Khuôn mặt bé gái bị tổn thương nặng nề, máu vương vãi khắp nơi khi bị con chó giống Pitbull đột nhiên quay sang tấn công.
- Chiêu tự vệ "xuất sắc" ông bố bà mẹ nào cũng nên dạy cho con mình
- Nghịch tử giết hại cha mẹ cùng bà nội: Bài học về phương pháp giáo dục con mà người Việt cần học tập
Cả gia đình bé Gabriella đang ở sân bay để chuẩn bị bay về Texas (Mỹ) vào dịp Giáng sinh. Lúc đó bé Gabriella đã xin phép cô Michelle Brannan được vỗ về con chó Pitbull của cô Nhưng chuyến đi của gia đình nhanh chóng biến thành cơn ác mộng tại ga đi sân bay quốc tế Portland (Oregon, Mỹ). Con chó đột nhiên quay sang tấn công cô bé 5 tuổi.
Gabriella vô cùng hoảng sợ. Máu chảy khắp mặt cô bé sau khi mi mắt trái bị con chó cắn rách, tuyến lệ bị thương nghiêm trọng và môi cô bé cũng trong tình trạng tả tơi.
Mẹ của Gabriella, cô Mirna, chia sẻ với tờ KARP-KVEW về sự cố kinh hoàng rằng: "Máu vương vãi ở khắp nơi".
Ngoài ra, cô bé Gabriella còn phải chịu đựng những vết sẹo và cần được "phẫu thuật để chỉnh sửa lại những vết rách phức tạp trên mặt, tuyến lệ bị tổn thương". Gia đình bé đang phải gánh những chi phí y tế trong hiện tại và cả tương lai.
Trong khi đó, cô Michelle Brannan - chủ con chó, được cho là đã khẳng định con chó của mình thuộc giống chó "hỗ trợ trấn an tâm lý". Người ta dùng chúng trong việc giúp những hành khách đi máy bay bị căng thẳng, lo lắng trở nên dễ chịu, bình tâm hơn. Trên thực tế, Brannan không nhốt con chó trong cũi trong lúc chờ lên máy bay.
Mẹ bé Gabriella cho rằng, lẽ ra cô Brannan nên biết rằng con chó của mình có "biểu hiện hành vi hiếu chiến, đáng sợ và sở hữu khuynh hướng bạo lực" cũng như tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho những thành viên trong cộng đồng.
Theo cô Mirna, sân bay và hãng hàng không đã không làm tròn trách nhiệm bảo vệ con gái cô khi cho phép Brennan đưa chó cưng tới mà không cho vào cũi.
Người phát ngôn của cảng hàng không cho biết, các quan chức có thể đề nghị một hành khách di chuyển cùng một con chó nếu đó là giống chó được huấn luyện để hỗ trợ và nếu con chó thực sự đang làm công tác hỗ trợ đó. "Hành khách chỉ cần trả lời những câu hỏi này và chúng tôi được yêu cầu chấp nhận câu trả lời".
Người phát ngôn cũng cho biết thêm, những loài động vật hỗ trợ trấn an tâm lý phải được cho vào cũi trong lúc di chuyển qua sân bay hoặc phải được buộc dây xích nếu nó quá lớn.
Hãng hàng không đã ghi rõ trên trang web của mình: "Chúng tôi chào đón những động vật phụ việc được huấn luyện và động vật giúp trấn an tâm lý". Quy định của hãng không yêu cầu động vật hỗ trợ trấn an tâm lý phải được cho vào cũi nhưng nhấn mạnh, chúng phải được buộc dây và được chủ nhân giám sát chặt chẽ.
Được biết, cô Michelle Brannan đã được thông báo phải nộp phạt khoản tiền 250 USD vì không cho chó của mình vào cũi.
Chó pitbull không thích hợp làm thú cưng cho trẻ em
Trong bài viết "Chó Pitbull có an toàn cho trẻ dưới 5 tuổi? Một số lưu ý trước khi nhận nuôi loài chó này" trên trang Romper, Yvette Manes, một người mẹ đã trích dẫn các số liệu cho thấy: Năm 2016, trong số 31 vụ bị chó tấn công nguy hiểm tính mạng, Pitbull chiếm tới 71% số trường hợp nạn nhân tử vong. Sara Enos, người sáng lập kiêm giám đốc điều hành American Pitbull Foundation (Hiệp hội chó Pitbull Mỹ), từng viết trên tạp chí TIME rằng, pitbull, giống các loài chó khác, đều có thể phát triển xu hướng hiếu chiến nếu bị xích và không được quan tâm, được huấn luyện với phương pháp phạt lỗi sai một cách bạo lực… Người mẹ này đi tới kết luận, cho tới khi có sự thay đổi về những số liệu thống kê thì có lẽ, lựa chọn khôn ngoan vẫn là không cho trẻ nhỏ tiếp xúc với chó Pitbull, đặc biệt là những bé vẫn đang học cách tương tác phù hợp với chó cưng, cụ thể giống Pitbull.
Quan điểm trên được bác sĩ nhi Laura E. Marusinec đồng tình. Trong bài viết trên tờ Herald Tribune, bác sĩ viết: "Với những cha mẹ đang tìm lời khuyên về việc chọn thú cưng an toàn cho gia đình và đang băn khoăn về mức độ an toàn của Pitbull, tôi khuyến nghị họ nên lắng nghe các chuyên gia y tế nhi khoa, chứ không phải người huấn luyện chó hay các tổ chức bảo vệ quyền động vật. Tôi hoàn toàn tin tưởng vào lợi ích mà những chú chó cưng mang lại cho các gia đình, trong đó có cả trẻ em. Nhưng làm ơn đừng mạo hiểm sự an toàn của con bạn hoặc mạng sống của con chỉ bởi nghe theo những 'chuyên gia' không chính xác".
Một số lưu ý về an toàn cho các gia đình nuôi thú cưng có trẻ nhỏ
Động vật là bạn bè và bạn chơi tuyệt vời nhưng với trẻ em, đặc biệt các bé dưới 5 tuổi, đòi hỏi sự giám sát chặt chẽ từ người lớn. Cho dù bạn nuôi thú cưng trong nhà hay đơn giản là ở gần các loài vật, hãy tham khảo một số điều sau để đảm bảo an toàn cho con:
- Trẻ không nên ở một mình hay được phép ngủ với một con vật.
- Đảm bảo bạn và con luôn rửa tay bằng xà phòng và nước sau khi chạm vào thú cưng.
- Dạy con không kéo tai, kéo đuôi loài vật hay cấu, véo, tạo ra tiếng ồn lớn. Con cũng không nên làm phiền thú cưng khi chúng đang ngủ, nghỉ ngơi, ăn hay chơi đùa với đồ chơi yêu thích của chúng.
- Dạy con không bao giờ đến gần chó hay loài động vật lạ. Trẻ không nên thò tay qua hàng rào để vỗ về một con chó.
- Không cho phép thú cưng liếm mặt trẻ hay vào bất cứ vết xước, vết rách trên da bé.
- Tăng dần trách nhiệm chăm sóc thú cưng của trẻ, nhưng nhớ rằng, bạn vẫn là người chăm sóc số 1 của thú cưng trong nhà.
- Lên kế hoạch cẩn trọng khi muốn nuôi thú cưng sao cho bạn chăm sóc được nó trọn đời. Thật không may khi nhiều thú cưng được đưa tới các trung tâm nuôi giữ phần lớn đều đến từ những gia đình có trẻ em.
- Tìm hiểu mọi thứ có thể về việc huấn luyện, cho ăn, chăm sóc thú cưng bằng cách đọc sách, các cuốn hướng dẫn ở phòng khám của bác sĩ thú y hay xem video.