Nuôi con là một quá trình vô cùng gian nan nhưng cũng ngập tràn hạnh phúc. Trở thành những người cha, người mẹ tốt có lẽ là sứ mệnh thiêng liêng nhất trong cuộc đời mỗi người.
- Nghe cuộc hội thoại ngắn giữa mẹ và con, càng thấm phương pháp dạy con không đòn roi sâu sắc và hiệu quả thế nào
- 4 kiểu người mẹ dễ nuôi dạy nên những đứa trẻ nổi loạn trong tương lai, các mẹ hãy thay đổi ngay còn kịp
Trong quá trình khôn lớn, con trẻ chắc chắn sẽ mắc phải những sai lầm ngây ngô. Nếu các bậc phụ huynh chỉ biết quát mắng, sử dụng roi vọt để phạt trẻ mà không phân tích lỗi sai nằm ở đâu, tại sao không được làm vậy thì chúng sẽ vẫn tái phát những hành vi đó mà thôi. Đánh đòn thậm chí còn là hành động phạm pháp, có thể dẫn đến sang chấn tâm lý về lâu dài cho trẻ. Thay vào đó, hãy kiên nhẫn và nhẹ nhàng nhắc nhở những bài học dưới đây để chúng khắc sâu vào tâm trí đứa bé.
Trong cuộc sống phải có chính kiến riêng của mình
Nhà họ Hắc ra một quy định rằng mỗi tuần sẽ đều tổ chức một cuộc họp gia đình. Trong buổi họp đó, họ thường thảo luận xem tuần này sẽ đi chơi, đi ăn ở đâu, các thành viên sẽ lần lượt đưa ra ý kiến đóng góp của mình. Tuy chỉ mới đang học mẫu giáo hay tiểu học, bọn trẻ nhà họ Hắc đều được tôn trọng và lắng nghe như một người lớn vậy.
Có một lần, ông bố Hắc Ấu Long hỏi các con rằng: "Bố muốn thay đổi công việc, từ công ty Hughes của Mỹ sang công ty Kuangchi của Đài Loan. Mặc dù tiền lương sẽ ít hơn một nửa, nhưng bố cảm thấy hạnh phúc hơn nếu làm việc tại Kuangchi, các con thấy thế nào?"
Tất nhiên những đứa trẻ ấy chưa thể hiểu rõ sự tình và tầm quan trọng của vấn đề, nhưng việc tập cho con ra quyết định là một việc làm vô cùng cần thiết để tạo nên sự độc lập sau này của chúng.
Ai cũng có thể mắc sai lầm, lỗi lầm đó nằm ở hành vi chứ không phải người làm ra hành vi
Khi mới đến trường có lẽ là khoảng thời gian trẻ bộc lộ tính cách tò mò và hiếu kỳ với mọi vật xung quanh nhất. Bởi mọi thứ còn quá mới mẻ, chúng sẽ luôn muốn khám phá mọi thứ và điều đó vô tình có thể gây ra những rắc rối cho các bậc phụ huynh.
Lập Quốc - đứa con trai cả của gia đình họ Hắc từ khi còn học tiểu học đã luôn đứng đội sổ trong lớp, cậu ta cũng là đứa trẻ thường xuyên bày ra các trò quậy phá trong khu phố. Sai lầm đáng xấu hổ nhất mà cậu gây ra là khi học cấp 3, khi ấy vì thiếu găng tay nên Lập Quốc đã liều mình đánh cắp một đôi trong cửa hàng gần trường nhưng bị bảo vệ bắt được. Sau đó, cậu vô cùng xấu hổ và không dám ra đường gặp ai. Vài ngày sau, Hắc Ấu Long vừa đáp chuyến bay công tác từ Mỹ về đã được nghe vợ kể lại câu chuyện trước đó.
Vào nhà, ông chỉ hét to lên: "Lập Quốc đâu rồi? Con trai hãy đến và ôm bố nào!"
Chính giây phút ấy, cậu nhóc Lập Quốc đã thề rằng sẽ không bao giờ làm điều gì khiến bố mẹ phiền lòng nữa.
Luôn khích lệ các con theo đuổi đam mê của mình
Trong Hắc gia, Lập Hành - người con út là đứa con thông minh và yêu thích việc nghiên cứu sách vở nhất trong các anh em. Từ khi còn học tiểu học, cậu đã thường xuyên đến thư viện để đọc tài liệu về đại dương, về các loài cá và về thế giới tự nhiên xung quanh.
Với niềm đam mê mãnh liệt dành cho biển cả, các dụng cụ bơi lội như đồ lặn, bình dưỡng khí, mũ bơi… đều được bố mẹ trang bị đầy đủ cho Lập Hành. 4 giờ sáng hàng ngày, ông bố Hắc Ấu Long dù đang ngái ngủ vẫn cố gắng thức dậy lái xe đưa con trai đến bãi biển để tập lặn. Hai bố con cùng kiên trì được vài tuần cho đến khi cậu con cảm thấy chán nản vì cứ phải thức dậy quá sớm. Nhưng Hắc Ấu Long đã nghiêm túc nói: "Đã học lặn thì nhất định phải kiên trì. Bố không muốn con "ba ngày đánh cá hai ngày phơi lưới" như vậy."
Sau này, Lập Hành luôn giữ vững thành tích học tập nổi trội khi liên tục đứng nhất, nhì toàn trường. Vào năm lớp 12, khi tình cờ tham gia một vở nhạc kịch tại trường, cậu đã phát hiện ra niềm đam mê nghệ thuật của mình từ đó. Sau đó, Lập Hành thi đậu vào khoa cơ khí Đại học Stanford, đồng thời hoàn thành một vài khóa học kịch bên ngoài. Sau khi tốt nghiệp đại học, cậu băn khoăn không biết nên lựa chọn làm cơ khí hay khởi nghiệp trên con đường diễn xuất. Lập Hành luôn ôm mộng trở thành một đại minh tinh trong làng nhạc kịch.
Người bố biết rằng con trai đang ôm giữ một mơ ước hão huyền, nhưng không nỡ dội cho cậu một gáo nước lạnh, bèn gợi ý rằng con hãy thử dành một năm theo đuổi ước mơ, sau đó mới quyết định sẽ làm gì về lâu dài.
Lập Hành vô cùng phấn khích và bắt đầu dấn thân vào con đường nghệ thuật. Cậu luyện giọng, tập kĩ năng biểu diễn… và làm mọi việc đều hết sức chỉn chu. Ông Hắc cũng tận tâm giúp đỡ con trai trên con đường theo đuổi mơ ước.
Một năm sau, Lập Hành nhận ra rằng ước mơ rốt cuộc cũng chỉ là ước mơ. Nghệ thuật nếu không có tài năng thiên bẩm thì có cố gắng bao nhiêu cũng vô ích. Cậu từ bỏ nghiệp diễn và quay về Viện Cơ khí Stanford để tiếp tục sự nghiệp nghiên cứu.
Nhìn lại đoạn đường vòng mà con trai bước qua, Hắc Ấu Long không khỏi xúc động bộc bạch: "Nếu tôi không cho phép con trai học biểu diễn, điều đó có thể sẽ trở thành tiếc nuối lớn nhất suốt cuộc đời của nó".
Điều quan trọng nhất khi nuôi dạy con là không được dục tốc bất đạt, mọi chuyện đều cần có thời gian để giải quyết. Hãy tôn trọng sự khác biệt của mỗi đứa trẻ, giúp chúng phát hiện ra điểm mạnh của bản thân và khắc phục những điểm yếu còn tồn tại. Dù như thế nào, điều quan trọng nhất là hãy để con cảm nhận được tình yêu thương vô bờ bến mà cha mẹ dành cho chúng, rằng nhà luôn là nơi bình yên nhất trên thế gian luôn giang rộng đôi tay chào đón các con trở về sau sự khắc nghiệt bên ngoài cuộc sống.