đùa.
7. Lựa chọn thay thế
Kathie Hilliard: Tôi tìm các trò chơi và địa điểm hấp dẫn để tách con khỏi màn hình như đi dạo, đạp xe, chơi bài, đọc truyện, cùng dọn dẹp nhà cửa.
Oz Douglas : Tôi vẫn cho con dùng nhưng là để nghe audiobook, nghe kể chuyện thay vì để con dán mắt vào màn hình như trước kia.
Trên đây là những cách hiệu quả mà các mẹ đã áp dụng để tách con khỏi màn hình – thế giới ảo, đưa con đến với những hoạt động bổ ích và hấp dẫn hơn. Mẹ Việt có thể tham khảo và tự chọn cho mình những cách phù hợp nhất hoặc tự mình sáng tạo những biện pháp hiệu quả hơn. Mục đích cuối cùng vẫn là sự phát triển toàn diện của trẻ đi cùng với niềm vui của thời thơ ấu.