Đang liến láu nói cười, thấy cô giáo giơ chữ cái lên hỏi, Mi co rúm người, bịt chặt tai rồi rúc xuống gầm bàn hét "con không biết đâu!".
- Tại sao con trai lớn cần rời mẹ nhưng con gái không cần rời cha?
- 5 thói quen tạo ra khoảng cách giữa những đứa trẻ
Mi là cô bé 6 tuổi ở Đội Cấn, Hà Nội, có đôi mắt đen láy, giọng nói lanh lảnh. Những năm mầm non, cô bé luôn ở trong đội văn nghệ trường vì hát hay, múa đẹp. Mi thích tham gia các hoạt động vui nhộn, con nói năng lưu loát và lắp ghép rất nhanh. Muốn con phát triển tự nhiên và thoải mái, bố mẹ em không dạy chữ, luyện toán cho con trước. Anh chị cũng thấy chuyện con cuối lớp mẫu giáo lớn vẫn chưa thuộc bảng chữ cái là bình thường.
Chuẩn bị bước chân vào tiểu học, Mi rất hào hứng với cặp sách, hộp bút, váy đồng phục... mới và nhảy chân sáo, nói cười líu ríu trong ngày khai giảng. Nhưng chỉ một tuần sau đó, cứ sáng ra, Mi lại chạy vào tủ quần áo trốn, rồi khóc đòi ở nhà. Cô giáo nói con quá chậm, không nhận biết được mặt chữ, hễ cô gọi đứng lên đọc thì lại chui tọt xuống gầm bàn. Bố mẹ em lúc này mới cuống cuồng, tối tối thay nhau dạy con học. Nhưng Mi nghe chữ trước quên chữ sau khiến anh chị phải liên tục chạy ra lan can hít thở hay xuống bếp uống nước để cố kìm cơn cáu đang bùng lên. Nhiều hôm 11h đêm, nhà Mi vẫn chong đèn học bài.
Nản lòng vì không thể giúp con tiến bộ, bố mẹ Mi đã thuê gia sư về kèm nhưng cũng chẳng cải thiện. Cuối cùng, anh chị đành đưa bé đi trị liệu tâm lý.
Thạc sĩ Lã Linh Nga, giám đốc Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học tâm lý - giáo dục (Hà Nội) cho biết, cũng như mấy năm trước, chỉ trong chưa đầy một tháng sau khai giảng năm nay, trung tâm đã tiếp nhận nhiều trẻ gặp các bất ổn tâm lý khi mới đi học.
Thời điểm chuyển môi trường từ chủ yếu là chơi sang học khiến không ít bé lớp một bỡ ngỡ, gặp khó khăn nhưng đa số các em đều nhanh chóng thích nghi. Một phần nhỏ, trẻ vốn có vấn đề về khả năng nhận thức hoặc bị đặt vào môi trường không phù hợp, chịu áp lực từ bố mẹ, cô giáo, tình trạng bất ổn có thể tăng lên, thậm chí thành nghiêm trọng.
Chuyên gia Linh Nga cho biết, một số trẻ bị rối loạn kỹ năng học tập (như trường hợp bé Mi), cha mẹ không hề nhận ra cho tới khi con đi học. Ở trẻ này, tất cả các hoạt động khác đều bình thường, bé còn thực hiện khá tốt bài kiểm tra chỉ số thông minh nếu không có các câu hỏi về ngôn ngữ. Trẻ hoạt bát, nhanh nhẹn nhưng lại bị rối loạn một hay vài quá trình tâm lý liên quan tới việc hiểu hay sử dụng ngôn ngữ. Với các bé này, càng cố dạy trẻ học theo cách thông thường hoặc tạo sức ép, trẻ càng sợ, không tiếp thu. Trẻ cần được can thiệp chuyên môn và thiết kế cách học riêng.
Nhiều trường hợp khác, bố mẹ đưa con đến với nhà tâm lý vì vấn đề trẻ mới đi học hay cãi lại người lớn, học không tập trung, dễ nổi cáu, ở lớp cô hỏi không nói... Nhưng khi tìm hiểu sâu, nhà chuyên môn lại phát hiện vấn đề cốt lõi là do khả năng học tập của con. Bé nhận thức chậm thì bị mắng, bị so sánh nên càng sợ học, sợ đến lớp, hoảng loạn và phản ứng lại.
Minh Đức đang học một trường công ở quận Cầu Giấy. Vài hôm sau khai giảng, mẹ Đức đã được cô gọi tới phàn nàn rằng con học rất kém, không chịu ngồi yên. Có hôm mẹ tới đón đã thấy đám bạn ùa theo mách: "Minh Đức hôm nay không thuộc bài bác ơi", "Có chữ A mà bạn Đức cũng không biết, lêu lêu"...
"Tôi vốn đã biết con chậm hơn các bạn cùng lứa nhưng không ngờ vào lớp 1 cháu lại chật vật thế này. Giờ cháu hôm nào cũng đòi nghỉ học, tôi cố bắt con đến lớp thì thương nhưng cũng chẳng thể cho con ở nhà", người mẹ bật khóc chia sẻ.
Tiến sĩ Lã Thị Bưởi, chuyên gia về sức khỏe tâm trí, thần kinh, cho biết, những vấn đề của trẻ cần được phát hiện và nâng đỡ kịp thời. Ngược lại, nếu bị chụp mũ là hư, áp đặt việc học tập, trẻ càng chống đối, bế tắc. Cha mẹ hãy luôn lắng nghe ý kiến con, thấy bé có các biểu hiện lạ thì càng cần dành nhiều thời gian quan tâm, tìm hiểu và đừng ngại tìm tới nhà chuyên môn để được hỗ trợ. Trong nhiều trường hợp, phụ huynh có thể cần chuyển lớp, chuyển trường để chọn được môi trường và phương pháp giáo dục phù hợp hơn với con.
Cũng có nhiều trẻ có khả năng nhận thức hoàn toàn bình thường bỗng sợ đi học, hoảng loạn khi bước vào lớp một do có khả năng thích ứng kém và khi đó, cha mẹ cần giúp con càng sớm càng tốt.
Mấy năm mẫu giáo, bé Bông ở Hoàng Mai, Hà Nội luôn được các cô giáo quý vì ngoan, ít nghịch ngợm. Nhưng khi vào lớp một chưa bao lâu, sáng nào bé cũng khóc đòi nghỉ, bữa trưa ở trường thì không chịu ăn, luôn ngậm cơm, sụt hẳn cân.
Bố em là hiệu trưởng một trường cấp 2 nhưng cũng không biết làm thế nào để giúp con, đành đưa bé tới gặp chuyên gia tâm lý. Tại đây, Bông được xác định là bị rối loạn khả năng thích nghi, có thể do một phần do tính cách nhạy cảm, dễ lo lắng, tự ti của em kết hợp với sự thay đổi môi trường.
Sau một thời gian được trị liệu, Bông đã trở lại trường học. Đi đón con sau vài ngày quay lại lớp, bố bé bất ngờ khi nghe cô giáo cho biết em đang thi đấu cờ vua ở khu nhà đa năng của trường. Em đã tự đăng ký tham gia khi cô giáo thông báo về phong trào hội khỏe. "Trong thời gian trị liệu, Bông học cờ vua để giải tỏa stress và chỉ chơi cho vui. Việc bé xung phong thi ở trường cho thấy em hoàn toàn tự tin, thoải mái. Khi con căng thẳng, bất ổn trong việc học, đôi khi, cách nâng đỡ tốt nhất không phải là cố dạy trẻ học để theo kịp các bạn mà là giúp con giải tỏa căng thẳng, tự tin trong một lĩnh vực nào đó", nhà tâm lý giải thích.