5 vòng tròn màu sắc khác nhau tượng trưng cho 5 mối quan hệ sẽ giúp trẻ nhận thức rõ ràng về các ranh giới và chủ động bảo vệ bản thân khỏi những kẻ có ý đồ xâm hại tình dục.
- 8 sai lầm của bố mẹ ảnh hưởng xấu tương lai của trẻ
- Chín câu phụ huynh không nên nói khi kỷ luật trẻ
Vấn nạn xâm hại tình dục trẻ em luôn khiến phụ huynh đứng ngồi không yên. Đặc biệt trong thời gian gần đây, liên tiếp những vụ xâm hại có chiều hướng gia tăng và diễn biến ngày càng phức tạp. Vụ Nguyễn Hữu Linh "nựng" bé gái trong thang máy chưa kịp lắng xuống thì những thông tin về việc Christopher Trinnaman, người từng phải thụ án 4 năm tội ấu dâm chuyển tới Việt Nam sau khi mãn hạn tù đang khiến những người làm cha làm mẹ càng thêm hoang mang.
Theo thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, mỗi năm Việt Nam có khoảng 2.000 trẻ em bị xâm hại được phát hiện, trong đó trẻ em bị xâm hại tình dục chiếm hơn 60%. Trong đó, trẻ em bị xâm hại tình dục bởi người thân trong gia đình chiếm tỉ lệ cao là 21,3%, gần 60% số trẻ em bị xâm hại bởi người quen, hàng xóm. Chính vì thực tế này, Vụ Bà mẹ và Trẻ em (Bộ Y tế) đã khuyến cáo, cách tốt nhất để giúp trẻ tự bảo vệ mình là dạy cho trẻ những kỹ năng giúp phòng tránh nguy cơ bị xâm hại, giúp các bé tự bảo vệ mình.
Sau khi đã dạy con gọi tên chính xác các bộ phận riêng tư trên cơ thể, cha mẹ cũng cần dạy con về giới hạn của sự an toàn để bảo vệ bản thân trước những người xung quanh bằng quy tắc 5 vòng tròn. Theo đó, quy tắc này dạy trẻ biết ứng xử lịch sự và có khoảng cách với mọi người. Tương ứng với mỗi vòng tròn, quy tắc nêu rõ đối với từng mức quan hệ sẽ có các hành vi ứng xử tương ứng chấp nhận được, ngoài ra cách hành vi thân mật quá mức ở trẻ không được phép chấp nhận.
Quy tắc 5 vòng tròn cụ thể như sau:
- Vòng màu xanh dương ở trong cùng đại diện cho cha mẹ đẻ. Hành vi thể hiện tình cảm phù hợp của con và cha mẹ là ôm hôn, bế ẵm, nắm tay ở bên ngoài lớp quần áo. Tuy nhiên, cha mẹ cũng nên dạy trẻ những ranh giới không gian cá nhân. Khi trẻ còn quá nhỏ, cha mẹ có thể giúp con tắm rửa, bác sĩ, y tá có thể thăm khám các bộ phận riêng tư trên cơ thể trẻ khi có bệnh (với điều kiện có sự chứng kiến của cha mẹ đẻ). Ngoài ra, tuyệt đối không ai được phép chạm vào ngực và vùng kín của trẻ, cũng không ai được bắt trẻ tự chạm vào các khu vực đó.
- Vòng tròn màu xanh ngọc là khu vực của người nhà, đó là ông bà nội ngoại, anh chị em ruột… Những người đó chỉ được ôm, cầm tay, khoác tay trẻ, hạn chế tối đa động chạm vào khu vực khác.
- Vòng tròn màu vàng đại diện cho người quen (như hàng xóm, bạn bố mẹ…). Cha mẹ cần phải nói rõ cho trẻ biết về những chuẩn mực xã hội, phân loại mức độ quen biết và các quy tắc an toàn trong giao tiếp. Ở mối quan hệ này, trẻ chỉ nên cho họ bắt tay chứ không cho chạm vào người.
- Vòng tròn màu đỏ tượng trưng cho những người xa lạ mà cha mẹ và trẻ không hề quen biết. Không phải người lạ nào cũng nguy hiểm nhưng vì họ là người lạ nên không thể đánh giá họ tốt hay xấu. Bởi thế, với những người lạ mà trẻ không cảm thấy có dấu hiệu bất thường, một cái vẫy tay chào là đủ. Cha mẹ hãy dạy trẻ không nên tin, nghe lời người lạ, không nói với họ bất cứ điều gì về bản thân và những người thân yêu trong gia đình. Trẻ tuyệt đối không bao giờ được đi theo hoặc ngồi lên xe cho người lạ chở đi bất cứ đâu. Trẻ cũng không được nhận bánh, kẹo, quà từ người lạ.
- Vòng tròn màu đen đại diện cho những người lạ gây bất an cho trẻ. Hãy xua tay nếu họ đến quá gần, nếu cần thì hét to, chạy trốn. Có một số trường hợp người lạ hỏi trẻ về đường đi hoặc nhờ trẻ giúp đỡ việc gì đó, hãy dạy cho trẻ biết rằng nếu người lạ thực sự cần giúp đỡ, sẽ không bao giờ họ tìm kiếm sự giúp đỡ từ trẻ em. Vì thế, từ chối hay bỏ chạy vẫn là điều trẻ nên làm.
Cha mẹ có thể vẽ 5 vòng tròn này và để trẻ tô màu để nắm được các ranh giới ứng xử. Cùng với đó, điều quan trọng luôn cần nhấn mạnh với trẻ rằng "Đừng im lặng!". Bất cứ hành vi đụng chạm cơ thể nào chưa có sự đồng ý của trẻ, dù là bất cứ ai, hãy nói ngay cho cha mẹ biết. Ngoài ra, nếu trẻ không thích tiếp xúc với bất kỳ người nào, bé cũng nên chia sẻ cho cha mẹ và tránh xa những người mà bé không thích hay có những hành vi đụng chạm.