Trong những ngày thời tiết chuyển lạnh, bạn hãy làm ấm cơ thể với 4 món chè vừa nóng ấm lại thơm ngon dưới đây nhé.
- 2 đợt không khí lạnh tăng cường miền Bắc, hãy ăn nhiều hơn 2 món thịt dễ nấu mà siêu ngon này để chống lạnh mùa đông
- 4 món canh nên nấu trong bữa cơm mùa đông: Vừa dễ lại rất ngon và tạo nền tảng tăng cường sức đề kháng cho cơ thể
1. Chè sắn đường nâu
Chuẩn bị nguyên liệu làm chè sắn đường nâu: 1 củ sắn tươi, 1 quả trứng, 50g đường nâu hoặc đường thốt nốt, 1 mẩu gừng.
Cách làm món chè sắn đường nâu:
Sắn tươi bóc bỏ vỏ rồi rửa sạch, thái thành từng khúc ngắn. Cho sắn vào nồi, thêm lượng nước lọc thích hợp cùng gừng thái lát. Đun sôi ở lửa lớn trong khoảng 10 phút. Sau đó hạ nhỏ lửa đun khoảng 30 phút hoặc cho đến khi sắn mềm như sáp. Đập trứng vào rồi khuấy nhanh cho trứng tan. Cuối cùng cho đường nâu vào rồi đun tan là được.
Thành phẩm món chè sắn đường nâu:
Một bát chè sắn đường nâu dẻo mềm, ngọt thơm của gừng và đường nâu thấm đều hoà quyện vừa nóng ấm lại ngon miệng. Món chè giúp làm ấm cơ thể trong những ngày đầu mùa đông se lạnh.
Lưu ý: Củ sắn có tính lạnh, khi chế biến thêm một chút gừng sẽ hỗ trợ cho nhau. Những người có thể chất yếu, người có chức năng tiêu hóa kém và phụ nữ mới mang thai không nên ăn sắn. Vỏ sắn có độc nên trước khi ăn bạn nhớ gọt bỏ vỏ để tránh bị ngộ độc.
2. Chè bí đỏ hạt sen
Chuẩn bị nguyên liệu làm món chè bí đỏ hạt sen: 250g bí đỏ, 9 quả táo đỏ, 50g hạt sen, một ít đường phèn, hoa mộc.
Cách làm món chè bí đỏ hạt sen:
Bí đỏ gọt vỏ, rửa sạch rồi thái thành khối vừa ăn. Táo đỏ và hạt sen rửa sạch. Cho táo đỏ, hạt sen vào nồi, đổ lượng nước nước thích hợp và đun sôi. Sau đó hạ nhỏ lửa đun trong khoảng 30 phút. Tiếp đó cho bí đỏ vào đun chín mềm thì thêm đường phèn, nấu tới khi đường tan hoàn toàn rồi tắt bếp. Thêm chút hoa mộc vào và thưởng thức.
Thành phẩm món chè bí đỏ hạt sen:
Chè bí đỏ hạt sen có vị ngọt thanh tự nhiên của bí đỏ và táo đỏ. Món chè đơn giản từ nguyên liệu đến cách chế biến, đồng thời sử dụng rất ít đường nên không chỉ ngon miệng, giúp làm ấm cơ thể mà còn khiến bạn không bị tăng cân!
Lưu ý: Nếu bạn không thích ăn quá ngọt thì không cần cho đường phèn. Bí ngô và tảo đỏ cũng đã đủ tạo vị ngọt cho món chè.
3. Chè khoai môn đậu đỏ
Chuẩn bị nguyên liệu làm món chè khoai môn đậu đỏ: 150g khoai môn, 60g đậu đỏ, 1 miếng vỏ quýt, một ít đường nâu.
Cách làm món chè khoai môn đậu đỏ:
Bước 1: Đậu đỏ rửa sạch sau đó ngâm khoảng 3 tiếng hoặc qua đêm. Cho đậu đỏ đã ngâm và vỏ quýt vào nồi, đổ lượng nước thích hợp và đun sôi. Khi nước sôi thì hạ nhỏ lửa đun liu riu trong khoảng 1 tiếng. Trong khi hầm đậu đỏ thì gọt vỏ rồi rửa sạch khoai môn. Thái khoai thành khối nhỏ vừa ăn.
Bước 2: Khi đậu chín, nở bung thì cho khoai môn vào. Tiếp tục nấu trong khoảng 10 phút hoặc đến khi khoai chín mềm thì thêm đường nâu, đun cho đường tan rồi tắt bếp.
Thành phẩm món chè khoai môn đậu đỏ:
Mùa thu đông là mùa thu hoạch chính của khoai môn. Khoai môn vào chính vụ thường bở tơi và có vị ngọt thơm đậm đà. Vì thế, bạn hãy sử dụng những củ khoai môn tươi ngon này để nấu một bát chè nóng hổi, dẻo mềm lại ngọt thơm để thưởng thức nhé.
4. Chè khoai lang trứng cút
Chuẩn bị nguyên liệu làm chè khoai lang trứng cút: 1 củ khoai lang, 10 quả trứng cút, 1 mẩu gừng, một ít đường, kỷ tử.
Cách làm chè khoai lang trứng cút:
Khoai lang gọt vỏ, rửa sạch sau đó thái khối. Cho khoai lang vào nồi, thêm gừng thái sợi và lượng nước thích hợp vào đun sôi. Trong lúc nấu khoai lang thì luộc chín trứng cút, bóc bỏ vỏ. Khi khoai chín mềm thì thêm trứng cút cùng kỷ tử, đường nâu vào, đun khoảng 1 phút rồi tắt bếp.
Thành phẩm món chè khoai lang trứng cút:
Chè khoai lang trứng cút là một món ăn với vị ngọt nhẹ, ấm nóng của gừng, rất thích hợp để bồi bổ cơ thể trong những ngày thời tiết lạnh. Món chè này có thể dùng vào bữa sáng, vừa bổ sung năng lượng lại giúp tăng cường sức đề kháng, phòng trừ cảm mạo.
Chúc bạn nấu được những bát chè thơm ngon nhé!