Quá trình mang thai không suôn sẻ, mẹ bầu sẽ phải đối diện với nhiều vấn đề bất thường, một trong số đó là tình trạng thai chậm tăng trưởng trong tử cung.
- Sau sinh bao lâu thì có thể dính bầu: Kiến thức cần biết để tránh 'vỡ kế hoạch'
- Bà bầu bị đau đầu: Đừng quên những bài thuốc dân gian đơn giản, hiệu quả
Thai chậm tăng trưởng trong tử cung, còn gọi là thai giới hạn tăng trưởng trong tử cung là tình trạng bào thai bị suy dinh dưỡng ngay khi còn nằm trong bụng mẹ, không phát triển đúng tốc độ mong đợi trong tử cung. Đây là vấn đề quan trọng ảnh hưởng đến sức khỏe của thai nhi và có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển, khả năng sống sót của thai nhi ngay từ trong bụng mẹ.
Chia sẻ với phóng viên Gia đình Việt Nam, TS.BS Lâm Đức Tâm - Phó trưởng khoa phụ sản Bệnh viện Đa khoa Trung ương TP Cần Thơ, giảng viên chính trường Đại học Y dược Cần Thơ cho biết: "Thai chậm tăng trưởng là một thai kỳ nguy cơ cao, việc điều trị tùy thuộc vào mức độ nặng, số tuần tuổi thai, thời điểm khởi phát thai chậm tăng trưởng, nguyên nhân, tình trạng sức khỏe thai, sự tưới máu của bánh nhau và dây rốn".
TS.BS Lâm Đức Tâm đã có hơn 20 năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Sản Phụ khoa. Đóng góp nhiều phiên nghiên cứu quan trọng cho sự phát triển của lĩnh vực Sản phụ khoa nói riêng và ngành y nói chung.
BS Tâm nhấn mạnh: "Khi đã được chẩn đoán chính xác là thai chậm tăng trưởng, thai phụ sẽ được mổ lấy thai chủ động hoặc mổ lấy thai khi có các dấu hiệu cấp cứu. Vì vậy, việc xác định chẩn đoán 'thai chậm tăng trưởng' là một vấn đề rất quan trọng, đó là cơ sở để bác sĩ điều trị quyết định khi nào sẽ chấm dứt thai kỳ".
Dấu hiệu nhận biết thai chậm phát triển
Một số nguyên nhân giải thích cho "thai chậm tăng trưởng" trong tử cung liên quan bánh nhau, mạch máu, dây rốn, sự nhiễm trùng, tình trạng dị tật của thai… Những điều này dẫn đến sự gián đoạn trong việc cung cấp dinh dưỡng và oxi cho thai nhi, cũng là nguyên nhân dẫn đến thai chậm tăng trưởng trong tử cung.
Thai phụ tăng cân ít hơn bình thường
Chu vi vòng bụng và bề cao tử cung của người mẹ qua đo đạc bên ngoài có thể nhỏ hơn hoặc tăng chậm hơn so với các bà mẹ khác ở cùng giai đoạn của thai kì. Đối với các thai lớn, qua việc cảm nhận cử động thai, người mẹ có thể phát hiện những thai đổi về tần số cử động thai. Tuy nhiên không nhiều thai phụ có thể nhận biết được bất thường này.
Trong thăm khám lâm sàng, để đưa ra chẩn đoán thai chậm tăng trưởng trong tử cung thì cần xác định trọng lượng thai tại thời điểm thăm khám và sự phát triển của thai bằng cách đo kích thước và ước lượng cân nặng thai ở ít nhất 2 lần thăm khám liên tiếp, mỗi lần cách nhau 2 tuần.
Siêu âm để biết thai chậm phát triển
Thai phụ khi thăm khám định kì sẽ được bác sĩ siêu âm để theo dõi sự phát triển của thai, siêu âm kiểm tra sự tưới máu qua siêu âm doppler (phương pháp chẩn đoán hình ảnh sử dụng sóng siêu âm để tạo ra hình ảnh cấu trúc bên trong cơ thể), được hỗ trợ trưởng thành phổi khi thai có chỉ định phải chấm dứt thai kì sớm.
Khám thai kết hợp siêu âm kiểm tra định kì là phương pháp tốt nhất giúp phát hiện sớm các bất thường trong quá trình mang thai (Ảnh minh họa)
Thai chậm phát triển trong tử cung sẽ phát hiện được sớm nhờ vào khám thai định kì kết hợp với các dấu hiệu trên siêu âm. Việc chẩn đoán thai chậm tăng trưởng trong tử cung sẽ được xác định khi có đủ hình ảnh siêu âm với các thông số liên quan như đường kính lưỡng đỉnh, chu vi bụng, chiều dài xương đùi,…ở hai lần siêu âm liên tiếp cách nhau 2 tuần.
Giải pháp phòng ngừa thai chậm phát triển
Tuân thủ lịch trình khám thai
Khám thai là quá trình quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe của bà bầu và thai nhi. Nếu thai phụ đang gặp phải tình trạng tăng trưởng thai chậm, điều quan trọng là bạn nên tuân theo sự hướng dẫn của bác sĩ chăm sóc thai kỳ để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và thai nhi.
Thai phụ cần đến khám thai theo đúng lịch hẹn để theo dõi sự phát triển của thai nhi. Quá trình này bác sĩ sẽ theo dõi tình trạng tăng trưởng và xác định liệu có cần phải thực hiện các biện pháp can thiệp hay không.
Ăn uống cân đối phòng thai chậm phát triển
Các thai phụ hãy xây dựng cho mình một chế độ ăn uống cân đối, giàu dinh dưỡng để cung cấp đủ chất cho thai nhi. Khi cần thiết, hãy thảo luận với bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để biết được cần bổ sung những chất gì cho sự phát triển của thai nhi.
Giảm căng thẳng tránh thai chậm phát triển
Căng thẳng (stress) là một trong những yếu tố ảnh hưởng nhiều đến thai kỳ, trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe của người mẹ và cả sự phát triển của thai nhi. Thai phụ cần cố gắng giảm căng thẳng và duy trì tâm trạng tích cực.
Chia sẻ nhiều hơn với những người xung quanh cũng giúp cho mẹ bầu giải tỏa được áp lực, và người thân cũng nên ở cạnh để động viên, chia sẻ những áp lực của giai đoạn mang thai với người mẹ.
Thai phụ cần tránh căng thẳng và duy trì tâm trạng tích cực để ổn định sức khỏe cho thai nhi (Ảnh minh họa)
Tuân thủ điều trị trong thai kỳ
Hãy tuân theo các lời khuyên và chỉ định của bác sĩ điều trị trong thai kỳ. Vì tính phức tạp của bệnh lí, nên khi có bất kì một thắc mắc nào, thai phụ cần tham vấn ý kiến của bác sĩ để được giải thích rõ ràng những lợi ích và nguy cơ khi quyết định can thiệp được đưa ra.
Theo dõi cử động của thai nhi
Thao tác này có thể giúp mẹ bầu gián tiếp theo dõi sự phát triển và sức khỏe của thai nhi. Nếu người mẹ thấy bất kỳ thay đổi nào trong chuyển động của thai nhi, hãy thông báo ngay cho bác sĩ điều trị để được thăm khám và thực hiện các xét nghiệm, siêu âm khi cần thiết.
Lưu ý, các thai phụ hãy nhớ rằng tình trạng tăng trưởng thai chậm có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, và điều quan trọng là hãy lắng nghe và tuân thủ theo sự hướng dẫn của bác sĩ chăm sóc thai kỳ để đảm bảo sự an toàn cho cả mẹ và thai nhi.