Cậu bé này đã được ra ngoài thế giới một lần trước khi chính thức chào đời.
Y học ngày càng phát triển đang giúp các bà mẹ mang thai yên tâm hơn vì có thể sớm phát hiện những dị tật ở thai nhi và có hướng điều trị thích hợp. Những dị tật tưởng chừng như không thể can thiệp trong quá khứ cũng đã không làm khó được các bác sĩ hiện nay. Câu chuyện của bà mẹ dưới đây là một ví dụ.
Joni Reinkemeyer (22 tuổi, sống tại Missouri, Mỹ) đã rất vui mừng khi phát hiện ra mình chuẩn bị trở thành mẹ. Suốt thai kỳ, cô không gặp quá nhiều khó khăn. Vậy nhưng kết quả buổi siêu âm khi bé được 19 tuần đã khiến bà mẹ trẻ ngã khuỵu.
"Tôi vẫn nhớ như in ngày hôm đó. Tôi đã cực kỳ vui mừng, nằm trên giường siêu âm và không thể ngừng mỉm cười vì sắp được gặp con. Vậy nhưng kĩ thuật viên siêu âm đã phát hiện ra điểm bất thường. Em bé của tôi có chất lỏng bất thường ở não hoặc có khả năng là một khối u. Chúng tôi được chuyển sang bệnh viện khác để kiểm tra kĩ hơn. Mọi thứ dường như sụp đổ dưới chân tôi", Joni tâm sự.
Sau nhiều lần kiểm tra, Joni tiếp tục được chuyển đến bệnh viện Barnes-Jewish. Tại đây, các bác sĩ cho biết em bé trong bụng Joni bị tật nứt đốt sống. Độ nguy hiểm của dị tật này phụ thuộc vào vị trí của vết nứt. Nếu vết nứt ở vị trí cao thì em bé có thể bị liệt toàn thân hoặc nửa thân dưới.
Vậy nhưng cả hai không nhận được lời đề nghị bỏ thay và thay vào đó là thực hiện một ca phẫu thuật chưa thực sự phổ biến - phẫu thuật thai nhi.
"Tôi đã rất ngạc nhiên khi bác sĩ cho biết họ có thể lấy em bé trong bụng tôi ra, phẫu thuật đóng vết nứt trên đốt sống và sau đó đưa con trở lại tử cung tôi để tiếp tục phát triển.
Tuy nhiên bác sĩ cũng cảnh báo rằng phẫu thuật này chưa từng được thực hiện tại bệnh viện nên rủi ro là rất cao.", Joni chia sẻ.
Vậy nhưng sau khi suy nghĩ cẩn thận, Joni cùng chồng quyết định sẽ nắm lấy cơ hội này để cứu con vì nếu sinh ra mang dị tật thì cậu bé sẽ khổ sở cả đời.
Ngày 10/10/2017, ca phẫu thuật của Joni diễn ra với sự tham gia của hơn 32 bác sĩ và nhân viên y tế. Trong đó bao gồm hai bác sĩ gây mê, hai nhà giải phẫu thần kinh học và một nhóm bác sĩ phẫu thuật cùng nhân viên hỗ trợ. Khi được lấy ra ngoài phẫu thuật, con trai Joni mới nặng 0,45kg. Các bác sĩ đã rút hết nước ối ra khỏi cột sống của bé và phẫu thuật trám lại vết nứt.
Ca phẫu thuật diễn ra thành công tốt đẹp. Joni phải thuê một căn hộ ở gần bệnh viện để đề phòng bất trắc xảy ra. Cuối cùng, sau 10 tuần chỉ nằm trên giường giữ thai, cậu bé Jackson đã chào đời an toàn.
Lần thứ hai đến với thế giới, cậu bé Jackson nặng hơn 2kg. Vì tim đập không ổn định và có dấu hiệu vàng da nên bé phải nằm phòng chăm sóc đặc biệt 12 ngày.
Tiến sĩ Michael Bebbington, người trực tiếp thực hiện ca phẫu thuật cho Joni cho biết: "Để cân nhắc phẫu thuật thai nhi, chúng tôi cần đánh giá chi tiết cả em bé và người mẹ để đảm bảo rằng họ đáp ứng các tiêu chuẩn sức khỏe. Chỉ khoảng một phần năm trong số những người được khám là đủ điều kiện và sẵn sàng trải qua phẫu thuật.
Rủi ro khi thực hiện phẫu thuật là em bé có thể tử vong ngay khi được đưa ra ngoài hoặc sau ca phẫu thuật. Hơn nữa, thông thường những trường hợp được phẫu thuật sẽ sinh non".